Đừng đánh mất tự trọng vì “hư danh” trên mạng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa |
Trong bài viết này, tôi chỉ xin đề cập đến vấn đề bản quyền tác phẩm văn chương trên mạng xã hội. Nhiều người đam mê lĩnh vực văn chương nhưng không có khả năng viết lách nên đã tìm đến “hư danh” bằng cách đi đạo văn, đạo thơ, thậm chí đánh cắp cả chia sẻ tâm trạng trên mạng xã hội của người khác mang về biến thành của mình. Họ đã đánh mất lòng tự trọng chỉ vì thèm khát chút danh tiếng ảo trên mạng xã hội.
Với tư cách là quản trị viên của một số diễn đàn văn chương trên mạng xã hội, tôi đã chứng kiến những câu chuyện nực cười xuất phát từ thói háo danh của không ít thành viên. Gần đây nhất, một group văn chương đã buộc phải cho gỡ toàn bộ “tác phẩm” đồng thời cấm vĩnh viễn một thành viên trong nhóm. Lý do vì phần lớn các tác phẩm mà anh ta đăng trong nhóm đều được đánh cắp từ nhiều nguồn. Sau khi sự việc vỡ lở, hầu hết các nhóm văn chương trên mạng xã hội đều từ chối nhận đăng bài của thành viên chuyên gia đạo văn này.
Việc “ăn cắp” tác phẩm văn học được các “thánh đạo văn” áp dụng nhiều hình thức khác nhau. Trắng trợn và liều lĩnh hơn cả là copy nguyên bản, thay mỗi tên bài viết và điền tên mình vào phần tác giả. Tinh vi hơn là “tỉa” từng đoạn, từng câu của các nhà văn nổi tiếng, đưa vào bài viết của mình với sự biến tấu chút ít.
Một số nhà văn nổi tiếng khá bức xúc vì khi đăng tác phẩm lên mạng xã hội, thường xuyên bị người khác mang về đăng trên trang cá nhân, đăng vào hội nhóm văn chương, chỉ thay mỗi tên tác giả. Một số người có thói quen mang thơ của người khác về đăng trên trang cá nhân của mình mà “quên” dẫn nguồn khiến bạn bè nhầm tưởng là thơ của họ. Sự mập mờ còn thể hiện ở việc, họ nhận lời ca tụng, khen ngợi của mọi người như tác giả của bài thơ.
Năm 2023, thói háo danh khiến một thí sinh đã copy nguyên bản nhiều đoạn trong bài viết của một nhà báo chuyên viết về Hà Nội, pha trộn thêm vài đoạn kệch cỡm liên quan đến vùng quê nơi bạn đó sinh sống, rồi trắng trợn gửi bài đó tham dự cuộc thi viết của một tờ báo lớn. Khi sự việc bị phát hiện, Ban tổ chức không thể liên lạc được với thí sinh này.
Nực cười hơn, có những người copy dòng chia sẻ cảm xúc của ai đó, mang về đăng trên trang cá nhân như của mình. Chưa hết, khá nhiều người khoe tài đảm khéo bằng cách “bê” hình ảnh mâm cơm, món ăn của người khác về đăng như nhà mình nấu. Họ thèm khát được tung hô, nổi tiếng đến mức, cảm xúc, hình ảnh cũng phải tìm cách vay mượn.
Tôi cho rằng, cần xây dựng chế tài pháp lý cụ thể, giải pháp hữu hiệu cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để bảo vệ bản quyền tác phẩm trên môi trường mạng xã hội. Đặc biệt, các tác giả cần tìm ra cách bảo vệ tác phẩm của mình trên không gian mạng. Điều quan trọng nhất, mỗi người hãy hiểu rõ hệ lụy sau khi sự việc gian lận, đánh cắp tác phẩm bị phát giác. Từ đó, xác định rõ, không bao giờ đánh mất lòng tự trọng vì chút “hư danh” trên mạng xã hội.
Cảnh báo tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ: Dễ dẫn đến ngộ độc, gây tử vong cao |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại