Thứ năm 23/01/2025 20:09

Khi múa rối “cháy vé” và nỗ lực không tên của người nghệ sĩ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dòng thông báo chương trình nghệ thuật đặc sắc “Âm vang đồng quê” đã “cháy vé” thực sự là món quà tinh thần ý nghĩa dành tặng các nghệ sĩ múa rối nước khi sân khấu truyền thống “thức tỉnh” sau gần 2 năm “ngủ đông” vì đại dịch.
Khi múa rối “cháy vé” và nỗ lực không tên của người nghệ sĩ
Chương trình nghệ thuật đặc sắc “Âm vang đồng quê” liên tục tạo nên cơn sốt vé với khán giả

Xuất quân phục vụ khán giả nhí

Gần 12h trưa, đoàn nghệ thuật truyền thống vẫn hăng say tập luyện màn múa rồng phun nước, phun lửa. Những chú rồng bình thường chỉ là mô hình thô cứng nhưng dưới đôi bàn tay khéo léo của người diễn viên chuyển động như một hình hài thực sự.

Tiết mục múa rồng không chỉ đòi hỏi khéo tay, sức khỏe mà còn là sự cần mẫn, kiên trì. Dù được trang bị quần áo bảo hộ nhưng ngâm mình lâu dưới nước, các diễn viên khó tránh khỏi đôi bàn tay trắng bệch, nhăn nhúm. Điều này không khiến họ bận lòng, đổi lại những vất vả chính là nụ cười của khán giả.

Gần 2 năm phải đóng cửa vì đại dịch, đối với các nghệ sĩ sân khấu Nhà hát Múa rối Việt Nam họ phải chứng kiến nhiều nỗi buồn trong nghề. Sân khấu vắng khách, nhiều nghệ sĩ trẻ bỏ nghề vì gánh nặng mưu sinh.

Nỗ lực vượt qua khó khăn, các nghệ sĩ đã dốc lòng xây dựng chương trình nghệ thuật đặc sắc để lôi cuốn khán giả đến rạp. Và chương trình nghệ thuật “Âm vang đồng quê” chính thức chào sân khán giả trong nước và quốc tế từ tháng 4/2022. Sau gần 2 tháng ra mắt, chương trình đã và đang trở thành món ăn tinh thần cho các em thiếu nhi và gia đình vào mỗi dịp cuối tuần.

Khán giả mãn nhãn với các tiết mục được dàn dựng công phu, tâm huyết, ấn tượng chỉ có ở ngôn ngữ múa rối như Trống hội, Hát văn, Hầu đồng... cùng các trò cổ, bản hòa tấu nghệ thuật rối nước được khắc họa như: Đánh đu, Chọi gà, Múa rồng, Cày cấy, Đánh cáo bắt vịt… Những ánh mắt tò mò, thích thú, tiếng hò reo, vỗ tay không ngớt, nụ cười trong trẻo của hàng trăm “khán giả nhí” đã thực sự khiến sân khấu múa rối nước bùng nổ.

Khi múa rối “cháy vé” và nỗ lực không tên của người nghệ sĩ
Hàng trăm khán giả nhí được mãn nhãn với các tiết mục đặc sắc vở diễn "Âm vang đồng quê"

Cơn sốt vé trở lại

Từ con số vài chục vé đến nay mỗi suất diễn vào ngày thứ 7 hàng tuần đều kín rạp. Mới đây, thông tin chương trình “Âm vang đồng quê” diễn thứ 7 vào ngày 21/5 đã “cháy vé” và để phục vụ khán giả tốt nhất, Nhà hát Múa rối Việt Nam triển khai thêm suất diễn vào ngày chủ nhật (22/5).

Trong không gian mát lạnh của khán phòng Nhà hát Múa rối Việt Nam, các bạn trẻ không chỉ được thưởng thức những vũ điệu nóng bỏng của các chú rối mà còn được tận tay trải nghiệm nghệ thuật múa rối nước cổ truyền với sự hướng dẫn tận tình của các diễn viên chuyên nghiệp của Nhà hát Múa rối Việt Nam. Cảm giác được đứng trên sân khấu, được bắt tay, được lại gần và được giao lưu, trò chuyện với các nghệ sĩ chắc chắn là kỷ niệm không thể phai nhòa trong ký ức của các em nhỏ.

Khi múa rối “cháy vé” và nỗ lực không tên của người nghệ sĩ
Các em nhỏ được trải nghiệm nghệ thuật múa rối nước cổ truyền

Tháng 5, mùa tổng kết năm học của các khối trường mầm non thì đối với nghệ sĩ múa rối nước còn một vai trò đặc biệt khác, giới thiệu nghệ thuật múa rối đến học đường. Không sân khấu chuyên nghiệp truyền thống, không có nhiều hoạt cảnh phụ trợ nhưng bằng ngôn ngữ múa rối, các nghệ sĩ đã chuyển tải chân thực các trích đoạn vở diễn điển hình của rối nước đến với sân khấu học đường.

Nỗ lực kéo khán giả đến rạp, các nghệ sĩ không chỉ chăm chỉ với các kịch bản, chương trình nghệ thuật chất lượng, việc thay đổi thiết kế sân khấu truyền thống cũng là một giải pháp trong việc kích cầu du lịch.

Hiện nay, Nhà hát Múa rối Việt Nam không ngừng đổi mới, sáng tạo ra vở diễn, trò rối chất lượng, mang giá trị nghệ thuật cao với hình thức thể hiện “tân” trên nền “cổ”. Bên cạnh đó, nhờ sự quan tâm của Bộ VH,TT&DL, đầu tư cải tạo phòng trưng bày thành một sân khấu biểu diễn múa rối mini với khoảng 100 chỗ ngồi. Sân khấu mini đã đưa vào khai thác, phục vụ những đoàn khách nhỏ, phù hợp với tình hình hiện nay.

Để kích cầu bán vé, thời điểm này Nhà hát Múa rối Việt Nam vẫn áp dụng chương trình khuyến mãi “mua 1 tặng 1”. Đồng thời, Nhà hát cũng nhận hợp đồng biểu diễn trọn gói theo yêu cầu của khán giả.

Trao đổi với ông Lê Đức Anh, Trưởng phòng tổ chức biểu diễn (Nhà hát Múa rối Việt Nam) về kế hoạch biểu diễn đợt 1/6, được biết: Theo kế hoạch, dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6 tới, Nhà hát Múa rối Việt Nam khai thác thêm các vở diễn phục vụ khán giả thiếu nhi như “Con yêu mẹ”, “Câu chuyện những chiếc rìu”,…

Dịp 1/6 mọi năm khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Nhà hát thường phục vụ 300 buổi biểu diễn. Dự kiến năm nay, Nhà hát cố gắng tổ chức 100 buổi biểu diễn phục vụ khán giả.

Sân khấu truyền thống Thủ đô “xê dịch” với việc đổi mới
Nỗ lực xây dựng “Bảo tàng sống” trên sân khấu truyền thống
Sân khấu sáng đèn, nghệ sĩ vẫn “khóc”
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động