Kỳ 1: Khi khóa tu bị… “biến tướng”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChị G.N.N đăng tải thông tin về “trải nghiệm kinh hoàng” của con trai mình tại chùa Cự Đà. Ảnh chụp màn hình trang cá nhân chị G.N.N |
Chạy theo trào lưu của cộng đồng
Cứ mỗi dịp hè, “khóa tu mùa hè” là từ khóa tìm kiếm nhiều nhất của các gia đình với mong muốn các con tham gia khóa tu để rèn luyện đạo đức và có những trải nghiệm cuộc sống. Trước nhu cầu của các gia đình, một số ngôi chùa nổi tiếng trên cả nước liên tục tổ chức khóa tu mùa hè như một hoạt động thường niên vào mỗi đợt hè.
Trên các diễn đàn mạng xã hội, hình ảnh các khóa tu mùa hè được đăng tải giống như một hoạt động “chiêu sinh” lớp học mới. Từ việc đăng ký trực tiếp, đăng ký online qua mạng xã hội, với mỗi khóa tu được khởi động từ vài trăm đến vài nghìn người. Thời gian tổ chức có thể là một ngày, ba ngày, bảy ngày hoặc một tháng.
Để đăng ký cho con một suất tu mùa hè, phụ huynh đăng ký, làm thủ tục và xếp hàng. Nhìn hình ảnh hàng trăm phụ huynh “đội nắng” để làm thủ tục “nhập học” mới thấy được hành trình “tu tập” vất vả, gian nan.
Chị Trần Thị Thảo chia sẻ, năm nay chị đã cho cô con gái lớn 7 tuổi tham gia khóa tu mùa hè tại chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh). Khóa tu được tổ chức 4 ngày, các con được tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa như: Nghe thầy giảng pháp, giao lưu văn nghệ, trình diễn các bài hát về công ơn sinh thành, học đạo hiếu,… Dù nhà chị Thảo cách chùa Ba Vàng hơn 30km, nhưng chị vẫn đăng ký cho con tham gia. Do lứa tuổi con còn nhỏ nên phía nhà chùa yêu cầu có thêm người giám hộ. Các con được tu tập trong trong gian mở, buổi sáng dậy từ 5h tập thể dục, các hoạt động được tổ chức kín mít trong ngày. 9h tối các con đi ngủ. Khi tham gia khóa tu, con gái chị Thảo phải tự lập trong sinh hoạt, tự giặt quần áo, rửa bát ăn cơm.
Mỗi khóa tu được đăng tải trực tiếp trên kênh mạng xã hội chùa Ba Vàng. Vì khóa tu được tổ chức hơn 700 người, đa dạng các hoạt động nên chị Thảo “đỏ mắt” cũng không thể thấy con mình đang tham gia hoạt động nào. Quyết định cho con theo khóa tu mùa hè, lúc đầu chị Thảo cũng có chút lo lắng. Tuy nhiên, vì tin tưởng nhà chùa nhiều năm và thấy khóa tu của chùa tổ chức quy củ, nhiều chương trình ý nghĩa nên quyết định gửi gắm BTC và nhà chùa.
Kết thúc khóa tu, chị Thảo chia sẻ rằng, con gái chị về nhà bớt bướng bỉnh, ngoan ngoãn, nghe lời hơn. Như vậy là mừng rồi. Chị Thảo cho biết thêm, khóa tu hoàn toàn miễn phí, BTC và nhà chùa không yêu cầu đóng bất kỳ khoản phí nào. Tuy nhiên, bản thân chị Thảo và các phụ huynh có con tham gia khóa tu đều gửi “cúng dường” với số tiền tùy tâm.
Tâm lý của chị Thảo cũng giống như tâm lý chung của nhiều phụ huynh cho rằng, khi tham gia khóa tu, con tránh được ở nhà vùi đầu vào tivi, điện thoại, dù ý thức ngoan ngoãn của con chỉ được ngày một, ngày hai nhưng cũng là niềm an ủi với những ông bố, bà mẹ đã từng “bất lực” với con của mình.
Chùa Cự Đà tạm dừng 8 khóa tu mùa hè 2023. Ảnh M.M |
Khóa tu không phải là lớp học giáo dục
Có một sự thật không thể phủ nhận là mỗi một khóa tu, tập trung quá đông trẻ em trong không gian vốn chỉ để dành cho sinh hoạt tôn giáo nên khó tránh khỏi chuyện ngoài ý muốn. Và “trải nghiệm kinh hoàng” tại chùa Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) được báo chí phản ánh thời gian qua cho thấy, thực trạng đáng báo động chính là sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền cơ sở, niềm tin của con người trao gửi nơi cửa Phật.
Sự việc xảy ra hồi tháng 6 khi một phụ huynh G.N.N đã đăng tải lên mạng xã hội một bài viết có nội dung cảnh báo các bậc phụ huynh phải cân nhắc nếu có ý định đăng ký cho con theo khóa tu ở chùa Cự Đà, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Bởi sau 5 ngày con dự khóa tu mùa hè đã có “trải nghiệm kinh hoàng” tại ngôi chùa này.
Theo chị G.N.N, sau khi khóa tu kết thúc, đến đón con về nhà, chị N “sốc” nặng vì quần áo con bẩn thỉu, hôi hám, chân tay bị muỗi đốt chi chít. Khi hỏi con thì được biết do ở chùa đông người, lúc tắm sau là hết nước nên con chị không tắm được. Lúc ngủ thì ngủ dưới nền đất có trải chiếu...
Quá bức xúc trước việc làm tắc trách của BTC, chị N đã yêu cầu làm rõ thông tin sự việc. Sau đó, trưởng BTC khóa tu chùa Cự Đà là bà Diệu Tịnh Thu đã lên tiếng xin lỗi. Tuy nhiên, vị trưởng ban này còn có thái độ thách thức phụ huynh.
Sau sự việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức “khóa tu mùa hè”, bà Diệu Tịnh Thu, phụng sự phật pháp và trợ duyên khóa tu ở chùa Cự Đà, tiếp tục đăng tải thông tin trên nhóm Zalo về việc nhận tu sinh khóa 3 với chủ đề “Hướng nghiệp”, rao giảng các tu sinh sẽ được trải nghiệm ở khu resort, có xe đưa đón từ chùa Cự Đà. Số lượng khóa 3 được đăng ký chuẩn 300 em.
Chỉ đến khi sự việc bị chính quyền cơ sở “tuýt còi”, 8 khóa tu tại chùa Cự Đà đã bị tạm dừng. Phía nhà chùa Cự Đà khẳng định sẽ không tổ chức vĩnh viễn một khóa tu mùa hè tại ngôi chùa này. Đồng thời, Đại đức Thích Di Kiên, Trụ trì chùa Cự Đà đã yêu cầu bà Diệu Tịnh Thu tạm dừng tất cả hoạt động của khóa tu. Phía nhà chùa gấp rút hoàn thiện thủ tục để trả lại 86 triệu đồng mà bà Thu nhận từ phụ huynh có con em đăng ký tu khóa 3 tại chùa Cự Đà.
Thông tin từ bà Phạm Thị Lương Duyên, Phó Chủ tịch UBND xã Cự Khê cho biết, sau khi nắm bắt thông tin về việc “trải nghiệm kinh hoàng” tại khóa tu mùa hè chùa Cự Đà, UBND huyện Thanh Oai đã cử đoàn công tác xuống kiểm tra, xác minh. Trước đó, phía nhà chùa Cự Đà đã có tờ trình gửi UBND xã về việc tổ chức 10 khóa tu mùa hè. Khóa tu con chị G.N.N là khóa tu thứ 2 được tổ chức.
Nhìn thẳng thực tế, BTC khóa tu nhà chùa Cự Đà đã làm việc tắc trách, thiếu trách nhiệm khi đăng ký 300 người nhưng lại tổ chức cho gần 600 con người tu tập trong không gian nhỏ, điều kiện tắm rửa, sinh hoạt thiếu thốn. Thời điểm diễn ra khóa tu trong đợt nắng nóng diện rộng, tình trạng cắt điện luân phiên tại các xã khiến cho hoạt động tổ chức khóa tu mùa hè bị đảo lộn. Cơ sở vật chất vốn thiếu thốn lại càng thêm khó khăn.
Trước sự việc xảy ra tại chùa Cự Đà là bài học về công tác buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền cơ sở. Nếu các cấp chính quyền cơ sở quản lý tốt thì “khóa tu mùa hè” tại chùa Cự Đà nói riêng và các cơ sở khác nói chung sẽ trở lên ý nghĩa hơn.
Sau sự việc gây tranh cãi, phía nhà chùa Cự Đà khẳng định sẽ không tổ chức vĩnh viễn một khóa tu mùa hè tại ngôi chùa này. |
(Còn nữa)
Khai mạc khóa tu mùa hè năm 2018 tại chùa Ba Vàng |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại