Thứ năm 23/01/2025 20:17
Khơi nguồn sáng tạo giá trị di sản công nghiệp Hà Nội:

Kỳ 4: Tái thiết di sản công nghiệp từ góc độ quản lý và sáng tạo

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thống kê trên địa bàn Hà Nội có khoảng 185 công trình công nghiệp, trong đó 95 công trình còn hiện hữu, 90 công trình đã bị phá hủy, chuyển đổi. Theo Quyết định số 3952/QĐ-UBND ban hành Danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn TP Hà Nội (đợt 1), có 9 nhà máy cũ di dời ra khỏi nội đô đã mở ra quỹ đất rất lớn cho TP. Đây là cơ hội để Hà Nội tái thiết công trình cũ thành không gian sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa.
-	TS.KTS Đinh Thị Hải Yến trao đổi các vấn đề tái thiết di sản công nghiệp tại Hà Nội            Ảnh: Mộc Miên
TS.KTS Đinh Thị Hải Yến trao đổi các vấn đề tái thiết di sản công nghiệp tại Hà Nội. Ảnh: Mộc Miên

Tại sao phải tái thiết di sản công nghiệp?

Theo TS.KTS Đinh Thị Hải Yến, tiến bộ công nghệ cũng như những thay đổi trong xu hướng kinh tế đã khiến nhiều khu công nghiệp bị bỏ hoang, đặc biệt là những khu vực nằm gần trung tâm TP. Những địa điểm này dần trở thành những khu vực đáng mơ ước của TP để tái thiết đô thị.

Tại Hà Nội bên cạnh hệ thống cây xanh, mặt nước thì quỹ đất công trình công nghiệp là không gian còn trống lớn hiếm hoi của TP thích ứng cho việc tái thiết cho các chức năng yêu cầu quy mô lớn cũng như các chức năng hạn chế xu hướng nén đô thị và gây chất tải hạ tầng. Tuy nhiên, với những vị trí đắc địa, giá trị địa tô lớn quỹ đất này cũng là đối tượng tìm kiếm và mong muốn sở hữu của các nhà đầu cơ bất động sản.

Trước quyết định số 3952/QĐ-UBND ban hành Danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn TP Hà Nội (đợt 1), Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Nhà máy bia Hà Nội là hai trong số 9 công trình công nghiệp khác sẽ phải di dời. Từ hiệu ứng của Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 với địa điểm tổ chức chính tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thu hút khoảng 200.000 lượt khách tham quan một lần nữa khẳng định giá trị di sản công nghiệp vẫn có sức sống trong đời sống hiện đại.

TS.KTS Đinh Thị Hải Yến tán thành chủ trương di dời các hoạt động sản xuất ô nhiễm ra ngoài thành phố của Chính phủ và TP Hà Nội. Tuy nhiên, việc di dời được hiểu chính xác là di dời hoạt động sản xuất, không nhất thiết phải phá bỏ các nhà máy. Cùng với đó là sử dụng quỹ đất nhà máy, bao gồm các công trình kiến trúc cho mục đích công cộng là xu hướng kinh tế toàn cầu.

“Quỹ đất trong nội thành Hà Nội sẽ không bao giờ sinh sôi được nữa và một khi đã được chuyển đổi cho tư nhân thì cơ hội lấy lại của Nhà nước gần như bằng 0. Vì vậy, cần quyết tâm giữ các quỹ đất nhà máy cho các mục đích sử dụng công cộng nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng sống người dân đô thị”, TS.KTS Đinh Thị Hải Yến bày tỏ.

Thực tế, cuộc khảo sát trước đó đối với các nhà máy cũ thuộc diện chuyển đổi tại hai quận Đống Đa và Hai Bà Trưng của PPWG (Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân) cho thấy, quá trình triển khai đã không đạt mục tiêu và chủ trương ban đầu của Chính phủ và TP Hà Nội. Đã có 26/29 nhà máy trở thành các chung cư, nhà ở thương mại và dịch vụ hỗn hợp thay vì các không gian công cộng. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần rà soát lại toàn bộ quá trình thực hiện chủ trương di dời và tái phát triển trên nền các nhà máy để xem xét lý do mục tiêu ưu tiên phát triển không gian công cộng theo kế hoạch ban đầu đã không đạt được, tìm ra các nguyên nhân và rào cản để khắc phục.

Trong số 95 công trình còn hiện hữu tại Hà Nội, có 9 nhà máy cũ thuộc diện di dời khỏi nội đô theo quy hoạch của TP. Hiện nay, nhiều nhà máy có những giá trị di sản về kiến trúc và lịch sử, cần được nghiên cứu để có biện pháp bảo tồn toàn phần, từng phần hoặc theo các hình thức bảo tồn sáng tạo, nhằm giữ lại những dấu ấn của lịch sử trên cấu trúc không gian, góp phần duy trì những đặc trưng và bản sắc đô thị.

Ví dụ, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm qua Tuần lễ Thiết kế Sáng tạo 2023 đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn, mới lạ. Bên cạnh không gian rộng lớn 20ha, các phân xưởng còn giữ nguyên trạng, du khách được trải nghiệm “Tuyến tàu di sản”, kết nối giá trị ký ức và hiện tại.

TS. KTS Đinh Thị Hải Yến kiến nghị, TP Hà Nội cần thực hiện một cuộc khảo sát, kiểm kê, đánh giá và lập danh mục các công trình kiến trúc có giá trị - hạng mục công nghiệp (thực hiện theo Luật Kiến trúc) để TP phê duyệt. Những nhà máy trong danh mục này (có thể được phân nhóm: có giá trị đặc biệt và có giá trị, để có những quy định về bảo tồn phù hợp).

-	Nhà máy bia Hà Nội thuộc diện di dời khỏi nội đô.    Ảnh: Khánh Huy
Nhà máy bia Hà Nội thuộc diện di dời khỏi nội đô. Ảnh: Khánh Huy

Trở thành không gian sáng tạo phục vụ cộng đồng

Trên thế giới hiện nay, xu hướng tái sử dụng thích nghi các nhà máy thành các không gian sáng tạo – không gian công cộng kết hợp bảo tồn, với nhiều giải pháp tổ chức không gian và mô hình quản lý rất thành công. Kể đến là Nhà máy đường Eridania (Italia) được chuyển đổi thành Phòng hòa nhạc Niccolo Paganini; Nhà máy sản xuất xe hơi Fiat (Italia) được chuyển đổi thành trung tâm triển lãm, văn hóa và kỹ thuật Lingotto; Tổ hợp công nghiệp nặng tại TP Duisburg (Đức) chuyển đổi thành công viên văn hóa Duisburg; Tổ hợp công nghiệp Schlumberger (Pháp) chuyển đổi tổ hợp công nghiệp mới.

Do đó, UBND Thành phố Hà Nội cần thực hiện dự án nghiên cứu các mô hình chuyển đổi nhà máy sang các không gian sáng tạo – không gian công cộng để áp dụng trên thực tế.

Bàn về góc độ tái thiết công trình công nghiệp, KTS Đoàn Kỳ Thanh cho biết: “Đề án di dời cảng trên sông Sài Gòn khu vực cảng biển TP Hồ Chí Minh đang triển khai, theo đó, Nhà máy đóng tàu Ba Son nằm trong quy hoạch di dời. Sài Gòn mất đi cảng Ba Son một di sản công nghiệp nằm ngay vùng lõi trung tâm. Đây là một điều tiếc nuối cho người dân Sài Gòn và cả nước. Là một kiến trúc sư tôi không muốn sai lầm lặp lại tại Hà Nội”.

KTS Đoàn Kỳ Thanh phân tích, việc chuyển đổi công năng công trình công nghiệp trở thành nhà chung cư, nhà ở thương mại và dịch vụ hỗn hợp thay vì các không gian công cộng chỉ giải bài toán về lợi ích kinh tế, lợi ích tinh thần bỏ ngỏ.

“Trong quá trình khảo sát công trình công nghiệp có giá trị về mặt di sản cần được chuyển đổi sang chức năng sử dụng đất “phi nhà ở”, thực hiện nghiêm chủ trương ưu tiên phục vụ công cộng, không gian văn hóa, sáng tạo làm cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển”, KTS Đoàn Kỳ Thanh ý kiến.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Sức hút mới của các di sản công nghiệp
Kỳ 2: “Đánh thức” di sản công nghiệp trở thành không gian sáng tạo
Kỳ 3: Hiện thực hóa giấc mơ “quận nghệ thuật sông Hồng”
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động