Thứ năm 23/01/2025 03:06

Dịch vụ đổi tiền lì xì trên mạng xã hội: tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tin vào dịch vụ đổi tiền lì xì trên mạng xã hội, nhiều người dân đã bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng để chiếm đoạt… Thậm chí, kể cả những người “kinh doanh” dịch vụ này cũng làm mồi cho kẻ xấu.
Dịch vụ đổi tiền lì xì trên mạng xã hội: tiềm ẩn nhiều rủi ro
Cảnh giác trước dịch vụ đổi tiền lì xì trên mạng xã hội. Ảnh: Cục An toàn Thông tin

Tìm người kinh doanh dịch vụ đổi tiền mới trên mạng để chiếm đoạt tài sản

Mới đây, Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Chu Thị Diệu Châu (SN 2006, ở xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn) về hành vi cướp tài sản.

Theo đó, do cần tiền để chi tiêu, Châu đã tìm người kinh doanh dịch vụ chuyển tiền, đổi tiền mới trên mạng để lên kế hoạch chiếm đoạt tài sản. Điều đáng nói đối tượng Châu là nữ giới nhưng có nhận dạng của nam thanh niên, nên đã gây khó khăn cho lực lượng Công an truy bắt.

Ngày 11/12/2024, Châu sử dụng tài khoản Facebook “Minh Minh” liên hệ với anh T (SN 1991, ở Long Biên) để đổi 80 triệu đồng tiền mới. Hai bên thỏa thuận mức phí đổi tiền là 950.000 đồng và 200.000 đồng vận chuyển đến khu vực xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn.

Khoảng 9h ngày 12/12/2024, anh T thuê ông Đ (SN 1955, ở Hà Nội) mang 80 triệu đồng đến điểm hẹn. Còn Châu mang theo một bình xịt hơi cay để làm công cụ gây án.

Đến 10h30 cùng ngày, Châu hướng dẫn ông Đ đi đến địa điểm chờ sẵn. Khi ông Đ bỏ tiền ra để kiểm tra thì đối tượng dùng bình xịt hơi cay xịt thẳng vào mặt ông rồi cướp lấy số tiền. Sau khi gây án, Châu để lại xe máy và bỏ chạy.

Số tiền cướp được, đối tượng mua 1 điện thoại iPhone 16 Pro Max, 1 đồng hồ Apple Watch, 0,5 chỉ vàng… Ngoài ra, Châu còn rủ bạn đi ăn uống và đi bar chơi hết hơn 20 triệu đồng.

Đến ngày 13/12/2024, Công an huyện Sóc Sơn đã tiến hành triệu tập Châu về trụ sở để làm việc. Tại cơ quan Công an, đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Hiện Công an huyện Sóc Sơn đang củng cố hồ sơ, xử lý đối tượng theo quy định.

Dịch vụ đổi tiền lì xì trên mạng xã hội: tiềm ẩn nhiều rủi ro
Một bài đăng về đổi tiền lì xì trên mạng xã hội. Ảnh cắt màn hình

Tiềm ẩn nhiều rủi ro từ dịch vụ đổi tiền lì xì trên mạng xã hội

Tết sắp đến, cùng với sự nhộn nhịp của các thứ bánh trái, thực phẩm phục vụ Tết, dịch vụ đổi tiền mới, tiền lì xì Tết được nhiều người quan tâm, săn đón. Có thể tìm thấy những bài đăng đổi tiền lì xì Tết dễ dàng bắt gặp ở khắp các nhóm trên mạng xã hội. Thậm chí, nhiều chủ tài khoản còn nhận “đổ buôn” tiền lẻ, tiền mới cho ai có nhu cầu hay tuyển cộng tác viên đăng bài.

Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, “dân buôn tiền” trên mạng internet còn rao bán cả tiền lì xì, tiền độc, tiền hiếm, ngoại tệ của nhiều nước. Các loại tiền này chủ yếu được chuyển trực tiếp từ nước ngoài về, với giá bán thường cao gấp nhiều lần so với mệnh giá thực tế tùy vào độ độc, lạ của loại tiền.

Bên cạnh những lời mời chào hết sức hấp dẫn như phí đổi thấp, cam kết tiền thật, tiền nguyên seri, các đối tượng còn sẵn sàng giao hàng tận nơi, người đổi tiền được yêu cầu kiểm tra trước khi nhận hàng.

Để cạnh tranh, mức phí dịch vụ cho việc đổi tiền cũng dao động linh hoạt tùy vào từng thời điểm. Theo đó, đối với các loại tiền mới với mệnh giá cao như 100.000 đồng, 200.000 đồng, mức phí đổi từ 3 - 6%. Đối với các loại tiền lẻ như 1.000 đồng, 2.000 đồng, mức phí cao hơn, từ 10 - 14%. Càng đổi với số lượng lớn, mức phí dịch vụ càng được chiết khấu “phải chăng”.

Tuy nhiên, những quảng cáo dịch vụ đổi tiền mới trên các trang mạng xã hội tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người đổi tiền. Thực tế đã có nhiều nạn nhân thực hiện giao dịch đổi tiền mới nhưng khi nhận lại tiền được đổi thì không đủ như cam kết, thậm chí khi nhận lại là tiền giả. Không ít trường hợp người dân chuyển khoản xong thì chủ tài khoản trang mạng xã hội đã chặn liên lạc và mất tích, “bùng” tiền cọc của khách.

Hoặc như vụ việc mà Công an huyện Sóc Sơn vừa khởi tố, tiền mới không thấy, nhưng “tiền cũ” thì đã mất cả mớ.

Chưa tính đến độ rủi ro của các giao dịch này, mà mọi hành vi thu, đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức khác nhằm hưởng chênh lệch và trao đổi tiền trên mạng không được phép, đều vi phạm quy định pháp luật và phải được ngăn chặn, xử lý nghiêm.

Trước thông tin trên, Cục An toàn Thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo, người dân cần cảnh giác trước những đối tượng không quen biết, tuyệt đối không đổi tiền qua mạng xã hội để tránh trở thành “con mồi” tiếp tay cho các hành vi lừa đảo.

Chỉ nên sử dụng các dịch vụ đổi tiền của ngân hàng, công ty tài chính hoặc các cơ sở kinh doanh có uy tín, có giấy phép hoạt động hợp pháp. Đối với các dịch vụ trên mạng xã hội, trước khi giao dịch, hãy kiểm tra các phản hồi từ khách hàng cũ, các đánh giá hoặc các chứng chỉ pháp lý của dịch vụ; so sánh tỷ giá chênh lệch với thị trường, không tin vào những dịch vụ tỷ giá quá cao so với thị trường.

Cảnh giác với các dịch vụ yêu cầu chuyển tiền trước khi nhận hàng. Khi phát hiện các đối tượng có hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả hay các hành vi lừa đảo, trục lợi khác, cần kịp thời trình báo cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.

Con gái cùng đồng bọn dàn cảnh bắt cóc tống tiền cha ruột Con gái cùng đồng bọn dàn cảnh bắt cóc tống tiền cha ruột
Hai kẻ “vô công rồi nghề” dùng app ngân hàng giả chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng Hai kẻ “vô công rồi nghề” dùng app ngân hàng giả chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động