Thứ năm 23/01/2025 03:09

Độc đáo tour trải nghiệm “Chuyện đình trong phố”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nằm ẩn mình giữa phố xá nhộn nhịp, những ngôi đình khu phố cổ từng một thời rơi vào quên lãng nay được “đánh thức” từ các hoạt động khôi phục và bảo tồn giá trị di sản trong đời sống đương đại.
Nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm giới thiệu nghệ thuật thêu trong khuôn khổ dự án “Chuyện đình trong phố” tại đình Tú Thị. Ảnh: Trần Hòa
Nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm giới thiệu nghệ thuật thêu trong khuôn khổ dự án “Chuyện đình trong phố” tại đình Tú Thị. Ảnh: Trần Hòa

Trước cơn lốc xã hội hóa, những ngôi đình cổ được bao bọc bởi bức tranh tâm linh giữa lòng phố cổ từng bị lãng quên, nay được “sống dậy” trong dự án “Chuyện đình trong phố”. Đây là hoạt động do UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp cùng nhóm nghệ sĩ do giám tuyển Nguyễn Thế Sơn thực hiện.

Ở giai đoạn đầu, đơn vị tổ chức lựa chọn 7 ngôi đình gắn với câu chuyện phố nghề. Kể đến là đình Tú Thị (2A phố Yên Thái, thờ tổ nghề thêu Lê Công Hành), đình Hà Vĩ (11 phố Hàng Hòm, thờ tổ nghề sơn Trần Lư), đình Yên Thái (số 8 ngõ Tạm Thương, thờ Nguyên phi Ỷ Lan), đình Nam Hương (75 phố Hàng Trống, thờ thần Long Đỗ, Linh Lang, Cao Sơn), đình Trúc Lâm (40 phố Hàng Hành, thờ tổ nghề da giày Nguyễn Thời Trung), đình Trung Yên (số 10 ngõ Trung Yên, thờ ông Mỗ - Tiến sĩ thời Mạc) và đình Phúc Kiến (vốn là Hội quán Phúc Kiến, số 40 Lãn Ông, thờ Thiên Hậu).

Trong quá trình thực hiện dự án, các nghệ sĩ lấy cảm hứng từ chính những kiến trúc văn hóa di sản để kể câu chuyện xưa gắn với nghệ thuật đương đại. Khai thác vẻ đẹp kiến trúc, giá trị văn hóa lịch sử, dự án đưa nghệ thuật triển lãm vào các ngôi đình, kể câu chuyện phố nghề qua các tour du lịch trải nghiệm giúp giữ chân du khách. Đình Tú Thị gắn với nghề thêu truyền thống, đình Hà Vĩ gắn với hình ảnh nghề sơn, đình Phả Trúc Lâm gắn với nghề làm giày thủ công.

Điểm đặc biệt mỗi tour trải nghiệm có sự tham gia trực tiếp của các “cụ từ” (người trông coi, thủ nhang tại các ngôi đình) sẽ trở thành hướng dẫn viên du lịch kể về gốc tích và nét riêng của các không gian di sản.

Di tích quốc gia đình Tú Thị. Ảnh: Công Thọ
Di tích quốc gia đình Tú Thị. Ảnh: Công Thọ

Dịp này, công chúng yêu nghệ thuật có thể ghé thăm đình Tú Thị trên phố Yên Thái chương trình “Tơ óng màu cây - Đường thêu nét nhuộm xưa” (từ ngày 19/12/2024 đến ngày 19/1/2025). Tại chương trình, du khách cùng trải nghiệm các công đoạn chính của nghề thêu thùa truyền thống, tham quan các bức tranh thêu cổ được trưng bày tại triển lãm, xem nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm trực tiếp ngồi thêu, sáng tạo các bài thêu có tính di sản.

Tháng 11/2024, dự án “Chuyện đình trong phố” tham gia hưởng ứng sự kiện Lễ hội Thiết kế sáng tạo TP Hà Nội năm 2024, góp phần quảng bá hình ảnh và không gian nghệ thuật công cộng của những ngôi đình trong khu Phố cổ Hà Nội gắn với câu chuyện nghề 36 phố phường.

Hiện, ngành du lịch Thủ đô đặt mục tiêu sáng tạo các sản phẩm du lịch mới đáp ứng nhu cầu tham quan của người dân và du khách và tour du lịch trải nghiệm “Chuyện đình trong phố” hứa hẹn trở thành sản phẩm du lịch mới và khác biệt, góp phần thúc đẩy giá trị di sản, hướng tới xây dựng Hoàn Kiếm là quận sáng tạo của Thủ đô.

Hà Nội: tổ chức 70 điểm chợ hoa Xuân dịp Tết Ất Tỵ 2025
Đẩy nhanh tiến độ Đề án giãn dân phố cổ giúp bảo tồn di sản của Hà Nội
Vinh danh công trình “Bản đồ số các địa chỉ đỏ trên địa bàn TP Hà Nội”
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động