Thứ năm 23/01/2025 06:07

Hà Nội: tích cực chuẩn bị hàng hóa cho cao điểm mua sắm Tết

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để chuẩn bị cho cao điểm mua sắm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngành công thương Hà Nội cùng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang tích cực chuẩn bị hàng hóa.
Hà Nội: tích cực chuẩn bị hàng hóa cho cao điểm mua sắm Tết
Mặt hàng hoa quả được người dân lựa chọn tại Siêu thị MM Mega Market Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Đăng.

Sẵn sàng phục vụ người dân

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, dự báo nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong 1 tháng của người dân Hà Nội: Gạo 99.450 tấn; thịt lợn hơi 19.890 tấn lợn; thịt gia cầm 6.630 tấn; thủy sản 5.520 tấn; thực phẩm chế biến 5.520 tấn; rau củ 110.500 tấn; trứng gia cầm 132 triệu quả; trái cây 79.500 tấn.

Khả năng tự cung ứng của Hà Nội cơ bản đáp ứng đối với một số sản phẩm như thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản nước ngọt (chủ yếu là cá); các nhóm hàng còn lại khả năng đáp ứng khoảng 20%-60% nhu cầu.

Lượng hàng thiếu còn lại và các sản phẩm vùng miền phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trên địa bàn được khai thác từ các tỉnh, TP và nhập khẩu.

Để chủ động nguồn hàng phục vụ nhân dân trong dịp Tết, năm 2024, Sở Công Thương Hà Nội đã tạo điều kiện trên 600 lượt doanh nghiệp (DN) Hà Nội và các tỉnh tham gia giao thương, hội chợ, tuần hàng tại Hà Nội và các tỉnh, TP.

Qua đó đã hỗ trợ kết nối, tiêu thụ trên 3.000 sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh vào hệ thống phân phối, hỗ trợ kết nối tiêu thụ khoảng 500.000 tấn hàng hóa từ các tỉnh, TP.

Thông qua các hoạt động này, các DN đã khai thác đa dạng nguồn cung, đảm bảo chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

TP Hà Nội cũng đã phối hợp với 43 tỉnh, TP xây dựng, phát triển và duy trì 1.327 chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm, thủy sản an toàn, cung ứng cho TP Hà Nội, qua đó góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường trên địa bàn TP, nhất là trong dịp Tết.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Nguyễn Thế Hiệp cho biết, đến nay đã có 22 DN tham gia Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán, cung ứng các mặt hàng bình ổn tới hơn 10.600 điểm bán.

Trong số đó, có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao như Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market, Lotte, Hapro…

Đa dạng các mặt hàng phục vụ Tết

Đến nay, các DN đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 5%-20% theo từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2024. Tại các điểm bán hàng, lượng hàng hóa đã được tăng cường 30%-35% sẵn sàng phục vụ của người dân (trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm 85%-90%).

Trưởng phòng Marketing, Công ty cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce chi nhánh Hà Nội, Hà Thị Thu Trang thông tin, hệ thống siêu thị đã chủ động thực hiện công tác dự trữ hàng hóa từ sớm với lượng dự trữ tăng 10-20%, bảo đảm lượng hàng hóa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong suốt dịp Tết.

“Các mặt hàng phục vụ Tết năm nay rất phong phú và đa dạng, với hơn 90% là hàng hóa nội địa và 10% còn lại nhập khẩu từ các nhà cung cấp quốc tế uy tín. Các siêu thị và cửa hàng trên toàn quốc và chi nhánh ở TP Hà Nội sẽ hoạt động tới 12h00 ngày 29 Tết và mở bán trở lại vào ngày mùng 4 Tết” - Bà Hà Thị Thu Trang cho biết thêm.

Còn theo Giám đốc thu mua khu vực miền bắc và miền trung Công ty TNHH AEON Việt Nam, Trần Thu Quỳnh, dự trữ hàng hóa năm nay của DN tăng khoảng 5% so với Tết năm ngoái. So với các thời điểm khác trong năm, lượng dự trữ hàng hóa cao hơn 20%-30%, thậm chí tăng đến 50% đối với các sản phẩm được ưa chuộng trong Tết. Tại hệ thống Aeon, sẽ đóng cửa vào 20h ngày 29 Tết và mở cửa trở lại vào 12h trưa ngày mùng 1 Tết.

Trưởng ban Đối ngoại Marketing Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, BRG Mart phối hợp các nhà cung cấp dự báo sản lượng tiêu thụ và lên kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết tăng gấp 2-3 lần các tháng trong năm. Hệ thống nhập hàng bảo đảm phương tiện vận chuyển vào cao điểm tháng 1/2025.

Giám đốc Siêu thị GO! Thăng Long, Nguyễn Minh Tuấn cho hay, DN bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, TP Hà Nội và luôn bảo đảm nguồn cung hàng hóa dịp Tết này. Đặc biệt, lượng bán hàng tuần này bắt đầu tăng mạnh, lượng khách hàng đến với siêu thị đã gấp đôi so với tuần trước đó. Siêu thị cũng đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu dịp Tết này từ 10%-50%.

Vấn đề về giao thông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Nguyễn Thế Hiệp cho biết, Sở đã báo cáo UBND TP chấp thuận chủ trương cho phép Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an TP kiểm tra, hướng dẫn cho phép xe ô tô vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xăng dầu hoạt động 24/24h trên địa bàn TP Hà Nội để phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và công tác bình ổn thị trường năm 2025. Sở Công Thương đã gửi danh sách 190 xe vận chuyển hàng hóa để Sở Giao thông vận tải, Công an TP kiểm tra, cấp phép để bảo đảm lưu thông thông suốt hàng hóa trong dịp Tết.

Nhận diện thương hiệu, khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt
Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng từ 6,95% trở lên
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động