Thứ sáu 24/01/2025 07:25

Hà Nội có 3 chỉ tiêu nông thôn mới vượt trước 2 năm so với mục tiêu

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chiều 17-9, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP Hà Nội đã báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP.

Theo đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thành uỷ Hà Nội đã ban hành Chương trình số 02-CTr/TU về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ TP đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP đã đạt được kết quả tích cực. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có chuyển biến tích cực;

Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới; cơ cấu kinh tế được chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được tăng cường; các hoạt động văn hoá-xã hội, thể thao có chuyển biến tiến bộ theo hướng chuẩn hoá và xã hội hoá…

Hà Nội có 3 chỉ tiêu vượt trước 2 năm so với mục tiêu Chương trình đề ra là: Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế/ha đất nông nghiệp; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên. TP đã có 6 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 325 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 84,2% số xã, vượt kế hoạch 2 năm so với mục tiêu của Chương trình. Đến nay, toàn TP đã đạt và cơ bản đạt bình quân 18,64 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 10 tiêu chí.

Về sản xuất nông nghiệp, Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản giai đoạn 2010-2018 đã tăng trưởng và phát triển ổn định, với tốc độ tăng trưởng giá trị bình quân là 3,34%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2018 đạt 259 triệu đồng/ha/năm, vượt trước 2 năm so với mục tiêu của Chương trình (250 triệu đồng/ha/năm), tăng 117 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010.

Bên cạnh đó, trong công tác dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa, TP đã xác định công tác dồn điền, đổi thửa là khâu đột phá để phát triển nông nghiệp, tạo tiền đề tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo rạ những vùng chuyên canh lớn và tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, đã dồn điền, đổi thửa được 79.454,3ha (đạt 104,6% so với Kế hoạch). Sau dồn điền đổi thửa, các huyện, thị xã đã cơ bản cấp xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ'dân (đạt 99,21%).

Trên địa bàn TP hiện có 133 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm-từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Các mô hình tuy quy mô còn hạn chế, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay.

ha noi co 3 chi tieu nong thon moi vuot truoc 2 nam so voi muc tieu
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP Hà Nội báo cáo tại Hội nghị chiều 17-9 (ảnh T.A)

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng (tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010). Hệ thống y tế cơ sở ngày càng được củng cố, đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường, phương thức hoạt động được đổi mới, chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được nâng cao...

Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 1,81%, một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp như: Quốc Oai 0,46%; Gia Lâm 0,56%; Hoài Đức 0,92%; Thanh Trì 0,99%... Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 98,6%, vượt trước 2 năm so với mục tiêu Chương trình (95%).

Phó Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn còn ít. Việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn thấp. Các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều. Công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới-nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế.

Thời gian tới, TP Hà Nội đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, chuyên canh tập trung, giá trị cao, ứng dụng công nghệ cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới-nhất là tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hoá, môi trường và thu nhập. Phấn đấu đến năm 2025 TP có 100% các huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới trong đó có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 15% số xã đạt chuẩn nông thô mới kiểu mẫu; hệ thống chính trị vững mạnh, an ninh, trật tự và an toàn xã hội được đảm bảo…

T. An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động