Giải pháp ứng phó già hóa dân số: tận dụng cơ hội, đối mặt thách thức
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgười cao tuổi tham gia Ngày hội rèn luyện sức khỏe người cao tuổi do TP Hà Nội tổ chức. Ảnh: M.N |
Thách thức từ già hóa dân số
Việt Nam hiện đang đối mặt với tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới, đặt ra nhiều thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người cao tuổi (NCT) tại Việt Nam được tính từ 60 tuổi trở lên. Năm 2019, nhóm dân số này đã chiếm 12% tổng dân số và dự báo sẽ vượt 25% vào năm 2050. Đến năm 2038, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Điều này đồng nghĩa, trong vòng chưa đầy 15 năm nữa, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ "dân số già", nơi cứ 5 người dân thì có 1 người trên 60 tuổi.
Nguyên nhân của tốc độ già hóa nhanh chóng là sự kết hợp giữa mức sinh giảm và tuổi thọ trung bình gia tăng. Tuổi thọ của người Việt Nam tăng từ 44,4 tuổi vào năm 1960 lên 74,5 tuổi năm 2023, vượt xa mức trung bình toàn cầu. Một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hay Bà Rịa - Vũng Tàu thậm chí ghi nhận tuổi thọ bình quân vượt ngưỡng 76 tuổi. Dự báo, con số này sẽ đạt 80,4 tuổi vào năm 2050.
Đáng chú ý, Hà Nội cũng không nằm ngoài xu hướng này. Hiện tại, 17% dân số Thủ đô thuộc nhóm NCT, và con số này dự kiến sẽ vượt 19% vào năm 2030. Trong khi vẫn đang trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" với 61-63% dân số trong độ tuổi lao động, Hà Nội cũng dần chuyển sang giai đoạn già hóa, đặt áp lực lớn lên nguồn nhân lực. Theo dự tính, thời kỳ "dân số vàng" tại Hà Nội sẽ kết thúc vào năm 2045 khi nhóm NCT chiếm tỷ lệ cao hơn nhóm lao động, đặc biệt trong khu vực công và các ngành nghề đòi hỏi nhân lực trẻ tuổi. Điều này sẽ kéo theo những hệ lụy lâu dài về kinh tế - xã hội, đòi hỏi các cấp chính quyền phải hành động kịp thời và quyết liệt.
Giải pháp ứng phó với già hóa dân số
Trước viễn cảnh già hóa dân số nhanh chóng, Hà Nội và cả nước cần một chiến lược đồng bộ để tận dụng tốt giai đoạn "cơ cấu dân số vàng" và chuẩn bị sẵn sàng cho thời kỳ dân số già. Phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới (11/7), Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung nhấn mạnh, hiện nay, tuổi thọ của người dân tăng cao, tỷ lệ NCT tăng nhanh vì thế già hóa dân số đang là một thách thức mà Thủ đô Hà Nội cần phải có một kế hoạch chủ động ứng phó và những chính sách phù hợp nhằm bảo đảm tốt hơn sức khỏe, an sinh xã hội và quyền lợi của người cao tuổi. Vì vậy, việc chủ động xây dựng các chính sách và kế hoạch ứng phó là điều cần thiết để đảm bảo sức khỏe, an sinh xã hội và quyền lợi cho NCT.
Một trong những giải pháp trọng tâm mà Hà Nội đang hướng đến là duy trì mức sinh thay thế. Thành phố đang khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, phụ nữ sinh con đầu trước 30 tuổi và con thứ hai trước 35 tuổi, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng dân số. Việc duy trì mức sinh thay thế không chỉ ổn định quy mô dân số mà còn góp phần tăng trưởng kinh tế và cải thiện nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, việc xây dựng các chính sách chăm sóc NCT cũng là một ưu tiên quan trọng.
Các chuyên gia khuyến nghị phát triển gói dịch vụ chăm sóc dài hạn, bao gồm y tế, xã hội và tinh thần. Hệ thống y tế cần được hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý sức khỏe NCT hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực chăm sóc NCT cũng sẽ giảm tải áp lực cho ngân sách công và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực, các chính sách cần tạo điều kiện để NCT tiếp tục làm việc phù hợp với sức khỏe và chuyên môn, hướng tới một xã hội già hóa chủ động về kinh tế. Đồng thời, chính quyền cần lồng ghép các chương trình thích ứng già hóa trong kế hoạch phát triển đô thị và nông thôn, thu hẹp khoảng cách về điều kiện sống giữa các khu vực nội thành và ngoại thành.
Trong bối cảnh già hóa dân số, việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCT không chỉ là trách nhiệm của riêng Nhà nước mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội. Các chính sách quy hoạch đô thị cần đảm bảo đủ công trình an sinh xã hội, từ giao thông, y tế, giáo dục đến các dịch vụ hỗ trợ đời sống NCT.
Với vai trò đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội đang có những bước đi tích cực trong việc đối phó với già hóa dân số. Tuy nhiên, thành công sẽ phụ thuộc vào khả năng phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng. Tận dụng thời kỳ "dân số vàng" để tạo nền tảng phát triển vững chắc, đồng thời thích nghi với những thách thức của xã hội già hóa, là con đường duy nhất để Việt Nam đảm bảo một tương lai bền vững và thịnh vượng.
Hướng tới một xã hội quan tâm và phát huy vai trò người cao tuổi | |
Quận Hà Đông (Hà Nội): đẩy mạnh truyền thông chăm sóc sức khỏe người cao tuổi |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại