Chủ nhật 13/04/2025 03:39

Kinh tế Việt Nam vững vàng trước “sóng cả”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á tháng 4/2025 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,6% trong năm 2025 và 6,5% trong năm 2026, sau khi tăng mạnh ở mức 7,1% vào năm 2024.
Kinh tế Việt Nam vững vàng trước “sóng cả”
Theo các số liệu, kinh tế Việt Nam khởi đầu năm nay với tín hiệu tích cực khi tăng trưởng GDP quý 1 đạt gần 7%, mức cao nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm gần đây

Dù duy trì triển vọng tích cực cho Việt Nam trong năm nay và năm sau, các chuyên gia kinh tế hàng đầu của ADB cũng nhấn mạnh những rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng - khi các dự báo này được tính toán trước khi Mỹ công bố các biện pháp thuế quan.

Cải cách thể chế sẽ thúc đẩy tăng trưởng

Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Shantanu Chakraborty nhận định: “Tăng trưởng thương mại mạnh mẽ, sản xuất cho xuất khẩu phục hồi tích cực và đầu tư trực tiếp nước ngoài ở mức cao đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024”.

Môi trường kinh tế toàn cầu thay đổi, chịu ảnh hưởng đáng kể bởi các tuyên bố về mức thuế gần đây của Mỹ và căng thẳng địa chính trị, đặt ra những thách thức lớn đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào tăng trưởng hướng đến xuất khẩu.

“Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng, điều này có thể giúp giảm thiểu đáng kể những rủi ro từ bên ngoài. Tăng trưởng kinh tế có thể đạt cao hơn và bền vững nếu các nỗ lực cải cách thể chế toàn diện thời gian qua được triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Những cải cách này sẽ kích thích nhu cầu trong nước, tăng hiệu quả quản lý Nhà nước trong ngắn hạn, từ đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân trong trung và dài hạn” - ông Shantanu Chakraborty nói thêm.

Nhận định của ADB cũng cho rằng, tăng cường sự tham gia của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu là một thách thức chính sách then chốt cho sự phát triển của đất nước. Khi các động lực kinh tế toàn cầu thay đổi, những lợi thế của Việt Nam trong việc nâng cao giá trị gia tăng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng thay đổi. Nắm bắt được những hạn chế và thách thức liên quan tới việc mở rộng sự tham gia và nâng cao giá trị gia tăng của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu là điều rất quan trọng để cải thiện lộ trình phát triển kinh tế và tiềm năng tăng trưởng dài hạn của đất nước.

GDP quý I/2025 gần 7%

Theo các số liệu, kinh tế Việt Nam khởi đầu năm nay với tín hiệu tích cực khi tăng trưởng GDP quý I/2025 đạt gần 7%, mức cao nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm gần đây và vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ. Theo đó, 3 khu vực kinh tế chủ lực, gồm nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, đều tăng trưởng; đặc biệt, dịch vụ tiếp tục dẫn dắt nền kinh tế, chiếm tỷ trọng cao và có mức tăng mạnh nhất. Bên cạnh đó, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu hơn 3 tỷ USD, góp phần củng cố đà phục hồi và phát triển kinh tế ngay từ đầu năm.

Trong quý I/2025, cả cung và cầu đều cho thấy dấu hiệu hồi phục tốt. Khu vực nông nghiệp đạt mức tăng 3,7%, trong khi công nghiệp tăng mạnh tới 7,8%, cao hơn nhiều so với 5,9% cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, công nghiệp chế biến chế tạo đạt mức tăng 9,5%. Xuất khẩu tăng 10,6%, nhập khẩu tăng 17%, phản ánh nền kinh tế đang lấy lại đà phục hồi sau thời gian dài chịu ảnh hưởng từ suy giảm toàn cầu.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng gần 10%, cao hơn mức 8,6% của cùng kỳ năm 2024. Trong khi đó, du lịch - một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch, cũng ghi nhận đà phục hồi mạnh mẽ.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức đến từ bên ngoài. Chính sách áp thuế đối ứng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo cảnh báo của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), có thể khiến thương mại toàn cầu sụt giảm khoảng 1%. Trong bối cảnh Việt Nam có độ mở kinh tế cao, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi GDP, bất kỳ cú sốc nào từ thị trường quốc tế đều có thể tạo ra tác động dây chuyền.

Trong bối cảnh Bộ Tài chính đặt mục tiêu tăng trưởng các quý tới lần lượt là 8,3% và 8,4%, các động lực tăng trưởng không thể chỉ dựa vào xuất khẩu. Cần phát huy sức mạnh nội tại, đặc biệt là từ khối DN tư nhân trong nước bằng cách vừa hỗ trợ về chính sách thuế, vừa thúc đẩy tiêu dùng nội địa và đầu tư công. Kích cầu tiêu dùng trong nước không chỉ là kích cầu hàng hóa tiêu dùng thông thường, mà cần hướng tới lĩnh vực đầu tư cá nhân như nhà ở cho người thu nhập thấp, bất động sản thiết yếu, từ đó tạo lan tỏa sang nhiều ngành nghề khác.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tinh thần không hoảng hốt, không hoang mang hay lo sợ, mà cần giữ vững bản lĩnh, phát huy trí tuệ, xử lý tình huống bình tĩnh, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp và hiệu quả.

Phải nắm chắc tình hình, xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể cho cả trước mắt và lâu dài, thực hiện đúng chỉ đạo của T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư Tô Lâm, coi đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để nỗ lực vươn lên, tái cơ cấu lại nền kinh tế, thị trường sản xuất và xuất khẩu một cách căn cơ và bền vững hơn.

Phố Wall chao đảo vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Dow Jones và S&P 500 lao dốc
Các công ty công nghệ tài chính lao đao vì làn sóng thuế quan mới của Mỹ
Lý do một số doanh nghiệp bất động sản dè dặt trong ứng dụng AI
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động