Thứ năm 23/01/2025 08:17
Ấm áp tình người Hà Nội:

Kỳ cuối: Vì một tương lai tươi sáng cho đồng bào vùng khó khăn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Những ngày này, lời bài hát “Người Việt Nam da nâu, mắt đen, thảo thơm bất khuất như cành sen” (Một vòng Việt Nam) càng chạm đến tận cùng trái tim mỗi người dân đất Việt. Bởi chúng ta càng thêm thấm nhuần, trong những lúc khó khăn, gian nan, thử thách nhất, chúng ta luôn có những “điểm tựa Việt Nam”, trong đó có điểm tựa tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Kỳ cuối: Vì một tương lai tươi sáng cho đồng bào vùng khó khăn
Em cậu bé Đào Minh Đức cùng bố đến UBTƯ MTTQ Việt Nam ủng hộ đồng bào vùng bão lũ. Ảnh: UBTƯ MTTQ Việt Nam

Với những nghĩa cử cao đẹp của tình người Hà Nội, Thủ đô đã, đang và sẽ luôn là điểm tựa vững chắc, sẵn sàng vì cả nước, cùng cả nước vượt qua những chông gai.

Thiêng liêng hai tiếng “đồng bào”

Ngày 13/9, cậu bé Đào Minh Đức (lớp 4D, Trường Tiểu học Nguyễn Du, Hà Nội) được bố đưa đến UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng với số tiền em tiết kiệm được nhiều năm qua từ những giải thưởng học tập để ủng hộ đồng bào vùng bão lũ. Em Đức mang theo một bức thư xúc động gửi tới Ban vận động cứu trợ Trung ương khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng: “Kính gửi các cô chú và các bạn ở trên vùng bị lũ lụt!

Sau khi xem cảnh ở chỗ cô chú ở trên ti vi, con thấy trên đó bị thiệt hại rất nặng. Con chỉ có chút tiền nhờ các cô chú chiến sĩ gửi tới đó. Con chúc các cô chú xây dựng được nhà mới và khắc phục hậu quả do bão gây ra”, em Đào Minh Đức viết.

Anh Đào Thanh Lâm (bố của em Đức) chia sẻ: “Tôi và gia đình chỉ góp được một phần sức lực nhỏ, nhưng hy vọng rằng mỗi người chúng ta sẽ cùng san sẻ thêm những yêu thương để người dân vùng bão lũ sẽ vượt qua khó khăn ổn định lại cuộc sống. Mong bà con sẽ cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Tôi được chứng kiến một câu chuyện hết sức cảm động về một bác ngoài 60 tuổi (ở Long Biên, Hà Nội) bị tàn tật, đi lại khó khăn. Những ngày sau bão, bác cố gắng làm việc sữa chữa đồ điện để dành dụm được một số tiền rồi nhờ một bạn trẻ chuyển khoản ủng hộ cho người dân vùng lũ. Bác bảo: “Mình ở Hà Nội cũng bị bão nhưng người ta thiệt hại nặng nề hơn. Nhiều gia đình không còn gì cả, mất cả người thân, nhà cửa. Chút tiền của mình rất nhỏ bé thôi, nhưng hy vọng sự chung tay của mọi người sẽ giúp họ vượt qua khó khăn”.

Kỳ cuối: Vì một tương lai tươi sáng cho đồng bào vùng khó khăn
Câu lạc bộ Phản ứng nhanh hiến máu tình nguyện Công an Thủ đô hiến máu cứu nạn nhân Làng Nủ (Lào Cai). Ảnh: Thành đoàn Hà Nội

Ngày 18/9, sau khi nhận được tin báo từ Bệnh viện Việt Đức cần gấp khối tiểu cầu máu nhóm A Rh(+) để cấp cứu bệnh nhân trong tình trạng nguy cấp, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phản ứng nhanh hiến máu tình nguyện Công an Thủ đô đã triển khai ngay đến các câu lạc bộ cơ sở. Ngay sáng 19/9, các CBCS Công an Thủ đô và sinh viên của Học viện CSND, thành viên của Hội cổ động viên Câu lạc bộ Bóng đá Công an Hà Nội đã đến bệnh viện để hiến máu, kịp thời cung cấp đủ lượng máu cần thiết cho bệnh viện cấp cứu cho bệnh nhân Nguyễn Chung Kiên.

