Thứ năm 23/01/2025 22:19

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Phát triển đô thị bền vững từ mô hình thử nghiệm “Khu thúc đẩy thương mại, văn hóa”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Điều 32 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu vấn đề về mô hình “Khu thúc đẩy thương mại, văn hóa”. Mô hình này được thử nghiệm có kiểm soát tại Hà Nội sẽ tạo cơ sở pháp lý để đầu tư, xây dựng, quản lý hiệu quả các khu phố đi bộ, phố “nghề”, phố “hàng”, qua đó gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của Thủ đô.
Luật Thủ đô (sửa đổi): Phát triển đô thị bền vững từ mô hình thử nghiệm “Khu thúc đẩy thương mại, văn hóa”
UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) đang thí điểm dự án "Tuyến tàu điện số 6" kết nối giá trị văn hóa ẩm thực xưa và nay. Ảnh: Trung Nguyên

Mô hình thử nghiệm đầu tiên

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 và đang nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân Hà Nội.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).

Theo đánh giá, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những thay đổi phù hợp với thực tế phát triển mới của Thủ đô và cả nước.

Trong đó, Điều 32 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đặt vấn đề mô hình “Khu phát triển thương mại, văn hóa” hay còn gọi là “Khu thúc đẩy thương mại, văn hóa” là chính sách mới, vấn đề mới, thể hiện sự mở rộng các hình thức phát huy nguồn lực phục vụ phát triển đô thị bền vững.

Tại nội dung tại điểm e khoản 2 Điều 32 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), để phục vụ mục đích cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội có thẩm quyền quy định: “Biện pháp khuyến khích khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử, các không gian công cộng (như phố đi bộ, vỉa hè, quảng trường...) trong phát triển kinh tế khu vực đô thị. Thử nghiệm có kiểm soát mô hình kinh tế đô thị, bao gồm phát triển các khu thúc đẩy thương mại, văn hoá (BID)”.

Góp ý về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), “Khu thúc đẩy thương mại, văn hóa” nhận nhiều kiến nghị về việc sử dụng thuật ngữ đồng nhất là “Khu thúc đẩy thương mại, văn hóa”, thay cho thuật ngữ “Khu phát triển thương mại văn hóa”, tránh gây nhầm lẫn với “Trung tâm công nghiệp văn hóa”.

Định nghĩa “Khu thúc đẩy thương mại, văn hóa” tại Điều 3 Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu rõ, là khu vực tập trung các hoạt động dịch vụ, thương mại với các điều kiện về an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định chung để thu hút du lịch, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện đời sống dân cư, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống. Khu thúc đẩy thương mại và văn hóa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo đề xuất của cộng đồng dân cư, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp được lựa chọn vận hành khu thúc đẩy thương mại và văn hóa.

Theo đó, mô hình "Khu thúc đẩy thương mại, văn hóa" được hình thành ở nhiều thành phố trên thế giới trong hơn 50 năm qua. Theo mô hình này, các chủ thể kinh doanh (bao gồm doanh nghiệp, người dân/hộ kinh doanh cá thể) hợp tác với nhau hoặc hợp tác thông qua chính quyền sở tại để tạo ra một khu vực đặc biệt về an ninh, vệ sinh và cảnh quan đường phố và thuận tiện cho khách bộ hành và cùng quảng bá, tổ chức các sự kiện để thu hút du khách tới mua sắm, sử dụng dịch vụ….

ThS Đậu Công Hiệp (Trường ĐH Luật Hà Nội) đánh giá, trước thực tế nguồn ngân sách nhà nước cho phát triển bền vững và đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ bảo tồn văn hóa, lịch sử và môi trường hiện đang ngày càng trở nên eo hẹp, BID chính là một sáng kiến để giải quyết vấn đề này khi thiết chế được hỗ trợ bởi cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Qua đó, tăng cường sự thịnh vượng kinh tế, sự cải thiện về văn hóa, xã hội và sinh thái ở các khu vực đô thị được xác định.

Đồng thời, thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 đặt ra yêu cầu: “Cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị và khai thác hiệu quả, bền vững các công trình, không gian lịch sử, văn hóa tại khu vực nội đô lịch sử”.

Mục tiêu phát triển đô thị bền vững

Hướng tới giá trị “hiệu quả, bền vững”, BID chính là một cơ chế thích hợp để gắn liền vai trò định hướng của cơ quan nhà nước, nguồn lực của doanh nghiệp và nguyện vọng của người dân địa phương.

Luật Thủ đô (sửa đổi): Phát triển đô thị bền vững từ mô hình thử nghiệm “Khu thúc đẩy thương mại, văn hóa”
ThS Đậu Công Hiệp (Trường ĐH Luật Hà Nội) đánh giá, “Khu thúc đẩy thương mại, văn hóa” là sáng kiến mới, mô hình tiên tiến hướng tới cộng đồng cần được thử nghiệm tại Hà Nội. Ảnh: P. Mai

Theo ThS Đậu Công Hiệp, BID đặc biệt phù hợp với các đô thị, đặc biệt là các đô thị lịch sử, có tính gắn kết cao cả về lịch sử, văn hóa cũng như hạ tầng cơ sở như Hà Nội. Cụ thể, Khu vực lõi đô thị Hà Nội là khu vực nằm ở trung tâm của thành phố, gồm 36 phố phường. Theo Quyết định số 70 BXD/KT-QH ngày 30/3/1995 của Bộ Xây dựng, khu phố cổ Hà Nội có phạm vi được xác định: phía bắc là phố Hàng Đậu; phía tây là phố Phùng Hưng; phía nam là các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng; phía đông đường Trần Quang Khải và đường Trần Nhật Duật. Khu phố cổ Hà Nội thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, tổng diện tích khoảng 100 ha, có 76 tuyến phố thuộc 10 phường: Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Mã, Đồng Xuân, Cửa Đông, Lý Thái Tổ.

Đây là những khu vực có nhu cầu bảo tồn, bảo vệ các giá trị văn hóa lịch sử rất cao, đồng thời đã có sự phát triển bền vững qua nhiều giai đoạn lịch sử. Hiện nay, các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lưu trú trên địa bàn khu vực này cũng chiếm số lượng lớn. Mô hình BID nếu được áp dụng sẽ phù hợp nhất với khu vực lõi, nơi lưu giữ những giá trị đặc trưng nhất của thủ đô Hà Nội đã có hàng ngàn năm lịch sử.

Hiện nay, UBND phường Trúc Bạch triển khai Dự án “Tuyến tàu điện số 6” (Line 6) là mô hình trải nghiệm du lịch mới tại phố ẩm thực kết hợp phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (quận Ba Đình, Hà Nội). Theo Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy, phát huy giá trị ẩm thực truyền thống, “Tuyến tàu điện số 6” được thực hiện theo mô hình “3 bên, 1 mục tiêu”, trong đó, chính quyền có vai trò xây dựng mô hình, kết nối các nguồn lực; doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh giữ vai trò đầu tư nguồn lực xã hội hóa để triển khai thực hiện dự án; các hội đoàn thể với vai trò giới thiệu đoàn viên, hội viên để các DN, cơ sở kinh doanh tuyển chọn lao động, góp phần xây dựng và phát triển tuyến phố ẩm thực kết hợp phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn Hà Nội.

Quy định về mô hình “Khu thúc đẩy thương mại, văn hóa”, trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tương đối ngắn gọn và có tính khái quát, tính nguyên tắc cao. Hơn nữa, là chính sách mới, để hiểu, đánh giá và triển khai hiệu quả quy định này trên thực tế sẽ có nhiều vấn đề pháp lý cần phải quan tâm.

Việc xây dựng mô hình triển khai cũng là một bài toán “khó”, khi xác định phạm vi của BID phải đảm bảo đủ bao trọn một khu vực có tính gắn kết nhau về cơ sở hạ tầng, tương đồng nhau về văn hóa, liên thông nhau về mặt kinh tế.

Thứ nhất, bộ máy quản lý của BID phải được xây dựng đảm bảo tinh gọn, không phát sinh quá nhiều chi phí cho hoạt động hành chính; làm việc một cách độc lập tương đối với chính quyền và phục vụ hiệu quả cộng đồng.

Thứ hai, cơ chế tài chính trong hoạt động của BID phải được thiết kế một cách minh bạch, hợp lý và thực sự hướng tới mục đích chung.

ThS Đậu Công Hiệp cho biết, BID là mô hình tiên tiến, hướng tới cộng đồng cần được thử nghiệm tại Hà Nội trong thời gian tới. Việc đưa BID vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là một bước tiến, cho thấy sự cầu thị của thành phố Hà Nội trong việc tìm các giải pháp quản trị tài chính bền vững, gắn với bảo đảm nhu cầu phát triển cả về lịch sử, văn hóa, môi trường. Nếu thành công, đây có thể sẽ là một bài học cho nhiều địa phương khác trên cả nước triển khai trong thời gian tới, đặc biệt là các đô thị phát triển du lịch như Huế, Hội An...

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Phát huy mô hình “thành phố thuộc thành phố” Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Phát huy mô hình “thành phố thuộc thành phố”
Sửa đổi Luật Thủ đô: Những quy định có tính đột phá về bảo hiểm y tế Sửa đổi Luật Thủ đô: Những quy định có tính đột phá về bảo hiểm y tế
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động