Thứ năm 23/01/2025 06:26
Đấu tranh, phòng ngừa thanh thiếu niên vi phạm pháp luật

Kỳ 3: Xây dựng phương án phòng ngừa, ngăn chặn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo Công an TP Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến tình hình phạm tội của người chưa thành niên chủ yếu xuất phát từ gia đình, nhà trường và xã hội. Cùng với đó là sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự phát triển của các trang mạng xã hội, nhiều trò chơi điện tử, phim, ảnh không lành mạnh, bạo lực... đăng tải tràn lan, thiếu kiểm soát.
Công an quận Tây Hồ, Hà Nội tích cực tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh trên địa bàn quận. Ảnh: CQCA
Công an quận Tây Hồ, Hà Nội tích cực tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh trên địa bàn quận. Ảnh: CQCA

Khởi tố nhiều đối tượng gây rối trật tự công cộng

Mặc dù công tác nắm tình hình đã được CATP Hà Nội chú trọng, triển khai thực hiện nghiêm túc, song đa phần các đối tượng trao đổi, liên lạc trên không gian mạng. Đây là môi trường rộng lớn, việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ trên không gian mạng để nắm tình hình, điều tra cơ bản các hội, nhóm, tài khoản trên không gian mạng, phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này là rất khó khăn.

Mới đây, CA quận Tây Hồ phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS)- CATP Hà Nội bắt giữ 11 đối tượng có hành vi gây rối trật tự công cộng. Cụ thể, khoảng 2h ngày 2/9/2024, các đối tượng tụ tập tại khu vực đường Xoài, xã Hạ Lôi, huyện Mê Linh, Hà Nội mang theo dao, kiếm, tuýp sắt… sử dụng xe máy đã tháo biển số đi “lượn phố”, đánh nhau.

Trước đó, vào giữa tháng 7/2024, CA huyện Phúc Thọ, Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 42 đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Được biết, trong quá trình tuần tra trên địa bàn xã Phụng Thượng, tổ công tác CA huyện Phúc Thọ phát hiện một nhóm thanh niên đi xe máy, mang theo hung khí: tuýp sắt, phóng lợn, di chuyển theo hướng Hà Nội – thị xã Sơn Tây, chạy xe với tốc độ cao, lạng lách đánh võng, gây mất an ninh trật tự. Khi phát hiện thấy lực lượng CA, các đối tượng tăng ga bỏ chạy.

Ngay sau đó, tổ công tác của CA huyện phối hợp với CA xã Phụng Thượng và CA các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tổ chức điều tra, làm rõ được 2 nhóm tham gia tụ tập đánh nhau. Nhóm thứ nhất do V.D.Đ, SN 2008, trú tại xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ cầm đầu, gồm 37 đối tượng. Nhóm thứ hai do C.V.T, SN 2006, trú tại xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ cầm đầu, gồm 12 đối tượng.

Căn cứ vào tài liệu thu thập được, CA huyện Phúc Thọ xác định do mâu thuẫn cá nhân nên V.D.Đ và C.V.T đã rủ thêm các thanh niên khác để tham gia đánh nhau. Các đối tượng mang theo nhiều hung khí như dao, tuýp sắt, phóng lợn, gậy gỗ, gạch đá, vỏ chai bia…

Ngoài quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, CA huyện Phúc Thọ đã đề nghị UBND cấp xã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với 7 đối tượng khác ở độ tuổi dưới 16 tuổi.

42 đối tượng là thanh thiếu niên đánh nhau, gây rối trật tự công cộng bị công an huyện Phúc Thọ, Hà Nội ra quyết định khởi tố. Ảnh: CQCA
42 đối tượng là thanh thiếu niên đánh nhau, gây rối trật tự công cộng bị công an huyện Phúc Thọ, Hà Nội ra quyết định khởi tố. Ảnh: CQCA

Tăng cường tuyên truyền pháp luật

Vừa qua, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Nâng cao công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên trong tình hình hiện nay”. Đại diện CATP Hà Nội cho biết, sở dĩ tội phạm thanh thiếu niên vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng chủ yếu xuất phát từ gia đình, nhà trường và xã hội…

Song, công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội trong việc giáo dục, ngăn ngừa người chưa thành niên phạm tội chưa đạt hiệu quả cao. Việc trao đổi thông tin giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội còn chưa chặt chẽ dẫn đến việc không kịp thời phát hiện, ngăn chặn người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Công tác phối hợp quản lý, giáo dục lý tưởng, đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm công dân cho học sinh ở một số đơn vị chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được vai trò của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc CATP Hà Nội thông tin, thời gian qua, tại tất cả các tuyến phố trung tâm, khu vực giáp ranh, địa bàn trọng điểm, lực lượng CSHS thuộc CA các quận, huyện và thị xã kết hợp chặt chẽ với 5 tổ công tác đặc biệt của Phòng CSHS - CATP Hà Nội cũng như lực lượng 141 tập trung phòng, chống thanh, thiếu niên điều khiển xe máy phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng. Cùng với đó, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chủ động nắm tình hình trên không gian mạng để kịp thời phát hiện những ổ, nhóm thanh, thiếu niên hư, tụ tập nhau đi gây rối, cướp tài sản…

Lãnh đạo CATP Hà Nội yêu cầu, các đơn vị chức năng khi nắm được thông tin các vụ việc, cần gọi hỏi, răn đe đối tượng cầm đầu; phải phân hóa, cô lập các đối tượng này, tránh tổn thương và không phát sinh các vụ việc. Thay vì dùng giải pháp trực tiếp, cần đấu tranh khôn khéo; đẩy mạnh triển khai lực lượng hóa trang kết hợp công khai nhằm ngăn chặn những nhóm thanh thiếu niên có biểu hiện đua xe và cổ vũ đua xe trái phép. Phân công tổ công tác thường xuyên tiến hành tuần tra, kiểm soát ban đêm tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, chủ động phòng ngừa, phát hiện, phối hợp ngăn chặn tội phạm.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị chức năng: cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cảnh sát hình sự để trao đổi thông tin, xây dựng phương án tuần tra, kiểm soát; phát hiện, ngăn chặn các vụ việc xảy ra trên các tuyến giao thông. Cùng với đó, các phòng nghiệp vụ tập trung nắm tình hình, nhận diện các đối tượng cầm đầu, các nhóm đối tượng có biểu hiện đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng. Từ đó, tham mưu CATP xây dựng phương án phòng ngừa, ngăn chặn; tổ chức tuần tra kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. CATP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, quan tâm chỉ đạo các phòng giáo dục, cơ sở giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là pháp luật hình sự đối với các hành vi, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, không có bạo lực và tệ nạn xã hội; phối hợp chặt chẽ lực lượng CA cơ sở trong trao đổi thông tin về học sinh cá biệt, có biện pháp quản lý, phòng ngừa, không để học sinh vi phạm pháp luật…

(Còn nữa)

Kỳ 1: Gia tăng tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội
Kỳ 2: Giáo dục pháp luật phát huy hiệu quả
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động