Thứ năm 23/01/2025 20:30

Kỹ thuật tiên tiến giúp bệnh nhân cắt 2/3 dạ dày có thể ăn uống sau 3 ngày

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã phẫu thuật nội soi cắt một phần dạ dày cho bệnh nhân nam 70 tuổi bị hẹp môn vị do biến chứng loét hành tá tràng nhiều năm. Đặc biệt, bệnh nhân đã có thể vận động, ăn uống trở lại chỉ sau 3 ngày.
Kỹ thuật tiên tiến giúp bệnh nhân cắt 2/3 dạ dày có thể ăn uống sau 3 ngày
Các bác sĩ phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân N.N.C (70 tuổi, trú tại phường Bạch Đằng, TP Hạ Long) có tiền sử viêm loét hành tá tràng nhiều năm. Gần đây, ông bắt đầu có các triệu chứng như ăn uống kém, đau bụng thượng vị âm ỉ, nôn và buồn nôn, sụt 5kg chỉ trong một tháng. Do đó, ông đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh để thăm khám.

Kết quả nội soi cho thấy dạ dày của bệnh nhân bị giãn to, ổ loét ở tiền môn vị làm co kéo, biến dạng và gây hẹp khít lỗ môn vị, cản trở thức ăn xuống tá tràng. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hẹp môn vị do biến chứng viêm loét hành tá tràng.

Do điều trị nội khoa không thể khỏi triệt để, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt 2/3 dạ dày nhằm loại bỏ đoạn hẹp khít môn vị và tái thông đường tiêu hóa.

Phẫu thuật được thực hiện bằng phương pháp nội soi qua những lỗ nhỏ trên thành bụng. Các bác sĩ sử dụng dao siêu âm để phẫu tích rõ ràng và hạn chế tối đa chảy máu, đồng thời kết hợp máy cắt nối tự động nội soi để cắt 2/3 dạ dày. Sau đó, phần dạ dày còn lại được nối với quai hỗng tràng đầu tiên bằng máy khâu nối ruột tự động, giúp lập lại lưu thông hệ tiêu hóa.

Nhờ áp dụng phương pháp hồi phục sớm sau mổ (ERAS), bệnh nhân được giảm đau tích cực và hướng dẫn tập vận động sớm. Sau 48 giờ, bệnh nhân được rút sonde dạ dày và bắt đầu ăn chế độ ăn lỏng sau 3 ngày.

BSCKII Phạm Việt Hùng - Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, hẹp môn vị là biến chứng nguy hiểm của viêm loét dạ dày - tá tràng. Bệnh nhân bị hẹp môn vị thường có các triệu chứng như: đau bụng, buồn nôn, nôn, đầy bụng khó tiêu, đi ngoài phân lỏng, người gầy sút cân, da khô, mất nước, mệt mỏi...

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị suy kiệt toàn thân, rối loạn chuyển hóa nước, điện giải và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Do đó, để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần có một chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt điều độ, không hút thuốc, uống rượu bia để hạn chế tình trạng viêm loét dạ dày – tá tràng. Bên cạnh đó, cần tránh tinh thần lo âu, căng thẳng, stress bởi đây cũng là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày.

Ngoài ra, cần thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là khi có các dấu hiện bất thường ở đường tiêu hóa và nên đến các cơ sở y tế uy tín để được phát hiện sớm các bệnh lý và điều trị kịp thời.

Cấp cứu kịp thời cụ ông 75 tuổi bị ổ loét thực quản khổng lồ
Ca cấp cứu trong đêm giao thừa kịp thời cứu sống bệnh nhân 72 tuổi vỡ gan, vỡ dạ dày
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động