Kỳ cuối: Xóa sổ thông tin độc hại cần sự chung tay của cả cộng đồng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
ViruSs nhận được nhiều quà tặng ảo có giá trị lớn trong các phiên livestream |
Người nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội phải có phẩm chất đạo đức hành nghề
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, cần xem xét sáng tạo nội dung là một nghề đòi hỏi những chuẩn mực đạo đức khắt khe. Ngoài những kỹ năng nghề nghiệp, người nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội phải có phẩm chất đạo đức hành nghề.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, nhiều buổi livestream có quy mô lớn, sức ảnh hưởng không khác gì các buổi họp báo nhưng không cần xin phép, không bị quản lý về nội dung. Chúng ta đề cao tự do thông tin nhưng nếu đó là những thông tin đầu độc giới trẻ, hủy hoại lý tưởng thì cần phải quản lý, định hướng và xử phạt nếu vi phạm.
“Người nào càng nổi tiếng, càng phải có trách nhiệm với cộng đồng. Cần phải có cơ chế giám sát những người này, yêu cầu phải chịu trách nhiệm về thuế kể cả tiền thưởng, tiền tặng; càng nổi tiếng mà bị vi phạm thì xử phạt càng nặng, thậm chí là khóa tài khoản hoạt động, nhằm răn đe và tạo môi trường mạng xã hội lành mạnh”, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Theo nhiều chuyên gia, cần định nghĩa lại thuật ngữ "showbiz" để xem ai được coi là người nổi tiếng, nghệ sĩ, KOLs (người có sức ảnh hưởng),... thực sự. Nếu chỉ dùng chiêu trò để trở nên nổi tiếng, đường đường chính chính bước vào showbiz rồi trở thành nghệ sĩ, đặt ngang hàng với những nghệ sĩ chân chính thì sẽ dễ dẫn đến hiện tượng “loạn showbiz”. Điều đó cũng cho thấy công chúng đang quá “nuông chiều” và dễ dãi với những chiêu trò. Khi đã có các tiêu chí chính thống cụ thể thì cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào đó để xử lý những trường hợp vi phạm, đồng thời thúc đẩy những ai là người nổi tiếng, nghệ sĩ, KOLs,... hoạt động nghiêm túc, ứng xử văn minh.
Người nổi tiếng có "trụ" được trong nghề lâu hay không phụ thuộc rất nhiều vào công chúng. Sự ủng hộ của công chúng sẽ giúp một người từ bình thường trở nên nổi tiếng và ngược lại, sự tẩy chay của công chúng với những người nổi tiếng có hành vi sai trái cũng sẽ khiến cho họ mất tất cả. Vì vậy, với những nghệ sĩ vi phạm quy tắc chuẩn mực đạo đức, nghề nghiệp hay những người nổi tiếng có những phát ngôn, chiêu trò phản cảm để tạo sự chú ý, kiếm tiền, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội thì công chúng cần áp dụng “quyền phong sát”, nên án, tẩy chay mạnh mẽ.
“Vắc-xin” hiệu quả để chống lại drama độc hại
Không chỉ người ảnh hưởng, các nền tảng mạng xã hội cũng góp phần không nhỏ vào việc khuếch đại những drama tiêu cực. Thuật toán của họ ưu tiên tăng lượt xem, tương tác mà bỏ qua những tác động tiêu cực đến cộng đồng, dẫn đến việc lan rộng những chiêu trò câu view phản cảm.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, chính sự lan rộng của những nội dung độc hại trên mạng xã hội đang tạo ra một hiệu ứng dây chuyền, bào mòn những giá trị văn hóa, thẩm mỹ tốt đẹp trong giới trẻ, khiến họ dễ dàng bị cuốn theo những trào lưu lệch lạc. Sâu xa hơn, thực trạng này còn ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của đất nước.
“Chúng ta đang phải đối mặt với một nghịch lý, trong khi cả thế giới đang chứng kiến cuộc cách mạng về công nghệ đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao thì Việt Nam lại thiếu hụt những chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và khoa học cơ bản. Phải chăng, một phần nguyên nhân nằm ở việc giới trẻ đang bị cuốn hút bởi những câu chuyện phù phiếm, những drama trên mạng xã hội thay vì tập trung vào những lĩnh vực quan trọng, có tính xây dựng và đóng góp cho xã hội?”, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết.
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, để chống lại các thông tin độc hại trên mạng xã hội, cần có sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông chính thống và giáo dục cộng đồng. Tuy truyền thông chính thống không thể chạy theo tốc độ viral của mạng xã hội, nhưng lại sở hữu sức mạnh định hướng tư tưởng và thông tin. Bên cạnh đó, mỗi người khi sử dụng mạng xã hội nên là những người dùng thông minh, biết phân biệt đúng sai, tốt xấu, tránh bị lôi kéo bởi nội dung tiêu cực, lãng phí thời gian và tiền bạc.
"Việc xây dựng các chiến lược giáo dục cộng đồng về quy tắc ứng xử trên mạng, giúp người dùng nhận thức rõ trách nhiệm của mình là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, việc tăng cường giáo dục cho giới trẻ về kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh, biết phân biệt đúng sai, tốt xấu, tránh bị lôi kéo bởi nội dung tiêu cực cũng là một biện pháp thiết yếu.
Để đạt được hiệu quả tối ưu, sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, định hướng cho giới trẻ sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả là điều không thể thiếu. Chỉ khi cùng nhau hành động, tạo ra một môi trường mạng xã hội lành mạnh, chúng ta mới có thể giúp giới trẻ phát huy tài năng, cống hiến cho xã hội và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn", PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, giảng viên luật hình sự, Khoa Luật và Lý luận chính trị của Trường Đại học Thủy Lợi cũng cho rằng, ngoài khung pháp lý, điều cần thiết là xây dựng hệ sinh thái văn hóa số lành mạnh, trong đó người nổi tiếng phải có trách nhiệm với sức ảnh hưởng của mình và người xem cũng phải biết cách chọn lọc, tiêu thụ thông tin một cách thông minh.
Về cách xử lý phát ngôn và nội dung livestream của ViruSs với một số TikToker, nghệ sĩ khác thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận, tạo ra làn sóng tranh luận gay gắt trên mạng xã hội, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết, vụ việc đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch giao cho Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử xác minh, xử lý. Do đó, Sở sẽ thực hiện theo chỉ đạo từ cấp trên nếu có yêu cầu xử lý cụ thể. Ngoài vụ việc trên, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh rằng TP đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm trên mạng xã hội, không chỉ giới hạn ở người nổi tiếng. Theo Nghị định 147/2024/NĐ-CP, mọi cá nhân và tổ chức khi sử dụng mạng xã hội đều có trách nhiệm: Tuân thủ quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội; chịu trách nhiệm về nội dung đăng tải, truyền đưa; chủ tài khoản, chủ kênh nội dung, trang cộng đồng có nghĩa vụ kiểm soát, gỡ bỏ nội dung vi phạn pháp luật Livestream phải tuân thủ quy định, đặc biệt với nội dung mang tính thương mại hoặc xuyên biên giới, tài khoản cần được xác thực danh tính. Những nội dung livestream mang tính kích động, công kích cá nhân hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng có thể bị xử lý theo quy định pháp luật. Bên cạnh các quy định pháp lý, năm 2021, cơ quan chức năng (khi đó là Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (Quyết định 874/QĐ-BTTTT) để hướng dẫn tổ chức, cá nhân sử dụng mạng có trách nhiệm. Một số nguyên tắc quan trọng, gồm: Tôn trọng, tuân thủ pháp luật, không đăng tải nội dung vi phạm; ứng xử lành mạnh, phù hợp với đạo đức, văn hóa Việt Nam; không sử dụng ngôn từ kích động, gây thù hận, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, tổ chức khác; khuyến khích chia sẻ thông tin tích cực, bảo vệ trẻ em khỏi nội dung độc hại. Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho hay, thời gian tới, công tác kiểm soát nội dung trên mạng xã hội sẽ được tăng cường để đảm bảo một môi trường trực tuyến an toàn, lành mạnh. Những trường hợp vi phạm sẽ bị xem xét xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. |
Kỳ 1: Kiếm tiền bất chấp từ lùm xùm tình ái | |
Kỳ 2: Cộng đồng mạng càng dễ dãi, drama càng sinh sôi, náo loạn | |
Kỳ 3: Mọi hành vi của các chủ thể trên không gian mạng đều phải tuân thủ pháp luật |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại