Thứ bảy 22/02/2025 06:35
“Bẫy tâm linh” thời công nghệ

Kỳ 4: Khi niềm tin tâm linh bị lợi dụng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trước sự sôi động của thị trường dịch vụ tâm linh trên không gian mạng. Lực lượng chức năng ở các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo cũng như bắt giữ, xử lý hình sự nhiều đối tượng, ổ nhóm lợi dụng tâm linh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thế nhưng, vì lợi nhuận của việc “buôn thần, bán thánh”, nhiều đối tượng vẫn thực hiện hành vi phạm tội khiến nhiều nạn nhân mê muội sập bẫy.
1.	Đối tượng Uông Huy Hoàng tại Cơ quan Công an. Ảnh CQCA
Đối tượng Uông Huy Hoàng tại Cơ quan Công an. Ảnh: CQCA

Vô công rồi nghề thành “thầy bói” rởm

Thông tin từ Công an (CA) huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, vào tháng 8/2024, qua công tác nghiệp vụ nắm tình hình trên không gian mạng đơn vị phát hiện có đối tượng lợi dụng vấn đề mê tín, dị đoan để hoạt động lừa đảo trên không gian mạng. Qua điều tra ban đầu, phát hiện nhiều nhóm kín trên nền tảng mạng xã hội facebook mang tên “Giải trừ bùa ngải - tâm linh” với số lượng thành viên từ 70.000 đến 200.000 tài khoản facebook tham gia.

Trong các nhóm kín này đối tượng lợi dụng những người có nhu cầu đặt bùa, yểm bùa hoặc hóa giải bùa ngải thì sẽ sử dụng tài khoản facebook ảo để tiếp cận bị hại. Sau đó dẫn dắt bị hại đến tài khoản zalo ảo để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau khi nắm được quy luật hoạt động của đối tượng, CA huyện Văn Lãng đã xác lập chuyên án để tập trung xác minh, đấu tranh. Áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đã xác định được đối tượng thực hiện các hành vi lừa đảo hoạt động tại khu vực huyện Thường Tín, Hà Nội. Qua rà soát, sàng lọc đối tượng tại địa bàn thấy nổi lên đối tượng Uông Huy Hoàng, SN 1987, trú tại xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Tại CQCA, Uông Huy Hoàng khai nhận do không có việc làm ổn định, ham chơi, lười lao động nên đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bản thân Hoàng không có các khả năng làm bùa, giải trừ bùa ngải, xem bói mà đã lên các hội nhóm để lấy những thông tin về cách làm lễ tâm linh, mua các tài khoản facebook ảo ở trên mạng. Sau đó, Hoàng sử dụng các tài khoản này để vào các hội nhóm “Giải trừ bùa ngải - tâm linh” trên mạng xã hội facebook để tìm các “con mồi” là những người có nhu cầu làm bùa ngải hay giải trừ bùa ngải.

Đối tượng sử dụng các tài khoản facebook này để đóng vai là người đã được làm bùa hoặc giải trừ bùa để dẫn dụ các bị hại, sau đó gửi zalo của mình cho bị hại để bị hại kết bạn với mình ở mạng xã hội zalo. Sau khi kết bạn với bị hại, Hoàng đóng vai làm “thầy” có thể giải trừ bùa hoặc làm bùa theo yêu cầu.

Nếu thấy bị hại là người mê tín và rất tin tưởng thì Hoàng sẽ yêu cầu bị hại phải cúng búp bê bằng vàng thật, tương ứng từ 1 đến 2 cây vàng, nếu không cúng thì bùa ngải sẽ không linh nghiệm, gây ảnh hưởng xấu đến gia đình. Hoàng hứa sau khi cúng xong sẽ trả lại vàng cho bị hại và lấy tiền công rất ít. Sau khi các bị hại tin tưởng chuyển số tiền tương ứng từ 1 đến 2 cây vàng, Hoàng đều rút ra và sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân.

Quá trình điều tra ban đầu xác định từ khoảng tháng 7/2023 đến khi bị bắt, bằng phương thức, thủ đoạn trên, Hoàng đã thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hơn 70 bị hại tại các tỉnh, thành trên cả nước và người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Tổng số tiền chiếm đoạt khoảng 900 triệu đồng.

2.	Đối tượng Nguyễn Văn Kiên cầm đầu đường dây bán “bùa ngải” chiếm đoạt trên 86 tỷ đồng. Ảnh: CQCA
Đối tượng Nguyễn Văn Kiên cầm đầu đường dây bán “bùa ngải” chiếm đoạt trên 86 tỷ đồng. Ảnh: CQCA

Hàng nghìn người bị lợi dụng niềm tin tâm linh

Trước đó, vào tháng 5/2024, CA thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An cũng đã phá thành ổ nhóm chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng mạng xã hội dưới hình thức bán “bùa ngải”; bắt giữ 4 đối tượng gồm: Nguyễn Văn Kiên, SN 1987; Lê Thị Lan, SN 1985 là vợ Kiên, cùng trú tại xã Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa; Vy Thị Hường, SN 1963 là mẹ vợ của Kiên, trú tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An và Lê Đình Quý, SN 1991, trú tại phường Lê Lợi, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.

CA thị xã Thái Hòa cho biết, qua công tác trinh sát, lực lượng CA phát hiện một ổ nhóm chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bằng hình thức bán “bùa ngải”, đối tượng cầm đầu là Nguyễn Văn Kiên với những biểu hiện bất minh về kinh tế nên đã xác lập chuyên án đấu tranh.

Khi đã có đầy đủ chứng cứ, Ban chuyên án quyết định phá án. Ngày 19/5/2024, CA thị xã Thái Hòa triển khai lực lượng, đồng loạt bắt, khám xét tại 3 địa điểm gồm: thị xã Thái Hòa, Quỳ Hợp và TP Vinh, bắt giữ 3 đối tượng gồm: Nguyễn Văn Kiên, Vy Thị Hường và Lê Đình Quý - là nhân viên bưu cục, điểm giao hàng Viettel Post tại thị xã Cửa Lò về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thu giữ 1 máy tính xách tay, 10 điện thoại di động, các “bùa ngải”, vật dụng để làm “bùa ngải” và các sổ sách ghi bằng tiếng dân tộc…

3.	Số “bùa ngải” của nhóm Nguyễn Văn Kiên bị Cơ quan Công an thu giữ. Ảnh: CQCA
Số “bùa ngải” của nhóm Nguyễn Văn Kiên bị Cơ quan Công an thu giữ. Ảnh: CQCA

Tại CQĐT, các đối tượng khai nhận đã sử dụng nhiều số điện thoại, đăng ký nhiều nền tảng mạng xã hội như: telegram, facebook, zalo… để rao bán các loại “bùa ngải”, như: “bùa giữ người yêu”, “bùa giữ vợ, giữ chồng”, “bùa ghét”, “bùa nghe lời”, “bùa làm ăn”… với giá từ 9,9 triệu đồng đến 10,9 triệu đồng đồng/1 “bùa”. Sau khi có người kết nối, đối tượng sẽ tiến hành làm “bùa” từ ngải cứu, gừng, muối, lá thảo mộc… và gửi cho bị hại.

Quá trình đấu tranh, CQCA làm rõ ngoài 3 đối tượng trên còn có Lê Thị Lan cùng tham gia quá trình hoạt động phạm tội. Tại thời điểm bắt giữ, Lê Thị Lan đang ở nước ngoài. Bằng các biện pháp nghiệp vụ và vận động thông qua người thân, gia đình, ngày 3/6/2024, Lê Thị Lan đã về nước, đến CA thị xã Thái Hòa đầu thú và khai báo toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Qua tài liệu điều tra, bước đầu xác định từ năm 2018 cho đến khi bị bắt các đối tượng đã thực hiện việc bán “bùa ngải” cho hàng nghìn người trên khắp cả nước, tổng số tiền thu lợi hơn 86 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Công an thị xã Thái Hòa, các đối tượng đã lợi dụng niềm tin tâm linh của người dân để lừa đảo. Do đó, người dân cần tỉnh táo, cảnh giác trước các dịch vụ tâm linh lợi dụng mê tín dị đoan để trục lợi, đừng để niềm tin tâm linh của mình bị lợi dụng. Không tin vào những đồn thổi, bói toán vô căn cứ để làm tổn hại kinh tế, nảy sinh tâm lý hoang mang và ỷ lại, trông chờ vào vận may từ các loại bùa phép không có thực dẫn đến những hậu quả khó lường. Những điều tốt lành, sự may mắn chỉ đến với mỗi người khi có tư duy tích cực, có hành động đúng đắn và lối sống lành mạnh.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Các chiêu trò lừa đảo “nở rộ”
Kỳ 2: Sập bẫy vì niềm tin mù quáng
Kỳ 3: Phối hợp chặt chẽ với các nền tảng trực tuyến
Lê Mận
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động