Thứ sáu 24/01/2025 13:53
Chiến sĩ áo trắng và cuộc chạy đua thu hẹp “vùng đỏ”

Kỳ cuối: Khi chúng tôi trở thành F0

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Làm việc trong môi trường nhiều áp lực bởi nguy cơ lây nhiễm, sự không hợp tác của người dân, những cán bộ, nhân viên y tế lại được thử trách khi trở thành F0, F1. Trong hoàn cảnh ấy, họ thêm lần nữa khẳng định được tinh thần vững vàng để chiến thắng virus, chiến thắng chính mình, tiếp tục công việc vì sức khỏe cộng đồng.
Kỳ cuối: Khi chúng tôi trở thành F0
Sau khi các điểm phong tỏa được gỡ, cuộc sống "bình thường mới" trở lại, nhân viên y tế vẫn tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm định kỳ cho người có nguy cơ như đội ngũ shipper, chuỗi cung ứng (ảnh P.C)

Không ai bi quan, bỏ bê công việc vì lý do “tôi là F1”

Nhớ lại thời điểm trên địa bàn ghi nhận một số trường hợp F0 là nhân viên y tế, ThS-BS. Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh tật và HIV/AIDS cho biết: Mọi người xác định làm công việc này thì có thể lây nhiễm không biết lúc nào. Vì thế, khi nghe tin về một số ca nhiễm ban đầu ở Trạm Y tế phường Văn Chương, những anh em khác chia sẻ với đồng nghiệp chứ không hoang mang. Tất nhiên trong thời điểm đó không tránh khỏi có chút lo lắng bởi ngoài ca trực họ vẫn về nhà, tiếp xúc với mọi người trong gia đình.

“Sau khi xác định mình có tiếp xúc với các đồng nghiệp nhiễm hay không để cách ly. Một số bạn sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính vẫn mặc bảo hộ xuống địa bàn để tiếp tục công việc chứ không ai có tâm lý bi quan, chán nản mà bỏ bê công việc với lý do vì tôi là F1”, BS. Thành nói.

Đặc biệt, ngay cả với những nhân viên y tế nhiễm Covid-19 khi đã được đưa đi điều trị vẫn tiếp tục kết nối để hỗ trợ cho mọi người ở nhà trong các vấn đề về lấy mẫu, điều tra dịch tễ các ca liên quan đến F0 trên địa bàn hoặc các thông tin y tế, quy định bên của UBND phường để tránh làm sai, ảnh hưởng đến người dân; tránh bỏ sót điều tra F0, F1 trên địa bàn phường không đưa đi cách ly kịp thời được.

Đồng thời, ngay sau khi âm tính trở về, kết thúc cách ly y tế tại nhà dù nhiều người sức khỏe chưa bình phục hoàn toàn nhưng ngay lập tức quay trở lại công việc, lăn xả vào công việc.

Là 1 trong số 7 F0 chiến thắng Covid, ngay sau khi kết thúc thời gian cách ly, theo dõi sức khỏe hậu Covid, chị Nguyễn Thị Lanh, Phó trưởng trạm Y tế phường Văn Chương đã trở lại công việc để phần nào giảm bớt áp lực cho đồng nghiệp đã vất vả cáng đáng phần việc của mình suốt thời gian mình đi điều trị. Dù khỏi bệnh nhưng giai đoạn hậu Covid, mỗi lúc đổi thời tiết, trời mưa, ẩm chị Lanh vẫn cảm thấy bí thở, ngực vẫn nghẹn, hô hấp không tốt như bình thường.

“Thực tế sức khỏe mấy chị em chưa hoàn toàn bình phục nhưng các bạn tăng cường rút hết rồi chúng em không đi làm thì không có nhân lực hỗ trợ. Công việc đòi hỏi, đồng nghiệp của mình đang đi làm, chiến đấu mà thấy mình ngồi nhà nhiều thì áy náy-nhất là mấy hôm cao điểm tiêm và xét nghiệm rất cần người. Thế là các chị em động viên dù mệt cũng cố gắng đi làm trở lại để hỗ trợ mọi người vì mình vào viện điều trị còn được nghỉ ngơi chứ anh chị em làm từ đầu dịch không có ngày nghỉ, vất vả quá rồi”, chị Lanh bộc bạch.

