Thứ năm 23/01/2025 13:50

Không tiêm phòng dại cho chó gây hậu quả chết người có bị xử lý hình sự?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhiều bạn đọc có câu hỏi gửi đến ấn phẩm Pháp luật và Xã hội với nội dung: nếu chủ vật nuôi không tiêm vắc-xin phòng dại cho chó, mèo mà gây thiệt hại tới sức khỏe cho người khác hoặc gây hậu quả chết người thì có bị xử lý hình sự? Chuyên gia pháp lý đã đưa câu trả lời.
Không tiêm phòng dại cho chó gây hậu quả chết người có bị xử lý hình sự?
Ảnh minh họa

Bị chó dại cắn dẫn đến hậu quả chết người

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, đơn vị này đã tiếp nhận một bé trai tên Đ.S.H (7 tuổi, trú tại xã Thành Long, huyện Hàm Yên) nhập viện với biểu hiện mắc bệnh dại.

Theo đó, ngày 15/6, bé trai nhập viện trong tình trạng mệt, nôn ra máu tươi, da tím tái, trẻ kích thích vật vã, mắt mở to, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, nằm co, sùi bọt mép. Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi bệnh dại. Gia đình bệnh nhi cho biết trước đó khoảng một tháng, bệnh nhi có bị chó cắn, sau khi cắn bé trai chó đã chết, bé trai cũng chưa được tiêm phòng bệnh dại. Chiều cùng ngày, bệnh nhân diễn biến nặng, tiên lượng tử vong cao, người nhà bệnh nhân được các bác sĩ khoa nhi tư vấn, giải thích về tình trạng bệnh, gia đình xin cho trẻ về nhà.

Trước đó, ngày 18/6, Trung tâm y tế huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước cho biết, bệnh nhân Điểu KRốt (SN 1976, trú tại thôn 1, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng), bị chó dại cắn nhưng không đi tiêm phòng đã tử vong vào ngày 17/6.

Chủ chó có thể bị xử lý hình sự?

Trong khi rất nhiều chế tài xử phạt đã có, một số người nuôi chó vẫn không có ý thức hay không biết, không tìm hiểu các quy định về việc nuôi chó phải tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Đa số chủ nhân nghĩ đơn giản chó của mình là chó cảnh, sẽ chẳng bao giờ tấn công ai. Luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định, người nuôi chó bắt buộc phải tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho vật nuôi của mình.

Căn cứ tại khoản 2 Điều 7, Nghị định 90/2017/NĐ-CP (Được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP), phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: không tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng. Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Tại khoản 2 Điều 4, Nghị định 90/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền như sau:mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trừ trường hợp quy định tại các Điều 22, khoản 3 Điều 24, khoản 5 Điều 27, khoản 1 Điều 28, Điều 29, Điều 30, Điều 31, Điều 32 và Điều 33 của Nghị định này. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, chủ vật nuôi mà không tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo có thể bị xử phạt với mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, trong trường hợp người chủ nuôi chó, dẫn chó ra nơi công cộng không thực hiện các quy định như không đeo rọ mõm, không có xích dắt, không tiêm phòng dại... để chó cắn người gây thương tích hoặc làm chết người thì phải bồi thường thiệt hại hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Luật sư Đinh Thị Nguyên cho rằng, trước hết mỗi người dân hay mỗi hộ gia đình cần nghiêm chỉnh chấp hành quy định, nuôi chó mèo phải khai báo với chính quyền địa phương và thực hiện đưa chó mèo đi tiêm phòng dại. Thêm nữa, các lực lượng chức năng cần quyết liệt hơn trong phát hiện xử lý các trường hợp thả rông chó. Người dân cũng cần chủ động ghi lại những hình ảnh các trường hợp thả rông chó để làm bằng chứng cung cấp cho lực lượng chức năng xử lý các trường hợp vi phạm. Các bác sĩ khuyến cáo các gia đình có trẻ con không nên nuôi giống chó to và dữ; nếu nuôi chó, mèo bắt buộc phải tiêm phòng cho con vật đầy đủ. Ngoài ra, con vật phải được thuần dưỡng, xích, ra đường phải rọ mõm...

Khi trẻ bị chó, mèo cắn, đối với vết thương nhỏ cần rửa ngay với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục khoảng 10-15 phút. Đối với vết thương lớn và phức tạp, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời, tránh biến chứng xảy ra. Hiện tại, không có thuốc chữa bệnh dại. Khi đã lên cơn dại, động vật và người đều dẫn đến tử vong. Hiệu quả nhất là phòng ngừa thông qua tiêm phòng bệnh dại cho chó mèo hàng năm và tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho người ngay sau khi bị chó, mèo cắn (hoặc cào có vết thương chảy máu) càng sớm càng tốt.Lưu ý, tuyệt đối không tự ý sử dụng thảo dược không rõ nguồn gốc bôi, đắp vào vết thương, không tự chữa ở nhà cho trẻ.

Về trách nhiệm hình sự: Trường hợp tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị chó cắn từ 61% trở lên hoặc từ vong thì chủ nuôi chó có thể chịu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người” theo quy định tại khoản 1 Điều 295, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức phạt là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Trẻ 2 tuổi nguy kịch vì bệnh dại sau 1 tháng bị chó nhà cắn
Trẻ 7 tuổi tử vong vì bệnh dại sau 1 tháng bị chó nhà cắn
Bị chó nhà hàng xóm cắn, người phụ nữ phải khâu gần 70 mũi
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động