Kỳ cuối: Cho con trẻ có một mùa hè ý nghĩa nhất
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChùa Phúc Lâm tổ chức khám sàng lọc cho các tu sinh trước khi tham dự “Khóa tu mùa hè”. Ảnh Diệu Hương |
Không đánh tráo khái niệm “khóa tu”thành “trại hè”
Từng “bất lực” vì không dạy bảo được con, nên khi có thông tin về “Khóa tu mùa hè” tại Hà Nội, chị Nguyễn Thảo đăng ký cho con trai tham gia. Sau khi tham dự “Khóa tu mùa hè” với chủ đề “Hành trang tuổi trẻ” tại chùa Phúc Lâm (huyện Thường Tín, Hà Nội), chị vô cùng phấn khởi về sự thay đổi của con. Trong lời nhắn gửi nhà chùa, chị Nguyễn Thảo bộc bạch: “Vợ chồng tôi cảm thấy con thay đổi rất nhiều. Từ một cậu bé bướng bỉnh, lần đầu tiên, cháu về biết gắp đồ ăn cho bố mẹ, biết gấp chăn vuông cho mẹ. Không biết nói gì hơn, qua các bài giảng của thầy, bằng ngôn từ giản dị, phân tích thí dụ rành rọt, dễ hiểu, những triết lý Phật pháp trở nên gần gũi hơn với đời sống thường ngày. Tấm gương hành trình tu tập miệt mài của thầy và chư ni đã giúp con thay đổi nếp nghĩ, nếp sống; giúp các con hiểu đạo hiếu, lẽ phải”.
Một phụ huynh có con tham dự cùng khóa tu “Hành trang tuổi trẻ” chia sẻ, lần đầu bố mẹ đưa con đến với chùa Phúc Lâm, tham dự khóa tu đầu tiên trong cuộc đời với nhiều lạ lẫm. Buổi đầu tiên, không có điện thoại, không tivi, không máy tính và con phải tuân thủ các quy định chung khá “ngặt nghèo”, con đã đòi về luôn. Nhưng vì lời hứa đủ 2 ngày với mẹ, cộng với lời khuyên động viên của Đại đức Thích Chánh Thuần, con miễn cưỡng ở lại. Khi rời con về nhà, lòng mẹ rưng rưng. Đến cuối khóa tu chỉ còn 2 ngày nữa hoàn thành, bố mẹ về chùa, con chủ động cầm tay và nói “Con cảm ơn bố, cảm ơn mẹ nhé”. Điều mà trước đây khi còn nhỏ con thường xuyên thể hiện lời yêu thương nhưng càng lớn lại hiếm khi con nói những lời yêu thương một cách tự nhiên như vậy.
Những phản hồi của phụ huynh sau khóa tu “Hành trang tuổi trẻ” được tổ chức từ ngày 19/6 đến 25/6/2023 tại chùa Phúc Lâm (thôn Cao Xá, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội) được Đại đức Thích Chánh Thuần lưu giữ như một kỷ niệm đẹp.
Theo Đại đức Thích Chánh Thuần, tổ chức một “Khóa tu mùa hè” thành công thì công tác tổ chức là yếu tố quyết định. Phía nhà chùa Phúc Lâm đã có kế hoạch tổ chức, chuẩn bị các “điều kiện cần” như: Nội dung, chương trình hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể, danh sách đã đăng ký, danh sách khóa tu, khóa sinh đã thực hiện, dự kiến số lượng khóa tu, khóa sinh tham gia, danh sách Ban Tổ chức, giảng sư, người phụ trách các nội dung giảng dạy, hoạt động (bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận kĩ năng, kinh nghiệm…).
Về điều kiện lưu trú, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ quyền trẻ em liên quan đến khóa tu hè. Đội ngũ y tế có 3 bác sĩ kiểm tra y tế ngày khai mạc, nhập tu và 1 bác sĩ trực hàng ngày tại phòng y tế tại chùa. Có dụng cụ lưu mẫu thức ăn chuyên dụng, được bảo quản trong tủ lạnh. Về phòng chống cháy nổ được trang bị gần 20 bình cứu hỏa ở các khu nhà.
Đồng thời, nhà chùa lập nhóm trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Messenger, Viber..) để phụ huynh thường xuyên được theo dõi hoạt động của con em mình, kịp thời trao đổi với ban tổ chức.
Năm 2023, chùa Phúc Lâm tổ chức khóa tu với 313 người, độ tuổi từ 11-19 tuổi. Trước đó, nhà chùa nhận danh sách đăng ký 374 người. Tuy nhiên, qua sàng lọc y tế, khi nhập khóa tu thì chỉ có 313 người đủ tiêu chuẩn.
