Thứ sáu 24/01/2025 00:35
Thiếu sân chơi tại các chung cư ở Hà Nội:

Kỳ 3: Quỹ đất dành cho sân chơi chưa được chủ đầu tư quan tâm?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo kết quả khảo sát chung cư cao tầng tại Hà Nội, hệ số sử dụng đất và mật độ xây dựng có xu hướng tăng cao. Điều này cũng có nghĩa là nguy cơ sân chơi, không gian sinh hoạt cộng đồng, cây xanh… biến mất ngày càng lớn.
Một khu “sân chơi” hiếm hoi trong KĐT Trung Hoà – Nhân Chính. Ảnh: Duy Linh
Một khu “sân chơi” hiếm hoi trong KĐT Trung Hòa - Nhân Chính. Ảnh: Duy Linh

Hệ số sử dụng đất và mật độ xây dựng có xu hướng tăng cao

Tại Khu đô thị Linh Đàm, trước đây theo quy hoạch chung, dự án có quy mô 200ha bao gồm ba dự án thành phần: Khu nhà ở Bắc Linh Đàm, Khu nhà ở bán đảo Linh Đàm và Khu nhà ở Linh Đàm mở rộng.

Dự án có quy mô dân số 25.000 người, diện tích sàn 990.000m2 là dự án thí điểm đầu tư đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Toàn bộ dự án khu hồ Linh Đàm được quy hoạch xây dựng theo mô hình đô thị hiện đại kết hợp với nét đặc trưng phản ánh đặc điểm và bản sắc văn hóa dân tộc Việt, cảnh quan đô thị hài hòa với cảnh quan chung của toàn vùng.

Tổng diện tích cây xanh của khu đô thị hơn 31,5ha, chỉ tiêu cây xanh tính trên đầu người rất cao và có cảnh quan hấp dẫn. Các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ công cộng đồng bộ, với gần 4.000 căn nhà xây mới, trong đó có hơn 3.150 căn hộ chung cư cao tầng phục vụ hàng chục nghìn người dân Thủ đô đến định cư.

Tuy nhiên, sau khi phê duyệt hàng loạt các tổ hợp chung cư sau đó, quy hoạch được thay đổi đã bào mòn nghiêm trọng không gian vui chơi, cây xanh.

Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính cũng diễn ra tình trạng tương tự khi mật độ xây dựng là 41,06%, hệ số sử dụng đất 2,7 lần, nhưng tại nhiều lô đất ở, con số này đã vượt quy chuẩn cho phép.

Trên đường Hoàng Đạo Thuý, chung cư cao cấp N05 Đông Nam Trần Duy Hưng gồm cụm công trình tổ hợp 4 tòa nhà cao tầng với diện tích 2,968 ha. Khu dự án gồm 2 khối nhà cao 25 tầng và 2 khối nhà cao 29 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng là 176.978m2 (không tính tầng kỹ thuật và tầng hầm).

Diện tích sàn công cộng là 40.092m2; diện tích đất xây dựng công trình là 6.682m2; diện tích quảng trường, cây xanh đường nội bộ là 15.795m2; diện tích sàn chung cư là 138.070m2; chiều cao tầng: 2 tòa 29 tầng (29T1 và 29T2) và 2 tòa 25 tầng (25T1 và 25T2); hệ số sử dụng đất vượt 6 lần quy chuẩn cho phép.

Hoặc như nhiều các khu chung cư có dành diện tích cho sân chơi trẻ em, tuy nhiên bị sử dụng vào mục đích khác hoặc… phá đi để dành chỗ để xe.

Diện tích cây xanh, vườn hoa “mọc” lên tổ hợp nhà hàng ăn uống, quán nhậu…

Trong các chung cư hiện nay, hầu hết vườn hoa, sân chơi đều kém an toàn, hạn chế về tiện ích và được đầu tư ở mức cho có hoặc chiếu lệ. Khi bán nhà, các chủ đầu tư luôn quảng cáo rầm rộ về các tiện ích đi kèm như nơi vui chơi công cộng, khu sân vườn rộng rãi dành cho trẻ em.

Nhưng trên thực tế, phần lớn diện tích này lại là khu kinh doanh, buôn bán, trông giữ ô tô, xe máy. Tình trạng phát triển chung cư cao cấp, trung tâm thương mại trên “đất vàng” theo kiểu “xôi đỗ”, không liên kết và có sự tương thích với vườn hoa, sân chơi khiến hạng mục này đã thiếu lại ngày càng hiếm.

Tại khu Trung Hòa - Nhân Chính (Cầu Giấy), diện tích cây xanh, vườn hoa rộng hơn 1 ha phục vụ nhu cầu giải trí, sân chơi cho người dân, trẻ em ở các tòa nhà chung cư khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng bỗng “mọc” lên tổ hợp nhà hàng ăn uống, quán nhậu…

Tại các tòa nhà NO3, NO4 chung cư Làng quốc tế Thăng Long (quận Cầu Giấy), toàn bộ sân trước cũng bị biến thành điểm trông giữ xe hoặc nơi bày bán cà phê, chỉ còn một phần diện tích nhỏ để mỗi sáng, chiều, các em nhỏ, người già tập luyện thể dục thể thao với 3 - 5 dụng cụ...

Hay tại khu vực khu đô thị Văn Khê (quận Hà Đông), hàng loạt dãy nhà như CT1, CT2 đang mọc lên các quán bia, nhà hàng, quán nướng… hàng ngày tấp nập người ra vào, chiếm trọn một diện tích lớn tại tầng 1 của tòa nhà.

Thậm chí, việc quỹ đất dành cho sân chơi hình như không phải là điều mà nhiều chủ đầu tư quan tâm cho lắm. Thậm chí có nhiều chủ đầu tư sẵn sàng “treo đầu dê, bán thịt chó” với lời hứa hẹn trước khi khách hàng đặt bút ký mua bán căn hộ là đủ tiện ích, có sân chơi cho trẻ em…. Thế nhưng khi đến nhận nhà và dọn vào ở thì mới vỡ lẽ, cái sân chơi ấy chỉ nằm trên giấy.

Hẳn người dân sống ở chung cư Vesta còn nhớ câu chuyện xảy ra giữa cư dân hai tòa nhà V3 và V6 thuộc chung cư The Vesta với Chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư Hải Phát - Hải Phát Invest vào tháng 9/2020. Theo đó, Công ty Hải Phát đã xây dựng hai khu vui chơi tại đây với nhiều thiết bị cho trẻ em từ tháng 1/2018. Khi đó, khu chung cư này còn nhiều căn hộ chưa bán được. Và khi phần lớn các căn hộ đã bán được thì chủ đầu tư lại động tay phá bỏ với cái cớ: thực hiện đúng quy hoạch được phê duyệt bởi vị trí đó là bãi đỗ xe.

Thời điểm đó, đại diện cho biết, ô đất hơn 2.000 m2 này vốn thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư và được Sở Quy hoạch Kiến trúc duyệt quy hoạch là bãi đỗ xe. Điều đáng nói là trong quá trình triển khai xây dựng dự án, chủ đầu tư đã tự điều chỉnh một phần bãi đỗ xe thành cảnh quan chung, sân chơi trẻ em. Việc điều chỉnh này là không đúng với quy hoạch được duyệt (?!).

Hoặc như mới đây, việc tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư vẫn chưa dừng lại tại dự án Nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm. Người dân ở đây cho biết, phần diện tích theo quy hoạch làm sân chơi, đường đi đang bị chủ đầu tư chiếm dụng làm chỗ đỗ xe.

Cụ thể, theo hồ sơ quy hoạch dự án và hồ sơ hoàn công các hạng mục thuộc phạm vi dự án Tòa nhà và hồ sơ bàn giao hệ thống hạ tầng kỹ thuật được Chủ đầu tư - Công ty Cổ phần BIC Việt Nam bàn giao cho Ban Quản trị tòa nhà thì khu đất khuôn viên sân vườn cảnh quan của tòa nhà thuộc diện tích sử dụng chung của cư dân.

Mặc dù chủ đầu tư bàn giao toàn bộ hệ thống kỹ thuật gắn liền với khu khuôn viên: Hệ thống cáp ngầm hạ tầng kỹ thuật, điện chiếu sáng, cây xanh…nhưng chủ đầu tư lại chiếm dụng toàn bộ diện tích khu vực khuôn viên sân vườn thuộc diện tích sử dụng chung của cư dân để kinh doanh trái phép bằng hình thức cho đơn vị khác thuê làm bãi đỗ xe ô tô và ki-ốt kinh doanh bán hàng.

(Còn nữa)

Kỳ 1: “Quên” đầu tư cho hạ tầng, sân chơi dần “biến mất”
Kỳ 2: “Bí bách” vì không có chỗ thư giãn, vui chơi
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động