Thứ năm 23/01/2025 13:55

Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2025

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để đạt được mục tiêu Hà Nội đến năm 2025 hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp thành phố, Hà Nội cần có 100% số huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2025
Xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh là 1 trong 8 xã của huyện Đông Anh hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022. Ảnh: M.H

Hà Nội đã có 17/18 huyện, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 04-CTr/TU đến quý III năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2023, ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP Hà Nội cho biết, đến nay Hà Nội có 17/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Mỹ Đức đang phối hợp với các sở, ngành hoàn thiện hồ sơ huyện nông thôn mới trình Trung ương, phấn đấu được công nhận trong quý IV/2023); có 6 huyện phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao gồm: Gia Lâm, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai; có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Để đạt được mục tiêu Hà Nội đến năm 2025 hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp TP, Hà Nội cần có 100% số huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, việc triển khai thực hiện trên địa bàn TP đạt kết quả khả quan.

Đối với yêu cầu 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay, Hà Nội đã có 17/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Về chỉ tiêu có 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hiện có 6 huyện phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao, gồm: Gia Lâm, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai. Trong đó, có 3 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì đã được Đoàn thẩm định TP thẩm định đủ điều kiện đề nghị các cấp công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Các huyện như Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai đang tập trung hoàn thiện hồ sơ và các chỉ tiêu để hoàn thành hồ sơ trong các tháng cuối năm 2023 và quý I năm 2024.

Còn đối với chỉ tiêu 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã nông thôn mới kiểu mẫu, đến hết năm 2022, TP có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2023, TP giao các huyện, thị xã hoàn thành 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, Đoàn thẩm định nông thôn mới TP đang tập trung đánh giá tại các địa phương, dự kiến hoàn thành kế hoạch đề ra.

Điển hình, vừa qua TP Hà Nội đã hoàn thành thẩm định nông thôn mới kiểu mẫu tại 8 xã của huyện Thanh Trì. Tất cả các xã đều đủ điều kiện để trình Hội đồng thẩm định TP công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Đặc biệt, có 2 xã Yên Mỹ và xã Đại Áng chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện 8/8 lĩnh vực gồm môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, du lịch, chuyển đổi số, an ninh trật tự, sản xuất. Đây là 2 xã đầu tiên của Hà Nội đạt kiểu mẫu toàn diện.

Năm 2023, TP giao các huyện, thị xã hoàn thành 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến nay, huyện Hoài Đức có tờ trình đề nghị thẩm định 9 xã (vượt 5 xã so với kế hoạch). Các huyện, thị xã còn lại hiện đang tập trung chỉ đạo thực hiện một số tiêu chí cơ bản đạt và hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Về xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, TP giao các huyện, thị xã hoàn thành 33 xã. Kết quả, huyện Hoài Đức đã có tờ trình đề nghị thẩm định 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Các huyện, thị xã còn lại đang tập trung hoàn thiện một số tiêu chí cơ bản, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Tập trung mọi nguồn lực để Hà Nội hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2025

Từ năm 2021 đến quý III/2023, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình nông thôn mới là 53.271 tỷ đồng; tổng kinh phí huy động vốn năm 2023 là 12.081,15 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến hết quý III/2023, có 8 quận hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới kinh phí 648,2 tỷ đồng, trong đó, quận Tây Hồ đã hỗ trợ 6 huyện với tổng kinh phí 270,8 tỷ đồng; quận Long Biên hỗ trợ 128 tỷ đồng; quận Hoàng Mai hỗ trợ 85 tỷ đồng; quận Hoàn Kiếm hỗ trợ 63,8 tỷ đồng…

Đại diện 2 huyện Mỹ Đức, Đông Anh đã báo cáo tiến độ thực hiện Chương trình 04-CTr/TU đến quý III/2023, nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2023. Các sở: Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính… cũng đã đề xuất, tham mưu TPố những giải pháp tháo gỡ khó khăn để đạt mục tiêu Chương trình 04-CTr/TU đề ra năm 2023.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, TP Hà Nội đã xây dựng xong Đề án xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 để trình HĐND TP thông qua trong kỳ họp tới đây. Đề án đã xác định rõ 14 nhóm giải pháp. Theo đó, Hà Nội tập trung phát triển hạ tầng nông nghiệp nông thôn; phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics; phát triển du lịch nông thôn, du lịch làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, Hà Nội cũng nâng cấp cơ sở vật chất ngành Giáo dục gắn với nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực ở nông thôn… TP Hà Nội chú trọng đến bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc; nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam; thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu… Nguồn vốn để triển khai đề án khoảng 92.680 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Nhà nước và vốn huy động ngoài ngân sách.

Tại hội nghị giao ban quý III của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025" của Thành ủy Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị, trong năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cần cân đối nguồn lực, ưu tiên cho các nhóm vấn đề liên quan đến Chương trình số 04-CTr/TU, nhằm hỗ trợ các huyện hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Trên cơ sở những nhiệm vụ, giải pháp đã được chỉ rõ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của TP vào năm 2025.
Từng bước xây dựng các vùng nông thôn trở thành nơi đáng sống
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới
Quyết tâm cán đích nông thôn mới nâng cao
Phú An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động