Có nhiều trường hợp các cháu bị bệnh tim, bệnh tự kỷ, bệnh nền,… nhưng phụ huynh vẫn đăng ký tham gia. Đây là tâm lý chung của nhiều phụ huynh bởi việc tham dự “Khóa tu mùa hè” hoàn toàn miễn phí, con trẻ được tu tập, học đạo đức. Thậm chí, có tâm lý tham dự “Khóa tu mùa hè” theo trào lưu của giới trẻ. Việc phụ huynh phó mặc cho nhà chùa cũng là vấn đề “bỏ ngỏ” hiện nay tại các nhà chùa.
Có câu chuyện “khó nói” khi các em hiện thiếu kỹ năng sống cơ bản. Thực tế, khi tham dự khóa tu, có tỉ lệ 70% các em không biết chăm sóc bản thân, thói quen phụ thuộc vào bố mẹ.
Đối với quan điểm của Đại đức Thích Chánh Thuần, mỗi khóa tu mùa hè ngoài các buổi học giáo lý Phật pháp cần phải được lồng ghép các hoạt động vui chơi, sáng tạo, tạo điều kiện cho các con phát triển tâm hồn, thể chất. Vì vậy, công tác tổ chức cần phải tốt, vì nếu không sẽ biến ý nghĩa của “khóa tu” thành “trại hè”.
Kịp thời chấn chỉnh các khóa tu “tự phát”
Khoảng 10 năm nay, nhiều chùa nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc nở rộ chương trình “Khóa tu mùa hè”. Không phủ nhận các khóa tu được tổ chức thành công, đáp ứng mục đích gieo duyên thiện lành đến thế hệ thanh, thiếu niên. Ngoài các bài giảng Phật pháp nhằm xây dựng nếp sống văn minh, nhân ái và đạo đức, hướng giới trẻ biết trọng cội nguồn, hiếu đạo tôn sư, lễ kính cha mẹ,…
Tuy nhiên, hiện nay, việc nở rộ các “Khóa tu mùa hè” có tính tự phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu an toàn cho trẻ em.
Sự việc xảy ra tại chùa Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã tạo “cơn bão” truyền thông đối với dư luận xã hội. Qua công tác kiểm tra, khóa tu mùa hè tại chùa Cự Đà chỉ có khả năng tổ chức được 200 cháu nhưng tổ chức 600 cháu sẽ khó tránh khỏi các phát sinh ngoài ý muốn.
Đây là hồi chuông cảnh báo để tất cả các chùa trong cả nước nhìn lại công tác tổ chức khóa tu mùa hè. Và các cơ quan Nhà nước thấy được rằng, phải thực hiện công tác quản lý Nhà nước tốt hơn.
Tại Hà Nội, trong tháng 6 đã thành lập Đoàn kiểm tra của TP kiểm tra việc tổ chức khóa tu mùa hè năm 2023 tại 3 cơ sở tự viện trên địa bàn TP Hà Nội. Cụ thể, chùa Phúc Lâm (huyện Thường Tín) tiến hành kiểm tra ngày 21/6; chùa Đình Quán (quận Bắc Từ Liêm) tiến hành kiểm tra ngày 22/6 và chùa Khai Nguyên (thị xã Sơn Tây) kiểm tra ngày 26/6.
Ghi nhận quá trình kiểm tra tại chùa Phúc Lâm cơ bản đảm bảo cơ sở vật chất, đảm bảo các yếu tố phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu hoạt động lưu trú.
Từ việc tổ chức Đoàn công tác kiểm tra liên ngành kiểm tra tổ chức khóa tu mùa hè năm 2023 tại các cơ sở tự viện đã góp phần vào định hướng các nội dung thiết thực, phù hợp trong thời gian tới đối với hoạt động nói chung, hoạt động khóa tu mùa hè nói riêng tại các cơ sở tự viện Phật giáo Thủ đô.
Qua sự việc chùa Cự Đà, các cấp Giáo hội Phật giáo, cơ quan chính quyền Nhà nước đang bắt đầu nhìn nhận khóa tu mùa hè để phối hợp, có hướng dẫn quy định, giúp đỡ các chùa để tổ chức “Khóa tu mùa hè” an toàn, hiệu quả.
Đại đức Thích Chánh Thuần, trụ trì chùa Phúc Lâm, Ủy viên Ban hoằng pháp Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam, Phó Ban hoằng pháp Giáo hội phật giáo Việt Nam TP.Hà Nội kiến nghị, để hoạt động “Khóa tu mùa hè” có ý nghĩa, an toàn, hiệu quả Giáo hội Phật giáo Hà Nội và Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần xây dựng bộ quy chuẩn, nội quy, tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu, cấp chứng chỉ tới các giảng sư, đủ điều kiện thì chùa đó mới được “cấp phép” tổ chức khóa tu mùa hè, tránh việc nở rộ khóa tu “tự phát” như hiện nay.
Kỳ 1: Khi khóa tu bị… “biến tướng” | |
“Góc khuất” khóa tu mùa hè - Kỳ 2: Băn khoăn điều kiện sinh hoạt nơi tu tập |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại