Thứ bảy 05/04/2025 07:11
Cần kiểm soát chặt chẽ hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội

Kỳ 2: Cộng đồng mạng càng dễ dãi, drama càng sinh sôi, náo loạn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từ việc drama tình ái gây náo loạn khắp các mạng xã hội của ViruSs - Ngọc Kem - Pháo, hay của những nhân vật nổi tiếng từng đấu tố nhau trước đó, thậm chí nhiều người sẵn sàng chi tiền để được đối chất với người trong cuộc, câu hỏi đặt ra là: liệu một bộ phận lớn cộng đồng mạng có đang quá dễ dãi đón nhận và tiếp tay cho những thứ vô bổ có cơ hội sinh sôi hay không?
Kỳ 2: Cộng đồng mạng càng dễ dãi, drama càng sinh sôi, náo loạn
Drama của cặp đôi ViruSs - Ngọc Kem khiến cộng đồng mạng đứng ngồi không yên

"Nghiện" hóng drama

“Hóng được gì chưa?”; “các bác chia sẻ thông tin đi, em thành người tối cổ rồi”; “lót dép hóng tiếp; em phải tranh thủ cho con ngủ rồi hóng tiếp đây, không mai lại thua chị kém em”; “thức đêm hóng drama mệt thật, nhưng vui”; “nghiện drama là có thật các bác ạ”;… Đó là những status, bình luận, hoặc đơn thuần là câu trò chuyện trong nhiều hội nhóm mỗi khi có drama nào đó xảy ra.

Và drama của ViruSs - Ngọc Kem - Pháo cách đây ít ngày cũng nằm trong số đó, thậm chí nó còn trở thành “sự kiện” cực hút khán giả khi có đến hơn 4 triệu tài khoản thức đêm để xem livestream về chuyện tình cảm của ViruSs, thậm chí sẵn sàng chi tiên để đối chất với người trong cuộc. Có người còn mạnh mồm “dặn” ViruSs dù ngoại tình hay không thì cũng “đừng nhận”. Cùng với đó, vô vàn hội nhóm cũng bàn tán rôm rả về drama này, những chi tiết được mổ xẻ một cách triệt để như một cách để mọi người tiêu khiển, giải trí.

Câu hỏi đặt ra là, nếu cộng đồng mạng cứ “bơ” drama này đi thì nó có cơ hội “bùng nổ” như đã từng hay không? Câu trả lời chắc chắn là không. Chính tâm lý tò mò, chạy theo đám đông; không chọn lọc thông tin của nhiều người là một trong những lý do quan trọng giúp những drama trên mạng được sinh sôi, nảy nở, đẩy lên cao trào. Và khi nhiều người trẻ cùng chung “sở thích” này, thì sẽ rất nguy hại, bởi thường xuyên tiếp xúc những nội dung không lành mạnh sẽ khiến cho nhận thức, hành động của người trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực, phát triển theo chiều hướng lệch lạc.

Việc chăm chú hóng một drama tình ái có phần vô thưởng vô phạt cũng bộc lộ văn hóa sử dụng mạng xã hội đáng lo ngại của một bộ phận lớn người dùng mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là giới trẻ.

Về việc những người trong cuộc drama tình ái của ViruSs đấu tố, nam chính thu tiền từ lùm xùm tình ái của bản thân khiến dư luận xã hội bày tỏ sự bức xúc và lên tiếng chỉ trích. Tiến sĩ, MC Lê Anh cho rằng, buổi livestream của anh này là một cuộc trò chuyện mang màu sắc đời tư, thiếu kiểm chứng, không học thuật, không giáo dục, không định hướng.

Theo tiến sĩ, MC Lê Anh, hiện tượng "hóng biến" không mới và có ở nhiều quốc gia, nhưng phản ứng của cư dân mạng mỗi quốc gia lại khác nhau. MC Lê Anh dẫn chứng, nếu người Nhật giữ khoảng cách, người Hàn sẵn sàng tẩy chay nghệ sĩ vi phạm đạo đức. Người trẻ châu Âu quan tâm đến những vấn đề cấp thiết như nhân quyền hay giáo dục thì nhiều người trẻ Việt Nam lại ưu tiên giải trí vô bổ thay vì các nội dung đổi mới sáng tạo.

MC Lê Anh cho rằng, đây không phải lỗi của mạng xã hội, mà bởi sự lựa chọn của người dùng. Theo nam MC, một bộ phận cộng đồng mạng đang cười, ủng hộ và tiếp tay lan truyền những thứ vô bổ và bỏ qua những câu chuyện đổi mới sáng tạo, những tấm gương thầm lặng cống hiến.

"Đã đến lúc cần đặt ra những câu hỏi lớn: Chúng ta đang dạy con em mình tiêu thụ nội dung như thế nào? Ai đang dẫn dắt thị hiếu số đông? Mạng xã hội có đang giúp chúng ta phát triển tư duy phản biện hay chỉ là nơi để ngồi hóng cuộc đời người khác? Không một quốc gia nào có thể tiến xa nếu thế hệ trẻ tiêu tốn hàng giờ để theo dõi drama tình ái, thay vì đầu tư vào học tập, sáng tạo, và làm chủ tương lai. Thế hệ trẻ Việt Nam xứng đáng với những mục tiêu lớn hơn. Không phải chỉ là một lượt "thả tim", một tiếng cười vào lúc 1h sáng, một trận tranh cãi vô nghĩa" - MC Lê Anh bày tỏ quan điểm.

Bị "thao túng tâm lý" mà không biết

Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: "Giới trẻ hiện nay sẵn sàng chi tiền cho những nội dung vô bổ chỉ để thỏa mãn cảm xúc nhất thời, thay vì đầu tư vào những giá trị thực tế. Họ mất thời gian, tiền bạc và sức khỏe tinh thần chỉ để theo dõi những thông tin vô bổ, không có giá trị".

Kỳ 2: Cộng đồng mạng càng dễ dãi, drama càng sinh sôi, náo loạn
PGS.TS Trần Thành Nam - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội

Chia sẻ về lý do dẫn đến thực trạng này, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, khi sống trong một thế giới ảo, việc người trẻ tiếp cận bị động và bị định hướng bởi những nội dung giật gân trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Nếu không có mục đích cụ thể, mỗi cá nhân thường phản ứng một cách bản năng theo sự tò mò. Nếu cá nhân không có ý thức tự điều hướng, quản lý thời gian một cách chủ động thì rất dễ rơi vào dòng chảy thông tin và bị cuốn theo.

Lý do tiếp theo là nhiều người đến với nghề sáng tạo nội dung là để kiếm tiền, mục tiêu họ hướng tới là số lượt thích, lượng xem và không quan tâm đến các nguyên tắc, giá trị đạo đức. Họ không sử dụng sức ảnh hưởng của mình để lan tỏa những giá trị tích cực mà tập trung vào lợi nhuận và tương tác ảo, bất chấp những hệ lụy tiêu cực cho xã hội, tạo ra những ồn ào độc hại, gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, kiếm tiền từ sự tò mò của người khác.

Thuật toán của mạng xã hội ưu tiên tăng lượt xem, tương tác mà bỏ qua những tác động tiêu cực đến cộng đồng khiến những chiêu trò câu view bất chấp vẫn diễn ra và tạo thành công thức chung trong nhiều vụ ồn ào. Sự lan rộng của những nội dung độc hại trên mạng xã hội vi phạm thuần phong mỹ tục, tạo ra một hiệu ứng dây chuyền, khiến giới trẻ lệch lạc và dễ dàng bị cuốn theo những trào lưu, suy nghĩ có hại.

"Sự thiếu tư duy phản biện và tư duy tài chính khiến nhiều người dễ dàng chi tiền cho những nội dung vô bổ. Họ tin vào những lời quảng cáo, những chiêu trò marketing mà không nhận ra mình đang bị thao túng tâm lý.

Trong những vụ drama này, người được lợi nhiều nhất chính là những người trong cuộc, họ biết cách kiếm tiền từ sự tò mò của công chúng. Họ tạo ra những câu chuyện để thu hút sự chú ý và kiếm lợi từ việc bán quảng cáo, sản phẩm "ăn theo", và thậm chí là từ chính việc thu phí người xem tham gia vào các cuộc tranh luận. Ngược lại, người chịu thiệt hại lớn nhất chính là cộng đồng mạng, những người vô tình trở thành "nạn nhân" của những chiêu trò này", PGS.TS Trần Thành Nam nhận định.

Bên cạnh đó, việc những nội dung kém chất lượng, độc hại liên tục được tạo thành xu hướng cho thấy sự thiếu kiểm soát và định hướng của các nền tảng mạng xã hội.

PGS.TS Trần Thành Nam cũng cảm thấy quan ngại khi tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam cao hơn nhiều quốc gia. Lý do là một bộ phận người trẻ thường dành thời gian theo dõi những câu chuyện vô bổ. Đó là những người thuộc thế hệ “nằm dài”, chưa tạo ra bất cứ giá trị nào cho xã hội, bị cuốn theo dòng thông tin tiêu cực một cách bị động. Những người “nằm dài” thường có tâm lý muốn chứng kiến những mặt xấu xí, đời tư của người nổi tiếng để cho mình quyền phán xét và so sánh. Từ đó cảm thấy cuộc sống của mình “không tệ”, tự hào bản thân “vẫn sướng chán” và không có động lực tiến về phía trước.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: "Những vụ việc xảy ra với người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trên không gian mạng hoặc những sự việc giật gân, liên quan đến bí mật đời tư của người nổi tiếng thường có rất nhiều người theo dõi, bình luận. Nếu là những câu chuyện tự dựng lên, bịa đặt để câu view thì hành vi này lại là rất đáng trách. Những thông tin, clip, hình ảnh phản cảm, dung tục trên không gian mạng thực sự là những “rác mạng”. Những thông tin sự việc không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, văn hoá, thuần phong mỹ tục có thể tác động tiêu cực đến tâm lý của các bạn trẻ, tác động tiêu cực đến đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục nên những người “mang rác” lên không gian mạng cần phải bị lên án và xem xét xử lý bằng chế tài của pháp luật.

Với những trường hợp cố tình tạo ra những scandal để được nổi tiếng, gây chú ý hoặc để trục lợi thì đó là những hành vi rất phản cảm, đáng lên án. Cơ quan chức năng có thể vào cuộc làm rõ nội dung phản cảm của những bài hát, những chương trình phát trực tiếp trên không gian mạng của một số người để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Những hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân hoặc những hành vi bịa đặt, xuyên tạc, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, những thông tin sai sự thật và kể cả những tác phẩm văn hóa nghệ thuật, những bài hát dung tục, phản cảm, không phù hợp với chuẩn mực đạo đức thì cũng buộc phải gỡ bỏ, cải chính, người vi phạm sẽ bị xử lý".

(Còn nữa)

Kỳ 1: Kiếm tiền bất chấp từ lùm xùm tình ái
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động