Thứ hai 07/04/2025 10:46

Hà Nội sẽ công nhận thêm 5 trung tâm thiết kế sáng tạo

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dự kiến trong năm 2025, TP Hà Nội sẽ công nhận thêm 5 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch, đưa tổng số trung tâm thiết kế sáng tạo được phát triển thành 21 trung tâm (vượt chỉ tiêu của Chương trình đề ra đến năm 2025).
Sản phẩm rượu Đông trùng hạ thảo - sản phẩm OCOP 4 sao của huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: Văn Biên
Sản phẩm rượu Đông trùng hạ thảo - sản phẩm OCOP 4 sao của huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: Văn Biên

Theo số liệu thống kê của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội, lũy kế từ năm 2019 đến nay, TP Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 3.317 sản phẩm OCOP. Trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.571 sản phẩm 4 sao và 1.718 sản phẩm 3 sao.

Số lượng này đã đưa TP Hà Nội trở thành địa phương có sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng nhiều nhất cả nước, đồng thời hoàn thành sớm trước một năm mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ khoá XVII giai đoạn 2021 - 2025 (phấn đấu công nhận được ít nhất 2.000 sản phẩm OCOP).

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Đình Hoa thông tin, đến hết năm 2024, cả nước có gần 15.000 sản phẩm OCOP, thì riêng TP Hà Nội là địa phương đi đầu trong thực hiện chương trình này với 3.317 sản phẩm được chứng nhận (chiếm 22,1% sản phẩm OCOP cả nước).

Hằng năm, TP đã quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển sản phẩm để tạo điều kiện cho các sản phẩm OCOP của Hà Nội. Ngoài ra, TP đã xây dựng được 16 trung tâm sáng tạo, thiết kế, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, làng nghề, phát triển được 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tạo điều kiện để người tiêu dùng Thủ đô nhận diện vào tiêu thụ sản phẩm.

Mặc dù đã đạt được số lượng OCOP lớn với hơn 3.300 sản phẩm nhưng Hà Nội mới có 6 sản phẩm được chứng nhận đạt 5 sao. Vì vậy, trong năm 2025, TP Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu trình Trung ương đánh giá, công nhận thêm ít nhất 30 sản phẩm OCOP 5 sao.

Chia sẻ về giai đoạn gian đầu thực hiện Chương trình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, trong giai đoạn đầu thực hiện chương trình OCOP, TP Hà Nội chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia. Tuy nhiên, để tăng sức cạnh tranh, tạo dựng được thương hiệu mạnh cho sản phẩm OCOP, trong giai đoạn tới, TP sẽ tập trung phát triển các sản phẩm chế biến sâu, đặc sản bản địa.

Theo kế hoạch của TP, đến năm 2025 phấn đấu phát triển 18 mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Kết quả, năm 2023, có 10 trung tâm của 8 huyện (Phú Xuyên, Gia Lâm, Ứng Hòa, Đông Anh, Chương Mỹ, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức và quận Hà Đông).

Năm 2024, có 6 trung tâm của 6 huyện, thị xã (Gia Lâm, Mê Linh, Sơn Tây, Thạch Thất, Thanh Oai, Quốc Oai), đưa tổng số đến nay thành phố có 16 Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.

Dự kiến trong năm 2025, công nhận thêm 5 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch; đưa tổng số Trung tâm thiết kế sáng tạo được phát triển thành 21 trung tâm (vượt chỉ tiêu của Chương trình đề ra đến năm 2025).

Kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP
Quảng bá đặc sản OCOP làng nghề Hà Nội vươn xa
Sản phẩm OCOP: kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa
Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động