Kỳ cuối: Khi chúng tôi trở thành F0
Trong thời gian điều trị, chị Nguyễn Thị Lanh, Phó trưởng trạm Y tế phường Văn Chương luôn cố gắng lạc quan để quay trở lại làm việc, hỗ trợ giảm áp lực cho đồng nghiệp

“Cố gắng không để nó quật ngã mình”

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi nữ Phó trưởng trạm thỉnh thoảng phải dừng lại vì giọng còn bị vướng. Nhớ lại quãng thời gian chiến đấu với virus, chị Lanh tâm sự: Trong số 7 chị em bị nhiễm thì chị cùng 3 đồng nghiệp nữa có triệu chứng nặng. Quãng thời gian 7 ngày chiến đấu với virus cảm giác dài đằng đẵng bởi các cơn sốt cao kéo dài, kèm theo ho nhiều, tức ngực, khó thở.

Lúc ấy mọi người cũng khá lo lắng, suy nghĩ mông lung không biết diễn biến sẽ ra sao. Mấy chị em cùng làm với nhau, đi điều trị cùng nhau nhỡ có ai biến chứng nặng thì thương lắm… Thế là mọi người động viên nhau phải cố gắng luyện thở. Thay phiên nhau người này đỡ sốt thì pha oresol, đưa vitamin cho người kia và ép nhau phải cố uống thật nhiều để giữ sức khỏe.

“Những ngày ấy chúng em còn trêu nhau mình phải vượt qua “em” Vy chứ, chẳng lẽ mình thế này mà để nó hành hạ, cho “ăn chuối cả nải, ăn gà cả con” à?. Tất cả đều phải khỏe mạnh để cùng nhau về tiếp tục làm việc, hỗ trợ anh chị em ở nhà chứ không thể để nó quật mình. Phải cố chiến thắng nó để về với chồng, với con…”, chi Lanh vui vẻ kể.

Câu chuyện được kể lại một cách nhẹ nhàng, đơn giản nhưng thực tế suốt tuần đầu tiên ấy, chị Lanh cùng đồng nghiệp trải qua những nỗi đau về thể xác vì virus hành hạ. “Sốt cao, ho nhiều, đau tức ngực, khó thở… Cảm giác như có gì chèn vào ngực nên phải gồng lên để thở. Lúc đó việc thở cũng rất khó khăn, buổi tối dịch cứ tiết càng khó thở…”, chị Lanh nhớ lại.

Khi bản thân mình mệt mỏi, vật vã nhưng lại có nhiều mối canh cánh trong lòng khi nghĩ đến chồng, con, gia đình hiện cũng đang là F1: Liệu mình có diễn biến nặng lên hay không?; liệu chồng mình có lây nhiễm?; các con còn nhỏ, cha mẹ thì đã có tuổi nếu lây nhiễm thì sẽ ra sao?... Hoặc không biết diễn biến bệnh của bản thân sẽ ra sao, nếu biến chứng nặng thì con còn nhỏ sẽ rất thiệt thòi… Suy nghĩ nhiều xong rồi lại tự nhủ: Dù có thế nào thì cũng cố gắng vì mình chọn nghề rồi, phải có rủi ro, chẳng may ai có trường hợp xấu thì cũng đón nhận.

Và để gia đình yên tâm, mỗi khi mọi người gọi điện hỏi thăm, họ đều bảo rằng mình “vẫn ổn”. Sau đó vợ chồng lại động viên lẫn nhau cùng cố gắng bởi đây là công việc, là điều không ai mong muốn. Cứ như vậy họ là bệnh nhân nhưng vẫn giữ vững tinh thần và truyền sự lạc quan cho người thân đang là F1 để cùng nhau giữ sức khỏe, vượt qua thử thách.

Rất may mắn tất cả đều âm tính và trở về đầy đủ, người thân của họ cũng không ai bị lây nhiễm. Ngay khi vừa kết thúc thời gian cách ly, họ đã tiếp tục trở lại với công việc của mình và không có ý nghĩ từ bỏ, bởi đây là nghề họ đã chọn thì sẽ tiếp tục gắn bó và cống hiến.

Kỳ 2: Những nỗi niềm khi người dân không hợp tác Kỳ 2: Những nỗi niềm khi người dân không hợp tác
Kỳ 1: Không có ngày nghỉ và nỗ lực bằng 200% sức lực Kỳ 1: Không có ngày nghỉ và nỗ lực bằng 200% sức lực
Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động