Động đất tại Myanmar: tiếp tục xảy ra dư chấn mạnh, nhiều quốc gia cấp tốc hỗ trợ cứu nạn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Những nỗ lực cứu hộ vẫn đang được khẩn trương triển khai tại khu vực Mandalay, Myanmar dù nguy cơ về dư chấn vẫn còn lớn. (Ảnh: AFP) |
Dư chấn tiếp tục gây hoảng loạn tại Mandalay
Theo thông tin ban đầu, dư chấn mạnh 5,1 độ xảy ra cách Mandalay 27 km về phía Bắc, nhưng chưa có báo cáo chính thức về thiệt hại. Tuy nhiên, nhân chứng tại hiện trường cho biết nhiều người hoảng sợ la hét và tháo chạy ra ngoài đường khi mặt đất rung chuyển.
Trong khi đó, Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar xác nhận rằng số nạn nhân do trận động đất ngày 28/3 đã lên tới khoảng 1.700 người, 3.400 người bị thương và 300 người vẫn đang mất tích.
Không chỉ Myanmar, trận động đất còn gây ảnh hưởng nặng nề đến Thái Lan, nơi chính quyền địa phương báo cáo 17 người thiệt mạng, 32 người bị thương và 83 người mất tích.
Tại Thái Lan, Cục Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai cho biết 18 tỉnh bị ảnh hưởng, với 420 ngôi nhà bị hư hại, 48 ngôi chùa chịu ảnh hưởng. Bên cạnh đó, 76 bệnh viện, 23 trường học và 18 văn phòng nhà nước bị thiệt hại
Mặc dù nguy cơ xảy ra dư chấn đang giảm dần, nhưng tình hình vẫn tiềm ẩn rủi ro, gây khó khăn cho công tác cứu hộ.
![]() |
Lực lượng cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an lên đường hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn tại Myanmar. (Ảnh: Khánh Huy) |
Thế giới khẩn cấp hỗ trợ Myanmar
Trước thảm họa nghiêm trọng, nhiều quốc gia đã nhanh chóng viện trợ nhân đạo để giúp Myanmar khắc phục hậu quả động đất.
Ngày 30/3, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tổ chức họp trực tuyến để điều phối hỗ trợ. Việt Nam đã cử đoàn công tác 80 người, do Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ dẫn đầu, cùng 6 chó nghiệp vụ, thiết bị cứu hộ, thuốc men và hàng hóa cần thiết đến Myanmar.
Phía Campuchia cũng cam kết viện trợ 100.000 USD, đồng thời xem xét cung cấp thêm vật tư y tế. Singapore đã gửi đội cứu hộ 80 người, bao gồm chuyên gia y tế và tìm kiếm cứu nạn. Còn Malaysia triển khai 50 nhân viên cứu hộ, trong khi Philippines dự kiến cử 114 người đến Myanmar vào ngày 1/4.
Ngoài các quốc gia Đông Nam Á, những quốc gia khác trên thế giới cũng cấp tốc điều lực lượng và viện trợ tài chính. Trong đó, Ấn Độ gửi 5 máy bay cứu trợ và 2 tàu hải quân chở theo nhân sự và thiết bị. Nga cũng triển khai 3 máy bay chở đội cứu hộ, bác sĩ và bệnh viện lưu động.
Còn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kích hoạt trung tâm hậu cần tại UAE để chuẩn bị vật tư y tế khẩn cấp. Cùng với đó, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã cam kết viện trợ tài chính như: Hàn Quốc gửi 2 triệu USD, New Zealand viện trợ 1,14 triệu USD, EU hỗ trợ 2,7 triệu USD, dự kiến sẽ tăng thêm trong thời gian tới, Ireland cũng đóng góp 6 triệu euro
Đặc biệt, Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế phát động lời kêu gọi đóng góp 100 triệu USD để giúp đỡ 100.000 nạn nhân động đất trong 24 tháng tới.
Với hơn 1.700 người thiệt mạng và hàng trăm người mất tích, Myanmar đang trải qua một trong những thảm họa thiên tai tồi tệ nhất trong lịch sử. Trong bối cảnh dư chấn tiếp diễn, lực lượng cứu hộ quốc tế đang nỗ lực chạy đua với thời gian để tìm kiếm người sống sót và hỗ trợ khắc phục hậu quả. Sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế không chỉ giúp Myanmar vượt qua khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết khu vực và quốc tế trong những thời khắc khó khăn. |
Động đất tại Myanmar: ASEAN đồng lòng hỗ trợ khắc phục hậu quả | |
Việt Nam cử đội cứu hộ sang Myanmar hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại