Kỳ cuối: quyết sách Nghị trường tháo gỡ "điểm nghẽn" từ thực tiễn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào sáng 21/10/2024. |
Chính sách căn cơ giải quyết gốc rễ các vấn đề của người lao động
Về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sau khi tiếp thu, giải trình các nội dung cần sửa đổi, Bộ luật có 4 nhóm nội dung chính. Trong đó, tập trung bổ sung các quy định nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ việc làm, cả việc làm công và việc làm tư đối với nhóm chính sách quản trị nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập…
Với nhóm chính sách bảo hiểm thất nghiệp, dự Luật sửa đổi chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tập trung hỗ trợ hiệu quả cho người lao động thất nghiệp, thúc đẩy trách nhiệm doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Cùng với đó, chế độ bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động, đồng thời tạo thuận lợi cho người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Quốc hội |
Với nhóm chính sách thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững, dự Luật tập trung sửa đổi, bổ sung quy định tạo cơ hội cho tất cả người lao động, không phân biệt có hay không có quan hệ lao động. "Điều này tạo môi trường để người lao động phi chính thức tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, nhất là tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động, tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm, phát triển kỹ năng nghề" - Bộ trưởng cho hay.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) lần này còn bổ sung các quy định chính sách hỗ trợ việc làm cho người yếu thế, đặc thù, như phát huy vai trò lao động của người cao tuổi, sử dụng thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, lao động nghèo, lao động dân tộc thiểu số, lao động nữ… phù hợp với sức khỏe, không trái với quy định pháp luật chuyên ngành.
Dự Luật cũng quy định các chính sách hỗ trợ việc làm phù hợp với xu hướng mới như việc làm xanh, việc làm số, chuyển đổi năng lượng, thích ứng già hóa dân số. Các đại biểu nhấn mạnh, người lao động đang rất kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật Việc làm lần này, do đó Luật cần sửa đổi căn cơ, tổng thể và mang tính toàn diện.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) lần này còn bổ sung các quy định chính sách hỗ trợ việc làm cho người yếu thế. Ảnh: Khánh Huy |
Các giải pháp đưa ra phải bảo đảm việc làm bền vững, hỗ trợ cho người lao động khi gặp khó khăn, giúp hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, giải quyết việc làm cho lao động khu vực phi chính thức, hỗ trợ và đào tạo việc làm cho người cao tuổi để thích ứng với già hóa dân số.
Trước đó, tại phiên họp thứ 37 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tháng 9/2024, nhiều đại biểu cho rằng, người cao tuổi tại Việt Nam có độ tuổi từ 60 – 69 tuổi chiếm 65%, đa số đều còn sức khoẻ, thế nhưng hiện các chính sách tạo việc làm cho người cao tuổi chưa thực sự được quan tâm. Điều này đang được cho là lãng phí nguồn lực “kinh tế bạc” đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Các đại biểu đánh giá cao khi dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã quy định về chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi nhằm thích ứng với già hoá dân số.
Cũng theo các đại biểu, việc bảo đảm sinh kế và có những chính sách hỗ trợ tạo việc làm, chuyển đổi việc làm trong bối cảnh già hóa dân số không chỉ bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi; mà chính từ tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này sẽ góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của đất nước…
5 phút quý giá ở Nghị trường
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV đang đi vào những ngày cuối. Kỳ họp được đánh giá là một kỳ họp có khối lượng công việc nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Kỳ họp thứ 8 có thời gian kéo dài hơn, với nhiều nội dung quan trọng về: công tác nhân sự, xây dựng pháp luật, đánh giá về kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2024 nhiệm kỳ 2021 - 2025, chuẩn bị triển khai Đại hội Đảng các cấp năm 2025 và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc năm 2026.
Với những đổi mới trong phương thức điều hành của Quốc hội, ý thức, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, kỳ họp thứ 8 đã đi được nửa chặng đường, với kết quả được cử tri và đại biểu đánh giá cao Những phương thức đổi mới trong điều hành, thể hiện từ những việc nhỏ nhất. Cụ thể, tại kỳ họp thứ 8, trước khi diễn ra phiên thảo luận tại hội trường, Đoàn Chủ tịch kỳ họp đã có thông báo đề nghị các vị đại biểu Quốc hội chuẩn bị ý kiến phát biểu ngắn gọn (phát biểu thảo luận không quá 5 phút, tranh luận không quá 2 phút). Các đại biểu cũng được đề nghị không phát biểu lại các nội dung đã thảo luận tại phiên họp tổ và trùng lặp với các ý kiến đã phát biểu trước đó.
Những lưu ý này nhằm để phiên thảo luận đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất, được nhiều ý kiến đại biểu phát biểu - như giải thích của Đoàn Chủ tịch kỳ họp. Và thay bằng 7 phút như các kỳ họp trước, 5 phút của kỳ họp lần này khiến các đại biểu tập trung hơn, xúc tích hơn và cũng tập chung cho những ý kiến, phân tích sâu về thực trạng và đưa ra giải pháp đúng, không lan man, không trùng lặp.
Quốc hội được ví như những “công xưởng” làm việc không quản ngày đêm. Ảnh: Quốc hội |
Sau những 5 phút ấy, khi rời hội trường Diên Hồng, với tinh thần luôn đồng hành cùng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại tiếp tục về các phòng làm việc kịp thời cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua. Với khối lượng dự kiến thông qua 15 luật đến 18 luật, 04 nghị quyết quy phạm pháp luật trong kỳ họp thứ 8, các ủy ban của Quốc hội được ví như những “công xưởng” làm việc không quản ngày đêm, để tiến hành tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo nghị quyết, luật trước giờ bấm nút.
Đánh già đợt 1 Kỳ họp thứ 8, đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng: “Tại Kỳ họp thứ 8, tôi cũng như nhiều đại biểu đánh giá cao về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Các nội dung đưa vào chương trình kỳ họp đã được thảo luận, bàn bạc kỹ lưỡng. Các đại biểu cũng đã nghiên cứu sâu các nội dung; trong đó có nhiều nội dung liên quan mật thiết, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước; có nhiều nội dung cử tri đang quan tâm”.
Đợt 1 của Kỳ họp thứ 8 đã hoàn thành 2 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, là phần nội dung được cử tri mong chờ. Đánh giá về phần chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: “Qua phiên chất vấn tại kỳ họp cho thấy, các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề cử tri, Nhân dân cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội. Các vị đại biểu Quốc hội qua thực tiễn hoạt động đã nắm chắc tình hình, nghiên cứu kỹ các báo cáo, nêu vấn đề, cũng như tranh luận ngắn gọn, rõ ràng, với những câu hỏi cụ thể như: Quan điểm thế nào - khi nào thực hiện - khi nào xong - tại sao chậm - giải pháp thế nào - trách nhiệm ở đâu? Nội dung các câu hỏi cơ bản trong phạm vi chất vấn và đã có nhiều đại biểu được chất vấn. Các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn nêu nhiều vấn đề "nóng", với mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục có các giải pháp kịp thời, hiệu quả hơn”.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các Bộ trưởng, trưởng ngành đã thể hiện trách nhiệm cao, nắm chắc chức năng, nhiệm vụ và thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, trả lời rõ nhiều vấn đề khó, phức tạp, thẳng thắn, không né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; đồng thời, đề ra nhiều giải pháp khắc phục hạn chế trong thời gian tới. Có một điểm chung mà các thành viên Chính phủ nhắc nhiều lần trong phiên chất vấn lần này là: trân trọng cảm ơn - nghiêm túc tiếp thu - nhận trách nhiệm cá nhân - sẽ quyết tâm thực hiện - và tha thiết mong các cơ quan, các địa phương vào cuộc mạnh mẽ cùng Chính phủ, Bộ, ngành. Các Bộ trưởng, trưởng ngành luôn thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị, nỗ lực trong thực hiện chức trách được giao.
Đánh giá về phần chất vấn, đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nhấn mạnh: “Phần trả lời của các Bộ trưởng, trưởng ngành, cùng với việc nắm chắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các Bộ trưởng đều đi sâu, đi sát vào thực tiễn lãnh đạo. Tuy nhiên, để giải đáp được từng nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội cặn kẽ, chi tiết, cụ thể vẫn còn phải tiếp tục, trong đó cần tập trung vào giải quyết những vấn đề thực tiễn hiện nay đang vướng mắc, bất cập. Điều này cần sự nỗ lực của toàn ngành, với những giải pháp thiết thực hơn”.
Cùng với dấu ấn về lập pháp, việc quyết định những vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh tại Kỳ họp thứ 7 đã được đông đảo người dân quan tâm và ủng hộ. Ảnh: Quốc hội |
Trước đó, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV cũng được đánh giá rất cao. Cùng với dấu ấn về lập pháp, giám sát tối cao, việc quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến quốc kế dân sinh tại Kỳ họp đã được đông đảo người dân quan tâm và ủng hộ. Trong đó có quyết định tăng lương cơ sở và giảm thuế giá trị gia tăng… Những quyết sách với tinh thần lắng nghe cuộc sống, phục vụ phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh.
Còn đối với cử tri, những quyết sách của Quốc hội tại kỳ họp tiếp tục khẳng định tinh thần đặt người dân, doanh nghiệp là trung tâm của mọi quyết sách. Những quyết sách có ý nghĩa được thông qua. Điều quan trọng tiếp theo là cần nhanh chóng được đưa vào và phát huy hiệu quả trong cuộc sống. Đây cũng là yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặt ra ngay sau khi kỳ họp kết thúc.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: "Để bảo đảm yêu cầu "pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả", Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan tập trung chỉ đạo, quán triệt, khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả các các luật, nghị quyết vừa được Kỳ họp thứ 7 thông qua để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước đáp ứng với sự mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài".
Người lao động chờ đợi Luật Việc làm (sửa đổi) với những điểm mới. Ảnh: L.A |
Phải “đúng vai, thuộc bài”
Trước đó, phát biểu tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 8 có khối lượng công việc lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay (thông qua 15 luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật, cho ý kiến 13 dự án luật) và cũng là kỳ họp đầu tiên có trách nhiệm thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước, tạo tiền đề, chuẩn bị ngay về mọi mặt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Ghi nhận những đóng góp rất quan trọng của Quốc hội nói chung, Quốc hội khóa XV nói riêng, song Tổng Bí thư Tô Lâm thẳng thắn nhìn nhận, trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. Theo đó, trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, tập trung vào 3 vấn đề.
Trong đó, đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp; thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, sớm nghiên cứu xác định rõ phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp thực tiễn, tránh trùng với hoạt động của các cơ quan nhà nước khác gây lãng phí và đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động của Quốc hội.
Hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội phải “đúng vai, thuộc bài”; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quan hệ giữa các cơ quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, hài hòa trong quy trình quản trị quốc gia. Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội cần thống nhất cao và gương mẫu, đi đầu, đóng góp tích cực, quan trọng xây dựng thể chế phát triển của đất nước với tinh thần đổi mới, cải cách, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trình độ và năng lực công tác; giữ mối liên hệ chặt chẽ, phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri và chịu sự giám sát của cử tri”.
Kỳ 1: Cuộc sống bấp bênh của lao động phi chính thức |
Kỳ 2: Những quyết sách mở rộng "lưới an sinh", vì người yếu thế |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại