Thứ tư 14/05/2025 22:35

Giảm thuế VAT: kích cầu tiêu dùng, tiếp sức doanh nghiệp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trước bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, Chính phủ vừa trình Quốc hội đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), từ 10% xuống 8%, áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến 31/12/2026. Chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa – chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam.
Giảm thuế VAT: kích cầu tiêu dùng, tiếp sức doanh nghiệp
Chính sách giảm thuế VAT nhằm kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng Ảnh: Nguyễn Đăng.

Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa

Chính sách giảm thuế VAT được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ trong nền kinh tế. Theo Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng, việc giảm thuế VAT giai đoạn 2022–2024 đã giúp tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng gần 20% so với năm trước, đồng thời góp phần đưa thu ngân sách năm 2024 vượt mốc 2 triệu tỷ đồng – một con số ấn tượng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.

Giảm thuế VAT là công cụ để hạ giá thành sản phẩm, từ đó nâng cao sức mạnh cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là trong các ngành bán lẻ, dịch vụ và sản xuất quy mô nhỏ.

Đối với người tiêu dùng, chính sách này cũng giúp giảm chi phí cho các mặt hàng thiết yếu. Chị Tuyết, nhân viên văn phòng tại Hà Nội chia sẻ: "Giá các mặt hàng thiết yếu và dịch vụ ăn uống giảm. Tôi tiết kiệm được chi phí sinh hoạt, nhờ đó có thể dành một phần cho chi tiêu khác trong gia đình".

Chính sách mới còn mở rộng phạm vi áp dụng sang các nhóm hàng hóa như sản phẩm khai khoáng (trừ than) và kim loại – những nguyên liệu đầu vào quan trọng trong đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là điểm mới có ý nghĩa chiến lược, bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch và đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho các giai đoạn sản xuất tiếp theo.

Không dừng lại ở việc giảm chi phí, việc giảm thuế còn giúp doanh nghiệp dễ dàng điều chỉnh giá bán, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Đồng thời, kết hợp với các gói tín dụng ưu đãi, chính sách này mở ra cơ hội để doanh nghiệp nhỏ và vừa thường tiếp cận vốn nhỏ gọn, đầu tư mở rộng sản xuất và nâng cao năng lực quản trị.

Tuy nhiên, giống như mọi chính sách kinh tế khác, hiệu quả thực sự không chỉ đến từ mục tiêu mà phụ thuộc vào cách triển khai trên thực tế. Một thực trạng đang được ghi nhận là nhiều doanh nghiệp không giảm giá hóa chất dù thuế VAT đã giảm, tạo chính sách khó phát huy tác dụng như kỳ vọng, đòi hỏi công tác giám sát cần được siết chặt.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Phan Văn Mãi cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban đồng tình với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, việc giảm thuế có thể làm giảm thu ngân sách trong khoảng 39,540 tỷ đồng – một con số chưa được tính vào dự toán năm 2025 và điều này sẽ làm sẽ làm giảm dư địa tài khóa, ảnh hưởng đến khả năng ứng phó khi xảy ra khủng hoảng.

Để chính sách thực sự đi vào cuộc sống

Để chính sách giảm thuế VAT thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả bền vững, các chuyên gia khuyến nghị cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Đầu tiên là cần tăng cường công tác giám sát thị trường. Đảm bảo doanh nghiệp điều chỉnh giá bán phù hợp theo quy định tại Nghị định 94/2023/NĐ-CP. Các cơ quan thuế, tài chính, phải thống nhất danh mục hàng hóa để tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc truyền thông chính sách đến cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần được thực hiện. Thông qua các giải pháp chuyên sâu, kênh truyền thông số và cổng thông tin trực tuyến, hướng dẫn lập hóa đơn điện tử với thuế suất 8%...

Ngoài ra, có thể xem xét mở rộng chính sách giảm thuế cho các lĩnh vực công nghệ thông tin, dịch vụ số – những ngành đang đóng vai trò động lực tăng trưởng trong nền kinh tế số…

Chính sách giảm thuế VAT từ ngày 1/7/2025 đến hết năm 2026 là bước đi đúng đắn, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng, tận dụng sức mua nội địa và đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng 8% của nền kinh tế.

Tuy nhiên, để chính sách phát huy hiệu quả thực chất, cần có sự phối hợp đồng bộ từ cơ quan quản lý, tăng minh bạch từ phía doanh nghiệp đến sự đồng hành của người tiêu dùng. Chỉ khi ba bên cùng chung tay, chính sách này mới thực sự trở thành động lực phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024
HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt nam năm 2024 lên 6,5%
Trình Quốc hội giảm 2% thuế VAT đến hết tháng 6/2025
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động