Thứ năm 23/01/2025 06:17

Doanh nghiệp làm nội dung “ăn theo xu hướng” phản cảm: cần chế tài xử lý nghiêm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Gần đây, một cốc trà của thương hiệu KATINAT thay vì ghi giảm đường, giảm đá lại ghi “giảm an tây” đã bị dư luận chỉ trích nặng nề.
Doanh nghiệp làm nội dung “ăn theo xu hướng” phản cảm: cần chế tài xử lý nghiêm
Cốc trà gây bão dư luận của KATINAT

Phản ứng của dư luận

Dư luận dậy sóng vì họ không hiểu vì sao một thương hiệu khá lớn lại dùng chiêu trò “ăn theo” câu tương tác lố bịch. Từ “an tây” có thể ám chỉ đến một người mẫu có liên quan đến vụ bị khởi tố, tạm giữ để điều tra vì liên quan đến việc tổ chức, sử dụng ma túy. Đây là một ghi chú rất nhạy nhất là với một thương hiệu đồ uống được khá nhiều giới trẻ quan tâm như hiện nay thì sự việc này rất khó để không “dậy sóng”.

Trước phản ứng của dư luận, thương hiệu này đã đăng tải thông cáo báo chí về việc ứng xử không đúng chuẩn mực của nhân viên. Họ cho biết, qua tìm hiểu, kiểm tra toàn bộ sự việc, thương hiệu khẳng định đây là trò đùa của một nhân viên của cửa hàng KATINAT tại Diamond Residence Lê Văn Lương (Hà Nội).

Vào lúc 14h45 ngày 18/11/2024, một nhân viên của cửa hàng KATINAT tại Diamond Residence Lê Văn Lương - Hà Nội, đã tự ý ghi thêm những nội dung không phù hợp, thiếu chuẩn mực lên tem dán thức uống, trái với những quy định và chuẩn mực của thương hiệu, sau đó ly nước có dán tem này đã được giao đến tay khách hàng. KATINAT đã thực hiện xử lý kỷ luật nhân viên vi phạm theo hình thức sa thải, xử lý kỷ luật quản lý cửa hàng theo hình thức nhắc nhở vì đã kiểm soát chưa tốt các hoạt động của cửa hàng.

Ngoài ra, thương hiệu này cho biết, đã liên hệ trực tiếp với khách hàng đã nhận sản phẩm có tem dán không phù hợp để gửi lời xin lỗi chân thành đến họ với tinh thần cầu thị, giải thích rõ sự việc. Khách hàng đã thấu hiểu, đồng ý hướng xử lý này và đã chính thức thông tin lại kết quả xử lý sự việc trên trang cá nhân vì khách hàng cũng hoàn toàn không muốn sự việc bị đẩy đi quá xa.

KATINAT khẳng định rằng đây là hành động bộc phát mang tính đùa cợt của cá nhân một nhân viên và điều này vi phạm nghiêm trọng quy định về tiêu chuẩn phục vụ, đi ngược với phương châm kinh doanh cũng như định hướng cốt lõi về thương hiệu của KATINAT.

Trước đó, thương hiệu này cũng bị lên án với chiến dịch trích 1.000 đồng từ mỗi ly nước bán ra nhằm hỗ trợ đồng bào bị miền Bắc bị ảnh hưởng bởi cơn bão số Yagi. Nhiều người cho rằng chiến dịch của Katinat không thực sự hiệu quả và nghi ngờ mục đích thực sự của thương hiệu.

Tác dụng ngược của “ăn theo xu hướng”

Hồi đầu năm 2024, một thương hiệu lớn nổi tiếng thế giới là Zara cũng vì chỉ trích vì chiến dịch quảng cáo mới có nội dung phản cảm. Chiến dịch quảng cáo, được biết đến với tên gọi “Áo khoác” của Zara, mô tả các hình ảnh có sự xuất hiện của người mẫu Kristen McMenamy, người đã tạo dáng với những bức tượng manơcanh được bọc trong lớp nhựa trắng.

Nhiếp ảnh gia Tim Walker là người đã thực hiện quảng cáo, trong đó có cảnh McMenamy đứng trước một không gian làm việc được tái tạo, chứa đựng những hộp gỗ trống và đống đổ nát, tất cả đều được sơn màu trắng.

Zara đã phải đối mặt với lời chỉ trích khi người tiêu dùng phát hiện sự tương đồng giữa hình ảnh trong chiến dịch quảng cáo và thực tế thảm khốc đang diễn ra ở Gaza. Hình ảnh của McMenamy cầm một con manơcanh cụt tay bọc trong nhựa trắng bị so sánh với hình ảnh một người mẹ Palestine ôm con trông giống như đã chết.

Thương hiệu thời trang nhanh Zara đã phải đối mặt với sự chỉ trích từ hàng nghìn khách hàng trên mạng xã hội. Zara đã phản hồi bằng một bài đăng xin lỗi, ghi nhận rằng họ rất tiếc về chiến dịch quảng cáo mới nhất của mình. Zara cũng cho biết họ đã xóa các hình ảnh cuối cùng trong chiến dịch và thú nhận rằng một số khách hàng cảm thấy bị xúc phạm, và những hình ảnh này đã được xóa vì chúng không phản ánh đúng ý định khi được tạo ra. Zara cũng cho rằng rất tiếc nuối và cam kết về sự tôn trọng đối với mọi người. Tuy nhiên, chiến dịch quảng cáo gây tranh cãi này vẫn nhận được chỉ trích trên quy mô toàn cầu, khi những người tiêu dùng cũ của Zara kêu gọi tẩy chay thương hiệu thời trang này.

Quay trở lại với vụ việc của KATINAT, rất nhiều ý kiến cho rằng, người nổi tiếng nào sai thì có pháp luật xử lí, lợi dụng vụ việc đang rùm beng để kinh doanh là phản cảm, lố bịch, khó chấp nhận.

Việc sáng tạo nội dung, chiến dịch tiếp thị ăn theo một xu hướng đang nổi trong xã hội đang được khá nhiều DN áp dụng. Kết hợp với sức mạnh của mạng xã hội, mỗi quảng cáo theo kiểu này có thể thu hút hàng trăm, hàng triệu lượt xem chỉ trong vài giờ, thậm chí vài phút.

“Ăn theo xu hướng” đồng nghĩa với việc thương hiệu đang hòa mình vào những gì diễn ra trong thế giới thật. Khi ấy, thương hiệu và khách hàng đang theo đuổi những sự việc giống nhau, từ đó dễ dàng tạo nên sợi dây cảm xúc, khiến khách hàng tìm thấy những điểm liên quan giữa đời sống của mình và với thương hiệu. Có rất nhiều thương hiệu đã thành công với cách làm này, tuy nhiên với KATINAT thì ngược lại.

Tại Khoản 3 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 đang có hiệu lực thi hành cấm các cá nhân, chủ thể để đạt được mục đích của mình (bán hàng, giới thiệu sản phẩn, quảng bá hình ảnh….) sử dụng chiêu trò quảng cáo có nội dung thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam…

Khoản 1 Điều 11 Luật Quảng cáo 2012 quy định, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo điểm d khoản 4 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 40- 60 triệu đồng. Ngoài ra, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào bị thiệt hại do hành vi quảng cáo bị vi phạm gây ra đều có quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tổ chức vi phạm bồi thường thiệt hại.

Người có ảnh hưởng khi quảng cáo phải đã trực tiếp sử dụng sản phẩm Người có ảnh hưởng khi quảng cáo phải đã trực tiếp sử dụng sản phẩm
Sử dụng hình ảnh bác sĩ, y sĩ… quảng cáo thuốc là sai quy định Sử dụng hình ảnh bác sĩ, y sĩ… quảng cáo thuốc là sai quy định
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động