Thứ sáu 24/01/2025 07:20

Làm hòa giải có nghĩa là sẽ có mặt khi dân cần bất kể sớm trưa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Gần 20 năm làm công tác hòa giải, bà Nguyễn Thị Sang, tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố Yên Hà (thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ công tác hòa giải nói khó thì cũng rất khó, nhưng khi làm việc bằng cái tâm thì có khó cách mấy cũng có cách...

Sinh năm 1948, vốn là nhân viên của ngành đường sắt, mặc dù nghỉ hưu đã lâu, nhưng chưa một ngày bà Sang quên những ngày ngược xuôi Bắc Nam đưa đón bộ đội vào Nam ra Bắc. Làm việc và bước qua những ngày đất nước còn chiến tranh, bà Sang thấu hiểu hơn cả giá trị của một cuộc sống hài hòa, bình yên với con, với cháu. Năm 2003 bà nghỉ hưu theo chế độ, năm 2004 bà bắt đầu tham gia vào các công tác xã hội của địa phương, cũng bắt đầu “bén duyên” với công tác hòa giải từ đó.

Bà kể, trong gần 20 năm qua đã biết, đã hiểu và đã thấu bao nhiêu chuyện cũng từ công tác hòa giải. Chỉ trong cái cộng đồng dân cư nơi bà đang lưu trú thôi đã thấy đủ chuyện. Thế nên, bà hiểu rất rõ, nếu không làm tốt công tác hòa giải từ cơ sở, nếu để phát triển, để nhân rộng ra sẽ phức tạp thế nào. Vậy nên mỗi vụ việc, cho dù là rất nhỏ bà cũng cố gắng hết mình để có thể có những kết quả tốt nhất.

Làm hòa giải có nghĩa là sẽ có mặt khi dân cần bất kể sớm trưa
Bà Nguyễn Thị Sang, tổ trưởng tổ dân phố Yên Hà

Nơi bà ở vốn là khu tập thể đường sắt cũ. Cuộc sống cái thời bao cấp ấy khó khăn nhưng trôi qua một cách yên bình. Do cùng xí nghiệp, đồng cảm với cuộc sống, công việc nên việc chia ngọt sẻ bùi, hàng xóm tối lửa tắt đèn sao mà yên ấm.

Sau này, khi đã có điều kiện, cũng vẫn trên nền căn hộ được phân ấy mọi người xây dựng nhà cửa kiên cố là lúc bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn. “Mười nhà bắt đầu triển khai xây dựng, thì có 10 vụ cần hòa giải. Có những vụ chỉ mới đào móng nhà đã có bố mẹ, con cái… kéo nhau xuống cãi cọ nhau ỏm tỏi.”- bà Sang nói. Những lúc này người dân chỉ biết đi gọi hòa giải viên.

Nói đến công tác hòa giải, bà Sang cho biết, đó là một công việc không kể… ngày giờ. Có những tuần, những tháng không có vụ nào cần đến hòa giải viên, nhưng cũng có tháng 5, 6 vụ. Và công tác hòa giải cũng có những đặc thù, cứ giờ nào cần, giờ nào có người gọi là đi. “Nhiều hôm 12g, 1g đêm cũng có người gõ cửa ầm ầm gọi đi hòa giải mâu thuẫn” - bà Sang cho biết. “Có những hôm con cái dâu rể về thăm mẹ, giữa trưa nhà đang ăn cơm thì có một chị cùng tổ đến gõ cửa khóc lóc ầm ĩ vì bị chồng đánh, chửi. Thế là đành buông bát cơm chạy đến nhà người ta...”

Ở mỗi một địa phương, một địa điểm sinh sống lại có một đặc thù khác nhau, thế nên công tác hòa giải cũng chẳng có nơi nào giống nơi nào. Tổ dân phố Yên Hà nơi bà Sang ở vốn là những người ở khắp nơi hội tụ về, là nơi tổng hòa các nền văn hóa ở mọi địa phương nên chuyện hòa giải cũng phải uyển chuyển, lựa theo suy nghĩ, tính cách cũng như thói quen từng người, từng hộ.

“Câu chuyện hòa giải luôn phải nhu, cương kết hợp. Lúc nào cần sử dụng đến tình cảm, khơi gợi những tình cảm từ khi còn gian khổ là phải tận dụng hết sức, nhưng khi đã thấm, là phải dùng cái lý để tiếp tục phân tích để người ta thấu ngoài cái tình thì còn lý”, bà Sang quan điểm, có làm gì thì làm trước hết phải tuân theo thượng tôn pháp luật.

Với bà Sang, trong công tác hòa giải, cái khó khăn nhất có lẽ vẫn là những vấn đề phát sinh từ đất đai. Không quá phức tạp như trong các vụ giải phóng mặt bằng, nhưng việc va chạm giữa xóm chung, ngõ riêng cũng là chuyện không dễ giải quyết, hay như việc xây dựng rồi tranh chấp giữa đất nhà tôi, đất nhà ông cũng là việc cần phải hết sức khéo léo. Bao nhiêu năm nay, bà không nhớ đã hòa giải được bao nhiêu vụ việc, nhưng việc chưa giải quyết dứt điểm cũng có, đó là sự việc luôn khiến bà canh cánh.

“Đó là câu chuyện tranh chấp ngõ đi chung. Vốn cả ngõ sống êm đềm, hòa thuận. Bỗng dưng một ngày hộ đầu xóm xây nhà mới vỡ ra câu chuyện, cái lối đi cả ngõ vốn vẫn sử dụng lại thuộc diện tích được cấp sổ đỏ từ bao giờ. Thế là mâu thuẫn phát sinh. Giờ bà con ở bên trong có ý kiến cũng không sai, mà hộ đang chuẩn bị xây sửa cũng chẳng… sai. Bởi họ mua lại đất, mà lối đi chung đó lại thuộc diện tích được cấp sổ của họ. Lúc ấy chúng tôi đã phải mời cả công an, dân phòng, cùng các đoàn thể xuống giải quyết. Cho đến nay việc vẫn chưa giải quyết dứt điểm, tuy nhiên cũng không thấy phát sinh tranh chấp nữa…” - bà kể.

Mặc dù ở cái tuổi xưa nay hiếm, các con cháu rất muốn bà nghỉ ngơi, tận hưởng những ngày yên bình. Nhưng bởi các cơ quan, đoàn thể vẫn tha thiết, dân vẫn tin, vẫn yêu nên đến giờ này bà vẫn gắn bó với công tác hòa giải. Bà bảo, thôi thì còn có sức, bà con vẫn tin thì bà vẫn cố gắng. Suy cho cùng, việc bà làm cũng chỉ để cuộc sống không chỉ của họ, mà chính của bà cũng tốt hơn lên.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động