Thứ năm 23/01/2025 11:14

Hà Nội: Mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” ngày càng phát huy hiệu quả

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Báo cáo tổng kết 10 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở của UBND TP Hà Nội cho biết, trong 10 năm (từ năm 2014 đến tháng 6/2023), tổng số vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh phải hòa giải ở cơ sở toàn TP là 63.699 vụ, đã giải quyết 61.316 vụ, hòa giải thành 51.829 vụ, đạt tỷ lệ 84,45%. Đặc biệt năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hòa giải thành toàn TP đạt trên 86%.
Hà Nội: Mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” ngày càng phát huy hiệu quả
Các hòa giải viên của Hà Nội tại vòng thi khu vực miền Bắc - Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV năm 2023 do Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương tổ chức. Ảnh: Khánh Huy

Luôn chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng các tổ hòa giải, nhân rộng mô hình “tổ hòa giải 5 tốt”

Hiện TP Hà Nội có 3.001/4.994 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt”, đây là một trong những mô hình hay, nổi bật trên địa bàn sau 10 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

Nhiều quận, huyện có tỷ lệ hòa giải thành cao như: Ba Đình, Long Biên, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Thanh Oai…

Hiện nay, toàn TP có 4.994 tổ hòa giải với tổng số 32.101 hòa giải viên. Việc lựa chọn các hòa giải viên được chú ý hơn về năng lực, uy tín đã phát huy được nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo hiệu quả.

Công tác hòa giải ở cơ sở gắn kết chặt chẽ với các phong trào, các cuộc vận động đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP Đội ngũ Luật gia, Luật sư ngày càng tích cực tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.

Kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng được UBND các cấp trên địa bàn TP quan tâm và đầu tư hơn. Trong 10 năm TP cấp khoảng 115,4 tỷ đồng chi cho công tác hòa giải này.

Hòa giải viên là những người làm công tác hòa giải ở cơ sở. Qua công tác hòa giải của hòa giải viên, những mâu thuẫn, tranh chấp sẽ được giải quyết thấu tình, đạt lý ngay từ địa bàn dân cư; Ngăn chặn nguyên nhân có thể dẫn đến hành vi bạo lực gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của các bên hoặc gây mất trật tự công cộng.

Nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở, nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho hòa giải viên trên địa bàn TP, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật đã tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch số 351/KH-UBND ngày 30/12/2022 thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TU ngày 13/9/2022 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền, phát huy vai trò của UB Mặt trận Tổ quốc TP và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, việc nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn TP là nhiệm vụ trọng tâm. Ngoài việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, chỉ đạo tổ chức, củng cố, kiện toàn, thành lập mới tổ hòa giải thì việc tổ chức các cuộc thi như “Hòa giải viên giỏi” là cách để nâng cao năng lực cho đội ngũ này.

Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn TP Hà Nội đã tiếp nhận trên 1.630 vụ việc hòa giải, tiến hành hòa giải thành hơn 1.330 vụ việc (tỷ lệ 86,4%) giảm 4,88% so với cùng kỳ năm 2022…

Xác định việc hòa giải từ cơ sở giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm trật tự an toàn tại cộng đồng, thời gian qua, TP Hà Nội luôn chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng các tổ hòa giải, nhân rộng mô hình “tổ hòa giải 5 tốt”.

“Tổ hòa giải 5 tốt” tại Hà Nội có 5 tiêu chí nhằm gắn kết công tác hòa giải ở cơ sở giữa người dân và chính quyền. 5 tiêu chí gồm: Phát hiện vụ việc kịp thời, tổ chức hòa giải tốt, đạt tỷ lệ hòa giải thành 85% trở lên; Phối hợp tốt giữa Ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể ở cơ sở, các tổ hòa giải và tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; Được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hòa giải; tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, bồi dưỡng, tập huấn hòa giải viên tốt; Được hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác hòa giải đúng, kịp thời theo quy định của pháp luật; Định kỳ giao ban sáu tháng, hằng năm trao đổi kinh nghiệm hòa giải, báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động hòa giải; ghi chép, quản lý sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định.

Để triển khai thực hiện mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo gắn mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” với tiêu chí đánh giá xã, phường, thị trấn. Theo đó, đối với xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác hòa giải, thì ngoài tiêu chí chung thì phải có từ 50% tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” trở lên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương đối với công tác hòa giải có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, nên chưa thực sự phát huy được hiệu quả của công tác này. Nhiều hoà giải viên tuổi cao, sức yếu, còn hạn chế về nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng hoà giải ở cơ sở. Mức kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cấp xã còn thấp. Việc việc xã hội hóa kinh phí trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn Thành phố còn hạn chế…

Pháp luật về hòa giải còn nhiều vướng mắc

Thành phố Hà Nội cũng chỉ ra một số nguyên nhân do pháp luật hòa giải còn vướng mắc như: chưa quy định rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức của các bên tham gia hòa giải khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin, hồ sơ liên quan đến vụ việc hòa giải của hòa giải viên.

Luật Hòa giải ở cơ sở chưa quy định nguồn kinh phí để chi cho công tác hòa giải dẫn đến việc bố trí kinh phí cho công tác này còn gặp nhiều khó khăn. Thủ tục thanh toán kinh phí công tác hòa giải còn phức tạp.

Luật Hòa giải ở cơ sở không quy định cụ thể về số lượng hộ dân để thành lập tổ hòa giải nên việc thực hiện không được thống nhất từ đó số lượng tổ hoà giải và hòa giải viên phân bố không đều trên địa bàn dân cư; chưa có quy định tiêu chí đánh giá công tác hòa giải ở cơ sở và tiêu chí đánh giá hòa giải viên tiêu biểu…

Theo bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, sự phối hợp thực hiện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận đối với công tác hòa giải ở cơ sở.

Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải và hòa giải viên; cung cấp tài liệu cho hòa giải viên, duy trì phát báo miễn phí tới 100% tổ hòa giải trên địa bàn Thành phố. Các địa phương cần tiến hành rà soát các hương ước, quy ước, phong tục tập quán tiến bộ để hòa giải viên vận dụng trong quá trình hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật.

Cùng với đó, TP tiếp tục nhân rộng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, gắn với việc xây dựng các mô hình có hiệu quả tại cơ sở và các phong trào, các cuộc vận động tại cộng đồng dân cư gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Giữ lòng đường, vỉa hè thông thoáng -  Kỳ 1: Bài toán nan giải Giữ lòng đường, vỉa hè thông thoáng - Kỳ 1: Bài toán nan giải
Dương Quyên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động