Thứ năm 23/01/2025 20:16
Những mảnh ghép từng 1 thời lầm lỡ được “hồi sinh” ở cộng đồng:

Kỳ 1: Cặp vợ chồng có quá khứ lầm lỡ vươn lên ổn định cuộc sống

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đó là những đối tượng từng có quá khứ lầm lỗi, sau thời gian lao động cải tạo, họ đã được trở về với cuộc sống đời thường, trong vòng tay thương yêu của gia đình, xã hội và đặc biệt có sự giúp đỡ của chính quyền, CA địa phương và mới đây là Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù như có thêm “cần câu”, giúp họ đứng lên làm lại cuộc đời...
anh Nguyễn Bá Kỹ tâm sự với PV Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội
Anh Nguyễn Bá Kỹ tâm sự với PV Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội. Ảnh: Nguyễn Vũ

Hơn 20 năm công tác, gắn bó với công tác phòng chống tội phạm, nhưng Trung tá Tống Quang Hiếu, Trưởng CA thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội cho rằng, công tác tổ chức, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù THNCĐ rất quan trọng.

Ngay từ đầu năm, thực hiện kế hoạch của Bộ Công an, Cục Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng (C11), CATP Hà Nội, CA huyện Chương Mỹ đã triển khai nhiều công tác liên quan đến tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ)...

Quyết liệt, cụ thể hóa công tác tái hòa nhập cộng đồng

Trên cơ sở của công tác điều tra cơ bản về THNCĐ, lực lượng CA địa phương đã tiến hành thu thập thông tin về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn (tình hình hoạt động của các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, số người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn) và tình hình kinh tế xã hội, tình trạng việc làm của người lao động, thị trường lao động, các ngành nghề cơ bản ở địa phương.

Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác tham mưu, tổ chức thực hiện việc tiếp nhận, quản lý, giáo dục giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình, cá nhân điển hình về THNCĐ. Số liệu, tình hình về hệ loại đối tượng trong diện cần thiết tổ chức công tác THNCĐ gồm: Số chuyển đến, chuyển đi, số tái phạm, vi phạm pháp luật, tổng số đang quản lý, số được hỗ trợ giúp đỡ THNCĐ.

Qua đó, lực lượng CA đã tiến hành phân loại định kỳ (3 tháng/1 lần) theo 4 nhóm với tính chất, mức độ cần thiết để tổ chức công tác THNCĐ. Trong đó, nhóm 1, là những người có ý thức chấp hành pháp luật, đã ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng; Nhóm 2, là những người còn gặp những khó khăn khi THNCĐ, như không có việc làm hoặc việc làm tạm bợ, không ổn định, thiếu vốn để tổ chức sản xuất, bản thân còn tự ti, mặc cảm...; Nhóm 3, là những người sống ở môi trường phức tạp về an ninh trật tự, có điều kiện, hoàn cảnh dễ vi phạm pháp luật; Nhóm 4, là những người thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống buông thả, không chịu sự quản lý, giáo dục của gia đình, chính quyền, đoàn thể ở địa phương.

Từ phân tích đầy đủ dữ liệu của 4 nhóm đối tượng trên, Trung tá Tống Quang Hiếu đã xuống địa bàn nắm bắt, chỉ đạo cán bộ chiến sỹ tư vấn, hướng nghiệp, tạo điều kiện, giúp đỡ, để họ có thể tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước (vay vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm...), phối hợp với các đoàn thể xã hội và gia đình tạo các điều kiện thuận lợi để giúp họ ổn định cuộc sống.

Trường hợp vợ chồng anh chị Nguyễn Bá Kỹ, SN 1973, trú tại khu Tiên Trượng, Xuân Mai, Hà Nội là một ví dụ. Anh Kỹ từng bị tuyên án 11 năm về tội “Cướp tài sản” và vợ anh cũng đã thi hành án 15 năm về tội “Mua bán phụ nữ trẻ em”.

Tâm sự với PV của Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội (Báo Kinh tế & Đô thị), anh Kỹ bảo rằng, lúc mới ra tù, vợ chồng anh vô cùng mặc cảm, tự ti và không tiếp xúc với ai bên ngoài. Tuy nhiên, được sự động viên của chính quyền địa phương, đặc biệt Trung tá Tống Quang Hiếu đã thường xuyên liên lạc, xuống tận nhà nói chuyện, chia sẻ, giúp vợ chồng anh vơi bớt mặc cảm và dần ổn định lại cuộc sống.

Trung tá Tống Quang Hiếu, cho rằng, công tác tổ chức, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù THNCĐ rất quan trọng. Ảnh: Nguyễn Vũ
Trung tá Tống Quang Hiếu, cho rằng, công tác tổ chức, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù THNCĐ rất quan trọng. Ảnh: Nguyễn Vũ

Vươn lên từ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương

Theo lời kể của anh Nguyễn Bá Kỹ, năm 1993, anh tìm hiểu và lấy người con gái ở xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, làm vợ. Sau lễ thành hôn, hai vợ chồng buôn bán nhỏ ở thị trấn và lần lượt 2 đứa con đủ nếp, đủ tẻ ra đời. Cứ nghĩ, vợ chồng chịu khó làm ăn, nuôi con trưởng thành, nhưng nào ngờ, anh Kỹ đã theo chúng bạn, rồi phạm tội. “Những ngày lao động, cải tạo ở đó, tôi thấy rất buồn, nhớ nhà, thương vợ, 1 lách 2 con nhỏ, lại mẹ già. Nhiều đêm tôi đã không ngủ được, vừa ân hận về tội lỗi của mình, vừa nghĩ đã làm khổ vợ con, khi không giúp được vợ nuôi nấng, chia sẻ tình cảm với con mà còn để họ phải thăm nuôi...”, anh Kỹ kể.

Anh Nguyễn Bá Kỹ bảo rằng, thời điểm đó mỗi lần suy sụp tinh thần, anh lại được thầy Nguyễn Văn Yên (cán bộ trại giam Thanh Xuân) động viên, chia sẻ. “Chính sự gần gũi, chia sẻ và cảm thông ấy đã giúp tôi có động lực để phấn đấu cải tạo trong suốt chặng đường đó. Vì vậy, bản thân tôi đã nhận được sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước và được giảm án, tha tù trước thời hạn 3 năm...”, anh Kỹ tâm sự.

Nhưng ngày anh về địa phương, anh cũng chết điếng người khi nhận được tin, vợ cũng vì quá khó khăn, mà lang thang, phạm tội và cũng đang bị sự truy nã của CQCA. “Những ngày tháng trong trại, tôi thấm thía từng câu, từng chữ của các thầy dậy và tôi biết vợ tôi không thể trốn tránh mãi được. Vì vậy, tôi đã động viên cô ấy ra đầu thú để nhận được sự khoan hồng của pháp luật”, anh Kỹ kể.

“Vợ đi trại, một mình tôi tiếp tục phải gồng gánh nuôi 2 con nhỏ và mẹ già. Nhiều lúc, cơm áo gạo tiền, tôi cứ nghĩ không vượt qua được. Nhưng tôi nghĩ dù có khó khăn đến mấy cũng phải lo cho các con và mẹ yên tâm sống với mình lâu hơn. Vậy là thỉnh thoảng tôi vào trại thăm vợ, động viên cô ấy cải tạo tốt, mong được giảm án, sớm trở về với gia đình...”, anh Kỹ nói.

Thế rồi, những năm tháng khó khăn của anh cũng dần trôi đi, năm 2021, vợ anh được tha tù trước thời hạn và trở về địa phương. “Tôi cứ nghĩ vợ tôi ra trại là kết thúc chuỗi ngày vất vả. Nhưng nào ngờ, vợ tôi tự ti, mặc cảm, không tiếp xúc với ai, dù tôi nói thế nào cũng không được. Trực tiếp Trung tá Tống Quang Hiếu đã cùng cán bộ nhiều lần xuống nhà động viên, chia sẻ, phân tích những điểm mạnh của 2 vợ chồng tôi.

Vì vậy đã giúp chính tôi và vợ lấy lại thăng bằng, vợ đã đồng ý ra ngoài mở hàng cùng chồng và không bị kỳ thị. Hiện nay, 2 vợ chồng tôi đã mở được 1 tiệm tạp hóa nhỏ buôn bán ở thị trấn với lượng khách đều đặn và cũng có thu nhập ổn định từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng/tháng, 2 đứa con tôi cũng đã xây dựng gia đình, có cuộc sống ổn định”, anh Nguyễn Bá Kỹ không giấu được niềm vui...

(Còn nữa)

Giúp đỡ những người lầm lỗi làm lại cuộc đời
“Cánh thư hoàn lương” - nói lên khát vọng tái hòa nhập cộng đồng
Nguyễn Vũ – Quốc Doanh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động