Trước đó, ngày 11/9/2024, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Chung Kiên, 29 tuổi, quê ở Lào Cai, bị đa chấn thương. Người bệnh là nạn nhân trong vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ (Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai). Gia đình anh Kiên có 8 người, 7 người trong gia đình đã bị mất trong vụ sạt lở.

Đây là hoạt động nằm trong Hành trình “Giọt máu nghĩa tình” năm 2024 do Công an TP Hà Nội tổ chức. Để nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và nghĩa cử cao đẹp của việc hiến máu tình nguyện; hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu sử dụng máu phục vụ công tác cấp cứu, điều trị tại các cơ sở y tế, đặc biệt tại các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh, đông bệnh nhân, cần nguồn máu dự trữ lớn, ngày 15/8/2024, Công an TP Hà Nội đã tổ chức Hành trình “Giọt máu nghĩa tình” năm 2024. Hành trình sẽ được tổ chức với 13 buổi tại 12 điểm thuộc Công an TP, Công an cấp huyện và các đơn vị khác. Trong gần 2 tháng qua, chương trình đã hiến tặng 2.300 đơn vị máu để cấp cứu, điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện 19-8 Bộ Công an, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Để học sinh khó khăn tiếp tục được học hành, có tương lai tương sáng

Thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai) là nơi bị trận lũ quét kinh hoàng vào sáng ngày 10/9. Đất đá đổ sập xuống vùi lấp hàng chục ngôi nhà. Nhiều em nhỏ sống sót nhưng gia đình không còn cha mẹ, có em còn cha mẹ nhưng gia đình vô cùng khó khăn. Trước hoàn cảnh của các em nhỏ nơi đây, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội) mong muốn được bù đắp phần nào để các em tiếp tục được học hành, có tương lai tương sáng. Bởi theo thầy Khang, không thể vì một trận thiên tai mà các em thất học, mất cả cuộc đời còn dài phía trước.

Trong số các em sống sót, có em Nguyễn Văn Hành, học sinh lớp 12, Trường THPT số 1 Bảo Yên, trở thành trẻ mồ côi cả bố và mẹ. Em Nguyễn Văn Hành được thầy Khang xem như "cháu nội", nhận chăm lo cho ăn học thành tài.

Sau khi hỏi ý kiến thầy cô Trường THPT số 1 Bảo Yên về tình hình chi tiêu ở đây, thầy Nguyễn Xuân Khang và Trường Marie Curie quyết định sẽ nhận cấp dưỡng đến năm 18 tuổi các em nhỏ thoát nạn trong trận lũ quét ở Làng Nủ, bằng cách cấp 3 triệu đồng/cháu/tháng, thông qua chuyển khoản trực tiếp cho bố mẹ hoặc người đỡ đầu.

Kỳ cuối: Vì một tương lai tươi sáng cho đồng bào vùng khó khăn
Thầy Nguyễn Xuân Khang thực hiện rất nhiều dự án thiện nguyện ý nghĩa vì cộng đồng. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Trường Marie Curie Hà Nội do thầy Nguyễn Xuân Khang sáng lập từ năm 1992. Đây cũng là ngôi trường có rất nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa. Trước đó, cuối tháng 2/2024, Trường Marie Curie tặng bà con huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang ngôi trường với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng. Đây là huyện nghèo, cực kỳ khó khăn. Trường Marie Curie thiết kế, tổ chức thi công, đầu tư toàn bộ kinh phí xây dựng và trang thiết bị cơ bản. Tất cả hoạt động thiện nguyện của Trường Marie Curie Hà Nội đều hướng đến giáo dục, xem đó như một sứ mệnh để hành động, cống hiến. Dự kiến, ngôi trường sẽ hoàn thành vào khoảng tháng 7/2026, nhằm kịp tuyển sinh khóa đầu tiên vào năm học 2026-2027.

