Thứ năm 23/01/2025 21:29

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần giao cho Hà Nội quyền đề xuất tăng biên chế

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Góp ý về dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi tại Tọa đàm “Sửa Luật Thủ đô: Tạo sức bật mới cho Thủ đô phát triển” của báo Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Ngọc Bích - Trưởng Bộ môn luật Hành chính, Trường đại học Luật Hà Nội cho rằng, Quốc hội nên giao cho Hà Nội quyền đề xuất tăng biên chế.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần giao cho Hà Nội quyền đề xuất tăng biên chế
TS Nguyễn Ngọc Bích - Trưởng Bộ môn luật Hành chính, Trường đại học Luật Hà Nội cho rằng, Quốc hội nên giao cho Hà Nội quyền đề xuất tăng biên chế. Ảnh: Công Phương

Mô hình chính quyền đô thị là một chương rất quan trọng

Tại buổi tọa đàm, nhận định về việc cần thiết của dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, TS Nguyễn Ngọc Bích cho rằng, Hà Nội là một Thủ đô có đặc thù rất riêng. Ở nhiều nước, Thủ đô của họ chỉ là trung tâm chính trị, hoặc có thể là trung tâm văn hóa, nhưng thủ đô Hà Nội vừa là trung tâm chính trị, vừa là trung tâm văn hóa. Bà Bích dẫn câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” để chứng minh luận chứng Thủ đô Hà Nội là trung tâm văn hóa của cả nước.

“Hà Nội kết tinh rất nhiều văn hóa trong đó, nhưng quan trọng nhất Hà Nội là trung tâm về kinh tế” – bà Bình khẳng định. Với vị thế đặc biệt đó, năm 2000, Ban Thường vụ Quốc hội đã cho ra Pháp lệnh Thủ đô và đến 2012 Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua.

“Trong Pháp lệnh Thủ đô và Luật Thủ đô năm 2012 chỉ đang dừng lại ở quan điểm, chính sách và nó chưa phải là những quy định cụ thể. Từ quá trình chính sách để triển khai thực hiện thì chúng ta phải có những quy định cụ thể.” – bà Bích nói. Đó là lý do thứ nhất để sửa đổi Luật Thủ đô.

Lý do thứ 2, một văn bản pháp luật nào đó được đưa ra cần có thời gian, nó cần được đánh giá, xem xét xem nó còn thích hợp hay không. Khi nó không còn phù hợp thì tất yếu phải sửa đổi. Sửa ít hay sửa nhiều ở thì chính sự phù hợp của văn bản đó so với yêu cầu của thực tiễn.

“Luật Thủ đô lần này chúng ta hay nói là Luật Thủ đô sửa đổi, nhưng với chuyên môn cá nhân tôi, thì tôi cho rằng có thể được nói đây là luật “mới”. Bởi lẽ, có một chế định mà 2 văn bản trước đây chúng ta chưa đề cập đến, nhưng lần này Luật Thủ đô đã đưa vào, đó là quy định về việc tổ chức chính quyền tại thành phố Hà Nội” – theo TS. Nguyễn Ngọc Bích.

TS. Nguyễn Ngọc Bích cho rằng, đây là một chương rất quan trọng để đảm bảo cho Luật Thủ đô của chúng ta có thể bao trùm tất cả các vấn đề đang diễn ra, các vấn đề Hà Nội đang gặp.

“Có thể hôm nay, nhiều những quy định trong Luật Thủ đô sửa đổi đã trình Quốc hội, nếu Quốc hội thông qua, mặc dù chỉ là quy định nội dung trong Luật Thủ đô, dành riêng cho Thủ đô Hà Nội, nhưng nếu biết đâu khi chúng ta thực hiện nó, mà nó có những tác động rất lớn và nó có thể làm thay đổi tư duy của Quốc hội, các cấp chính quyền, thay đổi tư duy của người dân nữa thì nó sẽ trở thành những quy định chung của cả nước… Chúng ta đang đi tiên phong, để thực hiện những quy định mới, đến khi những quy định ấy nó đã có thời gian, có minh chứng ở Hà Nội, đã thành công thì chúng ta sẽ có triển khai một cách rộng khắp…” - TS. Nguyễn Ngọc Bích nêu.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần giao cho Hà Nội quyền đề xuất tăng biên chế
Các diễn giả đồng tình cao với việc cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô. Ảnh: Công Phương

Mạnh dạn đề xuất quyền tự quyết tăng biên chế

Luật Thủ đô ra từ năm 2012 và từ đó đến giờ, cách suy nghĩ của người dân cả nước về việc cần phải có những quy định riêng cho bộ Luật này cũng đã có những thay đổi rất lớn.

“Không phải ngẫu nhiên mà TP Hồ Chí Minh đề nghị Quốc hội cho họ một cơ chế riêng, và cũng không phải là ngẫu nhiên đợt rồi Quốc hội đã xem xét 8 địa phương đề nghị xem xét cho họ có những cơ chế riêng. Trong nhận thức của người dân, mỗi một địa phương với đặc thù của mình, với vai trò vị trí của mình cần có những cái khả năng pháp lý riêng là rất rõ ràng” – TS Nguyễn Ngọc Bích phân tích.

Theo bà, cùng với xu thế đó, thì đây chính là lý do mà Hà Nội có thêm một căn cứ để khẳng định Thủ đô cần có những quy định khác biệt, vượt trội – bà Bích nhấn mạnh.

Về các quy định, quyền vượt trội, bà Bích cho biết, nếu như nhìn vào các quy định hiện tại của Luật Thủ đô, liên quan đến chính quyền và thành phố Hà Nội, dự thảo luật đang có quy định theo hướng:

Một là Quốc hội quy định luôn cho Hà Nội và quy định đấy của Hà Nội khác với tất cả các vùng khác trên cả nước.

“Ví dụ như việc Hà Nội thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Tại mô hình này, chính quyền đô thị cấp phường không có HĐND mà chỉ có UBND, làm việc theo chế độ chế độ thủ trưởng. Mô hình này nhấn mạnh vai trò giám sát, trách nhiệm của người đứng đầu. Mô hình này giúp cho các cơ quan chính quyền và thực hiện mọi việc nhanh hơn.” – theo bà Bích.

Thứ 2, cần cho TP Hà Nội quyền được quyết. Hà Nội được quyết trong việc thành lập các cơ quan đặc thù phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ cũng như trách nhiệm mà Hà Nội “gách vác”.

“Quốc hội giao cho Hà Nội quyền đề xuất tăng thêm biên chế, mạnh dạn hơn nữa, chúng ta được tự quyết tăng thêm biên chế trong một biên luận nhất định nào đó” – TS. Nguyễn Ngọc Bích tiếp lời.

Theo bà Bích, quy định này sẽ làm nhiều người băn khoăn, bởi vì trong tình hình cả nước đang kêu gọi tinh giảm biên chế. Nhiều cơ quan nhiều địa phương đã công bố những con số tinh giảm hết sức cụ thể nhưng Hà Nội được đề xuất tăng thêm, đó là Luật đang quy định theo hướng ngược lại.

Bởi lẽ, Hà Nội là TP có xấp xỉ 8,4 triệu người (con số tính đến 2022), chiếm 8,4% dân số cả nước, diện tích hơn 3.000km2 với rất nhiều các yêu cầu về kinh tế, văn hóa, xã hội, về an ninh quốc phòng, về ngoại giao, chính trị mà định mức biên chế của Hà Nội mà tương đương những địa phương, các đô thị khác thì hoàn toàn không phù hợp.

Hơn nữa, bản thân nhu cầu về đời sống của người dân Hà Nội rất cao, Hà Nội tập trung rất nhiều tri thức, tập trung rất nhiều người tài bao gồm ở tất cả các lĩnh vực. Vậy bộ máy quản lý ở tầng thấp, nhân lực vừa thiếu, vừa yếu nhưng lại quản lý người số lượng người đông, về số đã là đã là bất cập. Về trình độ lại không tương xứng lại càng không hợp lý. Thậm chí, điều đó không được phép xảy ra.

Bên cạnh những quy định chung về thu hút nhân sự chất lượng cao, Hà Nội rất cần những quy định để cho phép Hà Nội có thể giữ và sử dụng ổn định lâu dài lớp nhân sự này. Đây là nhu cầu không chỉ là nhu cầu chủ quan của các cơ quan trong thành phố, mà nó còn là nhu cầu của người dân, của nhân sự tại các doanh nghiệp.

“Tôi nghĩ quy định vượt trội và quyền tự quyết định của Hà Nội phù hợp với yêu cầu phát triển của Hà Nội, phù hợp với yêu cầu Hà Nội cần có 1 bộ máy về cơ cấu, đủ sức về nguồn lực con người, đủ sức để thực hiện những nhiệm vụ mà Quốc hội đã trao cho Hà Nội…” – TS. Nguyễn Ngọc Bích bày tỏ.

Tăng quyền, xây dựng cơ chế chính sách vượt trội cho Thủ đô Hà Nội Tăng quyền, xây dựng cơ chế chính sách vượt trội cho Thủ đô Hà Nội
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Phát triển đô thị bền vững từ mô hình thử nghiệm “Khu thúc đẩy thương mại, văn hóa” Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Phát triển đô thị bền vững từ mô hình thử nghiệm “Khu thúc đẩy thương mại, văn hóa”
Nhóm PV
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động