Mở đường cho công nghiệp hỗ trợ tiến sâu chuỗi toàn cầu
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Sản xuất linh kiện điện tử trong dây chuyền của VNPT Technology tại Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc. Ảnh: Khắc Kiên |
Doanh nghiệp nhỏ, lực cản lớn
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội DN công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân, phần lớn giá trị xuất khẩu của ngành công nghiệp Hà Nội đến từ các DN FDI. Trong khi đó, khối DN trong nước, đặc biệt là DN nhỏ và vừa (SME), chủ yếu đảm nhận vai trò gia công, chưa làm chủ được công nghệ lõi, thiếu năng lực sản xuất độc lập và khả năng liên kết chuỗi còn hạn chế.
Nhiều DN CNHT tại Hà Nội hiện vẫn loay hoay với những thách thức cố hữu như: quy mô sản xuất nhỏ, máy móc lạc hậu, nhân lực thiếu trình độ, nhất là kỹ sư lành nghề. Chi phí thuê mặt bằng, nhân công và dịch vụ ngày càng tăng cũng là yếu tố “gặm mòn” năng lực cạnh tranh của DN. Không chỉ vậy, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đất đai phù hợp, đổi mới công nghệ… cũng đang là bài toán khó chưa có lời giải thỏa đáng. “Nhiều DN chưa xác định rõ hướng đi, không có định hướng xuất khẩu rõ ràng, ít cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu không có chính sách hỗ trợ hiệu quả, khu vực này khó bứt phá và sẽ tụt lại phía sau”, ông Nguyễn Vân nhận định.
Để gỡ nút thắt cho ngành CNHT, HANSIBA đề xuất xây dựng lộ trình phát triển cụ thể, hướng đến mục tiêu đến năm 2025, tầm nhìn 2030, tỷ trọng DN CNHT chiếm 5 - 10% tổng số DN cả nước. Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường kết nối với các DN FDI lớn, để hình thành mối quan hệ “kèm cặp”, nơi các DN nước ngoài đặt hàng và hỗ trợ kỹ thuật cho các đối tác Việt Nam. Theo đó, các tập đoàn đa quốc gia đang hiện diện tại Việt Nam không chỉ là khách hàng tiềm năng mà còn là bệ phóng cho DN CNHT nội địa vươn ra toàn cầu. Việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tạo động lực để các DN đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế và phát triển bền vững.
Đồng thời, cần có quy hoạch phát triển CNHT theo vùng miền một cách khoa học. Không nên phát triển dàn trải mà phải xác định rõ thế mạnh từng địa phương để tránh trùng lặp, cạnh tranh không cần thiết. Ví dụ, miền Bắc phát triển mạnh CNHT cho ô tô, xe máy, điện tử; miền Trung hướng tới công nghiệp đóng tàu, cơ khí; miền Nam phát triển dệt may, da giày…
Nỗ lực chuyển mình
Hiện Hà Nội có khoảng 900 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT, trong đó trên 320 DN có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia. Đặc biệt, nhóm sản xuất linh kiện, phụ tùng là nòng cốt, phục vụ nhiều ngành công nghiệp chế tạo chủ lực như ô tô, xe máy, cơ khí, điện – điện tử.
Nhằm hỗ trợ khu vực này, TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách, nổi bật là Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2020 – 2025 và thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ. Các chương trình kết nối cung – cầu, hợp tác đầu tư, hỗ trợ DN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đang từng bước được đẩy mạnh. TP cũng tập trung phát triển các cụm công nghiệp chuyên biệt, từng bước hình thành các liên kết ngành CNHT. Cùng với đó là chính sách khuyến khích DN đầu tư công nghệ, đổi mới thiết bị, tăng khả năng chế tạo nội địa và chủ động trong chuỗi cung ứng.
Một điểm sáng trong chiến lược phát triển CNHT của Hà Nội là tăng cường liên kết vùng với các địa phương như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc (nay là Phú Thọ), Thái Nguyên, Hải Dương (nay là Hải Phòng)… Các chuỗi cung ứng trong lĩnh vực xe máy, ô tô, điện tử đã hình thành và phát triển mạnh. Tiêu biểu, chuỗi cung ứng xe máy cho Yamaha Việt Nam tại Hà Nội hay Honda và Piaggio tại Vĩnh Phúc (nay là Phú Thọ) có sự tham gia sâu của nhiều DN Hà Nội. Các lĩnh vực cung ứng phong phú từ cơ khí, nhựa, điện đến khuôn mẫu, tự động hóa. Trong lĩnh vực ô tô, nhiều công ty tại Hà Nội như: EMTC, Nhựa Hà Nội, LeGroup, HTMP, Cơ khí Đông Anh… không chỉ cung cấp linh kiện cho Toyota, Honda mà còn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Mỹ, châu Âu.
Trong giai đoạn mới, Hà Nội xác định rõ phát triển CNHT không chỉ là nâng cao năng lực sản xuất mà còn là yếu tố sống còn để nâng tầm công nghiệp Thủ đô. TP tiếp tục chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp các bộ, ngành triển khai các chuỗi liên kết hành lang công nghiệp như Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Bắc Ninh – Quảng Ninh… Đồng thời, hình thành các khu công nghiệp, đô thị gắn với thương mại, dịch vụ để tạo hệ sinh thái thuận lợi cho phát triển CNHT. Điều quan trọng là các DN cần chủ động nâng cao nội lực, đầu tư chiều sâu, chuẩn hóa sản phẩm và gia tăng giá trị sáng tạo. Có như vậy, CNHT Hà Nội mới đủ sức cạnh tranh, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Thủ đô trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp có sức lan tỏa trong khu vực.
Việc kết nối các DN tập đoàn lớn quốc tế đang có mặt tại Việt Nam là hết sức quan trọng, thúc đẩy để các DN FDI này cũng đặt hàng, hỗ trợ các DN Việt Nam sản xuất linh phụ kiện cấp cho họ để từ đó các DN Việt Nam trực tiếp len chân được vào chuỗi sản xuất CNHT. Phó Chủ tịch Hiệp hội DN công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội Nguyễn Vân |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại