Hà Nội quyết liệt hiện thực hóa mục tiêu “Hành chính phục vụ”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTại đề án, UBND TP yêu cầu ưu tiên bố trí BPMC tại nơi thuận tiện, dễ tìm (nên tại vị trí trung tâm) để công dân khi đến giao dịch dễ dàng tiếp cận |
Vẫn còn nhiều nơi chưa đồng bộ
Trước đó, theo đánh giá, BPMC trên địa bàn TP chưa đồng bộ về diện tích, cơ sở vật chất, trang thiết bị… Vì vậy, Đề án Mô hình Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hiện đại các cấp trên địa bàn TP Hà Nội nhằm tạo lập thương hiệu BPMC hiện đại đồng bộ trên toàn TP, hình thành một môi trường làm việc thống nhất, thuận lợi, văn minh, hiện đại. Đồng thời, làm thay đổi thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực thi công vụ, nhiệm vụ hướng tới nền hành chính phục vụ; việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho công dân, tổ chức được thực hiện theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa và hướng tới mục tiêu hài lòng ở chất lượng phục vụ dịch vụ cho người dân, DN…
Trong những năm gần đây, TP Hà Nội đã triển khai và đạt được nhiều kết quả trong công tác cải cách hành chính, thủ tục hành chính với điểm Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 nằm trong top 10 địa phương đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, thủ tục hành chính của nhiều lĩnh vực như đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, nội vụ, lao động, việc làm, y tế, giáo dục, hộ tịch… vẫn còn rào cản, chưa chuyển đổi kịp thời. Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng BPMC các cấp mới cơ bản dừng ở mức đáp ứng yêu cầu, chưa đạt tiêu chuẩn hiện đại; trang thiết bị nhiều nơi thiếu, hỏng…
Từ thực tế, nhiều cán bộ cấp cơ sở đánh giá, việc thực hiện đề án hiện đại hóa BPMC có thuận lợi khi TP Hà Nội đã đề xuất phân cấp, ủy quyền 700 loại thủ tục hành chính, đạt 39,17% tổng số thủ tục các cấp TP và cấp huyện về địa phương. Trong quá trình thực hiện, nhiều đơn vị đã có sáng kiến trong giải quyết thủ tục hành chính để tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức, cơ quan Nhà nước. Điển hình như các mô hình: “Ngày thứ sáu xanh”, “Ngày thứ ba không viết, không giấy hẹn”, “Các thủ tục hành chính không chờ”…
Tổng số thủ tục hành chính của TP (tính đến 20/10/2022) là 1.910 thủ tục hành chính trong đó 1.541 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết cấp TP, 258 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện và 111 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết cấp xã. Về cơ sở vât chất phục vụ nhu cầu công dân khi đến giao dịch tại BPMC, hiện máy lấy số tự động/thiết bị lấy số tự động có 227/627 (36,2%) BPMC các cấp đã bố trí thiết bị lấy số tự động để công dân có thể thuận tiện trong việc thực hiện giao dịch thủ tục hành chính tại đây. Còn 400/627 (63,8%) BPMC chưa có thiết bị lấy số tự động phục vụ việc lấy số, đăng ký thứ tự khi đến giao dịch với BPMC.
Lấy sự hài lòng của người dân, DN là thước đo chất lượng
Khẩu hiệu của BPMC là “Hành chính phục vụ”, thể hiện tinh thần lấy người dân, DN làm trung tâm để phục vụ; lấy sự hài lòng của người dân, DN chính là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và các cơ quan tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính... Tại đề án, UBND TP yêu cầu ưu tiên bố trí BPMC tại nơi thuận tiện, dễ tìm (nên tại vị trí trung tâm) để công dân khi đến giao dịch có thể dễ dàng tiếp cận. Đồng thời, đảm bảo thuận tiện trong liên kết, di chuyển tới các bộ phận, các đơn vị khác trong khu vực đơn vị, đảm bảo thuận lợi trong xử lý công việc. Ưu tiên việc bố trí tại tầng 1 trụ sở các đơn vị; thiết kế đảm bảo khả năng tiếp cận cho mọi đối tượng công dân, đặc biệt có lối lên, xuống cho người khuyết tật.
Diện tích của BPMC đảm bảo tối thiểu từ 40m2 trở lên. Ưu tiên việc nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc đã có hoặc thuê, hoán đổi công năng sử dụng của công trình sẵn có để tránh lãng phí. Đối với UBND quận Hoàn Kiếm, nghiên cứu, thực hiện thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công cấp phường trên cơ sở ghép một số phường có diện tích dưới 20m2. Thời gian thí điểm trong năm 2023.
Về quy hoạch, thiết kế không gian, UBND TP yêu cầu đáp ứng đủ 5 khu vực trong BPMC, gồm: Khu vực cung cấp thông tin, thủ tục hành chính; Khu vực tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; Khu vực ngồi chờ giao dịch của công dân; Khu vực đặt các trang thiết bị phục vụ việc tra cứu, đánh giá mức độ hài lòng, thiết bị số hóa; Khu vực cung cấp dịch vụ hỗ trợ khác. Về trang bị cơ sở vật chất, đảm bảo nguyên tắc 1 cán bộ, viên chức làm việc tại BPMC được trang bị 1 máy tính; đảm bảo tối thiểu 1 máy vi tính có kết nối mạng phục vụ công dân đến giao dịch tại Bộ phận (phục vụ việc hướng dẫn, tra cứu thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến). Trang bị 1 máy scan phục vụ số hóa hồ sơ, giấy tờ. Mỗi BPMC cũng được trang bị thiết bị đọc mã vạch /mã QRcode; máy lấy số tự động; máy photocopy; hệ thống camera giám sát; thiết bị đánh giá hài lòng, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và các thiết bị phục vụ việc đánh giá trong công tác cải cách thủ tục hành chính, cải cách hành chính…
Cùng với đó, đề án của UBND TP cũng quy định phải đảm bảo bố trí đủ ghế ngồi chờ cho công dân đến giao dịch và bàn viết để công dân có thể thực hiện khai thông tin, ghi chép thông tin tại BPMC. Bố trí đủ các thiết bị phục vụ chung, như điều hòa nhiệt độ, quạt mát, nước uống, văn phòng phẩm, hòm thư góp ý, hòm thư đánh giá… Đội ngũ cán bộ làm việc tại BPMC phải có tác phong, thái độ giao tiếp, cư xử lịch sự, hòa nhã, cởi mở, thân thiện, chuẩn mực, đúng quy chế văn hóa công sở. Có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ, công nghệ thông tin và văn hóa ứng xử, giao tiếp với tổ chức, cá nhân. Hiện, toàn TP có 648 BPMC, trong đó có 39 BPMC cấp Sở, ngành; 30 BPMC cấp huyện và 579 BPMC cấp xã (không tính các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn). Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại BPMC các cấp của TP là 2.776 người.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại