Thứ năm 23/01/2025 14:12

Hà Nội: sẽ lắp trụ nước ở hàng nghìn ngõ nhỏ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hiện, TP Hà Nội chưa xây dựng được mạng nước phòng cháy riêng mà phải dùng nước sinh hoạt. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành lắp đặt 3.050 trụ chữa cháy ngoài nhà; khoảng 9.483 tuyến đường, phố, ngõ, ngách có chiều sâu hơn 200m có phương án bổ sung đường ống cấp nước, trụ hoặc họng tiếp nước...
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành lắp đặt 3.050 trụ chữa cháy ngoài nhà
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành lắp đặt 3.050 trụ chữa cháy ngoài nhà. Ảnh: MP

Theo báo cáo của lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ - Công an TP Hà Nội, trong thời gian vừa qua, việc triển khai thực hiện quyết liệt các kế hoạch chuyên đề chuyên sâu về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã giúp tình hình cháy nổ trên địa bàn Thủ đô được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí.

Cụ thể, hơn 70% vụ việc đã được lực lượng cơ sở, quần chúng nhân dân phát hiện xử lý kịp thời ngay khi mới phát sinh. Đặc biệt, kể từ khi triển khai xây dựng mô hình Tổ liên gia và Điểm chữa cháy công cộng, trong hơn 1 năm qua, đã có hàng trăm vụ cháy được người dân dập tắt tại chỗ, đảm bảo an toàn.

Hiện, TP Hà Nội có hơn 1.200 tuyến phố không tiếp cận được bằng xe chữa cháy chuyên dụng. Đối với những ngõ ngách nhỏ, ngay cả xe chữa cháy mini nhỏ gọn cũng chưa có cách nào tiếp cận.

Mặt khác, các nhà trọ cao tầng thường có xu hướng dành tầng 1 làm nơi để xe máy. Khi lửa xuất phát từ khu vực này, khói xộc thẳng lên trên, lối thoát nạn duy nhất sẽ bị bịt kín. Thang thoát nạn cũng không đảm bảo, không có lối ra trực tiếp tại tầng 1 mà chỉ có thể đi qua khu vực để xe. Chính vì vậy đã xảy ra nhiều vụ việc thương tâm do cháy gây ra.

Thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn Thành phố xảy ra 487 vụ cháy, trong đó có 283 vụ cháy xảy ra đối với loại hình nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, chiếm 58% tổng số vụ cháy. Vụ cháy tại Khương Hạ (quận Thanh Xuân) hay tại ngách 43/98 phố Trung Kính (quận Cầu Giấy) làm nhiều người thiệt mạng tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn cháy nổ tại các nhà trọ, nhà ở cao tầng.

Đầu tháng 7 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hà Nội, Đề án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ giai đoạn 2025-2030 cũng trở thành một trong những nội dung quan trọng được đưa ra để thảo luận.

Theo ông Trần Hợp Dũng, Phó ban Đô thị HĐND TP Hà Nội, việc vi phạm quy hoạch, xây dựng là nguyên nhân làm gia tăng số vụ cháy nghiêm trọng. Nhà ở riêng lẻ và nhà chung cư cũ không còn bảo đảm quy định do lịch sử để lại cũng rất khó giải quyết dứt điểm. Chính vì vậy, cần phải triển khai quyết liệt các giải pháp phòng cháy chữa cháy, bảo đảm diện tích ngõ đủ rồn cho xe chữa cháy thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy.

Trong bối cảnh đó, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc thống nhất chủ trương ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030.

Đề án nhằm nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Thủ đô đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Một trong những mục tiêu quan trọng là tuyên truyền, vận động 100% hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp kinh doanh, sản xuất có từ 2 tầng trở lên chưa có lối thoát nạn thứ 2 tự mở lối thoát nạn thứ 2 (từ từng tầng nhà - nơi có phòng ngủ, nghỉ, sinh hoạt của gia đình), trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, tham gia đội dân phòng để đảm bảo thực chất, hiệu quả, đáp ứng phương châm "4 tại chỗ".

Thực tế, việc vận động người dân mở lối thoát nạn thứ 2 đã được triển khai nhiều năm qua tại Hà Nội. Trong năm 2023, Công an TP Hà Nội đã vận động, hướng dẫn đến trên 108.000 hộ, đạt 100% hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh và tính đến nay đã có trên 102.000 hộ, đạt 94,1% hộ mở lối thoát nạn thứ 2. Đối với các hộ gia đình nhà ở chưa có lối ra ban công, lô gia, lối lên mái hoặc có nhưng bị chặn, bịt bởi "chuồng cọp", "lồng sắt" kiên cố, đã có 1.496.239/1.628.346 hộ mở "lối thoát nạn thứ 2".

Giai đoạn từ nay đến năm 2030, toàn TP Hà Nội tổ chức tuyên truyền, vận động 100% nhà ở riêng lẻ cao từ 7 tầng hoặc 25m trở lên, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh cao từ 3 tầng hoặc khối tích từ 1.500m3 trở lên phải trang bị hệ thống báo cháy tự động hoặc thiết bị báo cháy cục bộ; khuyến khích các nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh còn lại trang bị hệ thống báo cháy tự động hoặc thiết bị báo cháy cục bộ.

Hiện, TP Hà Nội chưa xây dựng được mạng nước phòng cháy riêng mà phải dùng nước sinh hoạt. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành lắp đặt 3.050 trụ chữa cháy ngoài nhà; khoảng 9.483 tuyến đường, phố, ngõ, ngách có chiều sâu hơn 200m có phương án bổ sung đường ống cấp nước, trụ hoặc họng tiếp nước; hoàn thành khoảng 433 bể nước, trạm bơm chữa cháy tại các khu vực công cộng, 4 bến lấy nước, 900 hố thu nước chữa cháy thuộc khu dân cư nguy hiểm cháy, nổ.

Bên cạnh đó, các quận huyện trên địa bàn TP Hà Nội nhanh chóng nhân rộng mô hình thành lập các tổ liên gia và phát huy hiệu quả của mô hình này, đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, kiểm tra quá trình hoạt động và duy trì của các tổ liên gia.

Tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn, nhằm bổ sung kiến thức, năng lực, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, cứu người, cứu tài sản cho mọi tầng lớp nhân dân. Các thành viên của các tổ liên gia cũng như người dân sẽ được tăng khả năng "thường trực chiến đấu" với cháy nổ, phản xạ nhanh mỗi khi sự cố xảy ra.

Ngoài mô hình tổ liên gia, mô hình điểm chữa cháy công cộng được phát triển để phù hợp với những ngõ nhỏ, hẹp, sâu trên 50m để đáp ứng yêu cầu về công tác phòng cháy chữa cháy. Dựa vào điều kiện thực tế của khu vực mà điểm chữa cháy có thể được trang bị thêm các thiết bị hỗ trợ chữa cháy khác như lăng, đầu nối, vòi… Với những khu vực có ao hồ, bể nước thì có thể được trang bị thêm cả máy bơm chữa cháy. Tuy nhiên, mô hình này cần có giải pháp quản lý và bố trí thuận lợi để người dân có thể sử dụng các phương tiện chữa cháy bất kỳ khi nào cần đến.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy các quận huyện đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Tại quận Cầu Giấy, mô hình họng nước vách tường hiện đang được thí điểm tại một số khu vực thuộc phường Dịch Vọng. Mô hình gồm hàng chục họng nước và tủ vòi lăng được liên kết với nhau được triển khai thiết kế, lắp đặt.

Các họng nước này đặt rải rác trong các ngõ sâu, nơi xe chữa cháy không thể tiếp cận được. Khi có hỏa hoạn, nước sẽ được hút từ các bể ngầm trong khu dân cư thông qua máy bơm điện. Người dân có thể xử lý các đám cháy trên cao hoặc ở khoảng cách xa, giảm việc lan rộng đám cháy ra khu vực khác và giảm thiệt hại trong thời gian chờ lực lượng phòng cháy chữa cháy.

Đồng thời, lực lượng phòng cháy thay vì phải kéo hàng trăm mét vòi từ đường lớn vào sâu bên trong ngõ thì có thể đấu nối trực tiếp vòi vào các họng nước, giúp việc chữa cháy và cứu nạn cứu hộ diễn ra hiệu quả hơn. Trong thời gian tới, mô hình này sẽ được triển khai tại nhiều địa điểm khác nhằm hỗ trợ lực lượng phòng cháy, chữa cháy và người dân khu vực xung quanh khi có cháy xảy ra.

Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: tuyên truyền kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH đến từng hộ gia đình
Không có giải pháp PCCC, nhà ở kết hợp kinh doanh sẽ không được hoạt động
Quyết liệt xử vi phạm phòng cháy chữa cháy
Minh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động