Thầy Nguyễn Xuân Khang chia sẻ, sau khi công trình hoàn thành, Trường Marie Curie sẽ bàn giao cho UBND huyện Mèo Vạc. UBND huyện tiếp nhận, quản lý và vận hành Trường Phổ thông dân tộc bán trú Marie Curie - Mèo Vạc theo loại hình trường công, trường trọng điểm của huyện.

Đây không phải là dự án đầu tiên thầy Nguyễn Xuân Khang thực hiện tại Mèo Vạc. Đến nay, đây là dự án thứ tư do thầy tài trợ. Dự án đầu tiên của thầy Khang là trồng hai vạn cây sa mộc tại thôn Há Cá, xã Khâu Vai. Dự án tiếp theo là dạy tiếng Anh trực tuyến cho 2.600 học sinh của huyện. Dự án thứ ba đào tạo 30 giáo viên tiếng Anh cho Mèo Vạc. Dự kiến, tổng kinh phí để nuôi 30 sinh viên tiếng Anh là khoảng 6-12 tỷ đồng. Thầy Khang hy vọng, dự án sẽ tạo nguồn giáo viên tiếng Anh lâu dài, giải quyết tận gốc vấn đề thiếu giáo viên của huyện Mèo Vạc.

Tấm lòng nhân ái của thầy Nguyễn Xuân Khang với trẻ em Làng Nủ cũng như những chương trình thiện nguyện mà thầy thực hiện trước đó đã chạm đến trái tim hàng triệu người, góp phần thắp sáng tương lai cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn cũng như những miền quê nghèo vùng sâu, vùng xa. Từ đó lan tỏa những giá trị nhân văn về tình người nhân hậu đến cộng đồng.

Mỗi chúng ta ở vị trí của mình đều có thể làm một điểm tựa cho đồng bào, cho đất nước trong những thời khắc khó khăn, gian nan, thử thách. Với những nghĩa cử cao đẹp của tình người Hà Nội, Thủ đô đã, đang và sẽ luôn là điểm tựa vững chắc, sẵn sàng vì cả nước, cùng cả nước vượt qua những chông gai.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường, ngay sau khi cơn bão số 3 gây ảnh hưởng cho các tỉnh phía Bắc, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã ra lời kêu gọi, Kế hoạch vận động Nhân dân Thủ đô ủng hộ các tỉnh bị thiệt hại do bão lũ và triển khai tuyên truyền, vận động đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn Thủ đô... Chỉ sau 10 ngày, từ ngày 9/9-19/9, Ủy ban MTTQ TP đã tiếp nhận ủng hộ hơn 177 tỷ đồng và đã phân bổ làm các đợt cho các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã trao hỗ trợ cho hơn 600 sinh viên các tỉnh phía Bắc đang học tập tại TP Hà Nội có gia đình bị ảnh hưởng bởi bão số 3 với số tiền từ 3 đến 5 triệu đồng mỗi em.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh: “Đây là con số không chỉ nói lên sức mạnh tinh thần đại đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách mà còn thể hiện sự tin tưởng, tin cậy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong và ngoài địa bàn TP. Sự chung tay góp sức với nhiều hình thức, cách làm khác nhau đã ủng hộ, hỗ trợ thiết thực cho đồng bào bị ảnh hưởng bão lũ”.

Kỳ 1: Đường đi khó, có chúng tôi
Kỳ 2: bản lĩnh trước tình huống ''ngàn cân treo sợi tóc''
Kỳ 3: Những chiếc bánh nghĩa tình
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động