Thứ năm 23/01/2025 11:03
Những người trẻ “Đánh cắp mặt trời” chiếu sáng bản cao:

Kỳ 2: Chiếu sáng bản làng chưa có trên bản đồ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày điện về, cả bản Khuôn Kặt, thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, vui mừng, hân hoan. Người lớn cùng bàn tính mua máy cày, máy xát. Trẻ nhỏ thích thú vì đường đi học về không còn tối, ánh đèn học bài cũng sẽ sáng hơn. Các chị em hồ hởi vì nay sạc pin điện thoại tiện hơn, được sấy tóc khô sau khi tắm.
Các tình nguyện viên CLB Từ Thiện Thật “cõng điện” lên thắp sáng bản cao. Ảnh: Khánh Huy
Các tình nguyện viên CLB Từ Thiện Thật “cõng điện” lên thắp sáng bản cao. Ảnh: Khánh Huy

Có điện rồi, tôi sẽ mua Tivi, máy xát lúa

Anh Triệu Quý Tiến đứng dưới chân nhà, xung quanh là mấy đứa trẻ con cũng đang háo hức nhìn chăm chú các anh kỹ thuật điện đang leo thang trèo trên mái nhà để lắp đặt từng tấm điện năng lượng mặt trời. “Vui lắm, háo hức lắm, hơn 20 năm rồi giờ bản mới thực sự có điện” – anh Tiến nói to và hân hoan.

Một nhà được lắp điện, những nhà xung quanh cũng háo hức kéo đến xem điện mặt trời nó là cái gì. Bởi trong suy nghĩ của những người dân bản, biến ánh mặt trời thành điện để đun nấu giống như biến không thành có như một phép màu. Ai cũng mong nhanh xong nhà này để đến lượt nhà mình được lắp. Cả bản có hơn chục hộ nhưng tiếng nói cười râm ran vui như ngày Tết.

“Nhà mình được lắp điện mấy hôm rồi, lắp đợt trước rồi. Trước kia phải dùng điện tuabin nước, phải kéo dây mấy trăm mét nên không được ổn định, chỉ dùng bóng điện tù mù và thiết bị nhỏ thôi. Nắng quá thì nước không đủ để có điện, mưa quá, nước to thì trôi hoặc hỏng máy, bất tiện. Lại phải thay bi thường xuyên” – anh Triệu Quý Tiến nói.

Rất nhanh, anh Tiến nghĩ đến việc sẽ mua một vài thiết bị điện trong gia đình sau khi có điện mặt trời. Theo lời các kỹ thuật điện, lượng điện tạo ra đủ để sử dụng cho nhiều mục đích nên anh Tiến đang nghĩ sẽ mua máy xát nhỏ để xát lúa cho mình và bà con.

Cách đó khoảng nửa km, ông Triệu Đức Phẩy đi xe máy ra để chỉ đường cho các kỹ thuật điện đường đến nhà mình. Rất mong ngóng được lắp điện bởi nhà ông Phẩy hơn 20 năm nay cũng chỉ có điện nước phập phù.

Tại Khuôn Kặt- bản nghèo khó khăn nhất của thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, khoảng 11 hộ dân với chủ yếu là người dân tộc Dao từ bao đời nay đã quen với những khó khăn vất vả và với cả bóng tối. Không có điện lưới, đồng bào phải tiết kiệm từng chút điện nước với nguồn điện nhiều khi không đủ để sạc điện thoại.

Không có điện, đồng nghĩa với việc người dân không có cơ hội được tiếp cận với các nguồn thông tin, tiến bộ mới. Không có điện, đồng nghĩa với việc đứng ngoài dòng chảy phát triển chung của xã hội. Cuộc sống mãi luẩn quẩn trong vòng xoáy của cái nghèo.

Do đặc thù về vị trí địa lý và quần cư với số hộ dân chỉ mười mấy hộ, các hộ lại cách xa nhau nên chưa thể kéo được điện lưới. Trong 20 năm qua, những ánh đèn tù mù từ điện nước, ánh mặt trời, ánh trăng là nguồn sáng duy nhất của bà con. Điện năng lượng mặt trời là một nguồn sáng mới, thắp sáng bản làng và cả tương lai nơi đây.

Hoàn thiện lắp đặt điện mặt trời tại một hộ dân. Ảnh: Khánh Huy
Hoàn thiện lắp đặt điện mặt trời tại một hộ dân. Ảnh: Khánh Huy

Bản nghèo tại thị trấn Lăng Can đã có điện

Ngày 14/1/2024, Câu lạc bộ (CLB) Từ Thiện Thật đã đặt xuống những tấm pin năng lượng mặt trời cuối cùng, chính thức đưa điện tới 100% hộ dân tại bản Khuôn Kặt, thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Bản Khuôn Kặt từ một địa danh không xuất hiện trên bản đồ Google nay đã được chiếu sáng.

Việc đưa điện mặt trời về với bản Khuôn Kặt là sự nỗ lực của các tổ chức, DN, chính quyền địa phương và người dân. Một bộ điện năng lượng mặt trời bao gồm một tấm pin diện tích 1mx2m tạo ra lượng điện 500Wh/h, một bộ đổi điện và một bộ lưu trữ điện. Lượng điện tạo ra tương đối lớn, đủ để dùng vài thiết bị điện có công suất từ 500Wh trở xuống. Công suất điện này là thoải mái để sử dụng cho một hộ dân tại đây có thể chiếu sáng cả ngày, sạc điện thoại, sạc đèn, chạy tivi, tủ lạnh nhỏ hay nồi cơm thấp tần…

Hành trình “cõng điện” lên bản Khuôn Kặt là một hành trình không dễ dàng. Địa hình phức tạp, đường giao thông chỉ là đường đất, một hành trình chỉ khoảng hơn 2km nhưng hơn 20 năm mới thực sự có điện.

Kỹ thuật viên Đỗ Hồng Dương (Công ty điện mặt trời Sunemit) cho biết: “tôi thực sự rất xúc động khi được tham gia vào dự án ý nghĩa này. Chúng tôi đã tham gia lắp đặt điện nhiều nơi nhưng bản Khuôn Kặt này là nơi cho chúng tôi nhiều cảm xúc nhất. Nhận thấy những giá trị ý nghĩa của CLB Từ Thiện Thật nên ban lãnh đạo Công ty cũng đã chỉ đạo để chúng tôi thực hiện nhanh nhất, cẩn thận nhất, toàn bộ công lắp đặt sẽ là miễn phí”.

Đưa điện lưới tới các bản làng heo hút trong rừng sâu hay cheo leo nơi vách núi chưa bao giờ là điều dễ dàng do địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt hay đặc thù phân bố quần cư. Trong thời gian đó, điện mặt trời là lựa chọn lý tưởng nhất.

Trong hơn 20 năm qua, bản Khuôn Kặt luôn là bản nghèo và khó khăn nhất tại huyện Lâm Bình. Do hộ dân không nhiều, lại phân bố rải rác khiến việc đưa điện lưới về bản gặp nhiều khó khăn. Giờ đây, đã có điện mặt trời, công suất điện tạo ra cũng khá lớn, có điện rồi, người dân sẽ làm được nhiều việc như nghe đài, xem tivi. Người dân cũng sẽ được lắp loa truyền thông của thị trấn, rất tiện trong việc tuyên truyền, vận động người dân trong bản thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước.

“Trước đây, khi không có điện, người dân có khi còn phải chạy ra ngoài thị trấn chỉ để sạc pin điện thoại nhưng nay thì khác rồi. Có nguồn điện tại chỗ, người dân bản Khuôn Kặt sẽ chủ động về công việc và có sự thay đổi về cuộc sống. Với việc Từ Thiện Thật lắp đặt điện mặt trời tại bản Khuôn Kặt, đến nay 100% người dân tại thị trấn Lăng Can đã thật sự có điện” – ông Nguyễn Trần Tiến, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cho biết.

Ông Nguyễn Trần Tiến (phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) cho biết, do đặc thù của bản Khuôn Kặt nên UBND huyện chưa có chủ trương đưa điện lưới Quốc gia về đây, Từ Thiện Thật đưa điện mặt trời tới là một hoạt động ý nghĩa dành cho bà con, đóng góp lớn cho sự phát triển của địa phương.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Cuộc gặp của hai tâm hồn đồng điệu
Khánh Huy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động