Thứ năm 23/01/2025 14:11

Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Làm rõ đất thế nào được gọi là "nhỏ hẹp" và "xen kẹt"?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có khái niệm "thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt". Vậy diện tích như thế nào thì được gọi là "nhỏ hẹp"; ở vị trí nào là nằm "xen kẹt"?... Cần làm rõ điều này để xác định trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất.
Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Làm rõ đất thế nào được gọi là
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại Hội nghị.

Sáng 14/3, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Phạm Thị Thanh Mai đã chủ trì Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Khó đạt tỷ lệ 100% người dân đồng tình khi thu hồi đất

Góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) các đại biểu đã tập trung vào một số nhóm vấn đề như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Tài chính về đất đai, giá đất; Giải quyết tranh chấp đất đai...

PGS-TS. Trần Trọng Phương, Trưởng khoa TN&MT-Học viện Nông nghiệp Việt Nam nêu: Tại Khoản 28 Điều 3, Khoản1 Điều 12 cụm từ "làm biến dạng địa hình" là hành vi hủy hoại đất, bị nghiêm cấm được hiểu như thế nào? Trong Dự thảo Luật cũng cần làm rõ nghĩa hơn, được hiểu làm biến dạng bề mặt hay biến dạng đất, hay địa hình theo hệ toạ độ?. Thực tế nếu như khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng cây hàng năm sang trồng cây lâu năm có các hoạt động đào, đắp đều làm thay đổi, biến dạng bề mặt đất hiện trạng. "Nếu theo cách hiểu như vậy thì không lẽ lại là hành vi hủy hoại đất, bị nghiêm cấm?"-TS. Trần Trọng Phương đặt vấn đề.

Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Làm rõ đất thế nào được gọi là
PGS-TS. Trần Trọng Phương - Trưởng khoa TN&MT-Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh đó, tại Điểm n Khoản 2 Điều 125 có câu "thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt" trong Dự thảo Luật sửa đổi được hiểu với quy mô, diện tích như thế nào thì được gọi là "nhỏ hẹp"?, xác định ở vị trí nào là nằm "xen kẹt". Từ đó để xác định trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, đất đấu thầu dự án có sử dụng đất. Nếu không có giải thích cụ thể sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng pháp luật để thực hiện không phải đấu giá, từ đó sẽ làm thất thu ngân sách Nhà nước.

Về việc lấy ý kiến phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Dự thảo Luật nêu quy định thu hồi đất phải 100% người dân đồng tình, theo TS. Trần Trọng Phương điều này sẽ khó thực hiện và triển khai không khả thi. Thực tế cho thấy, việc thu hồi đất vì mục đích an ninh, quốc phòng thì có thể thấy việc thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế-xã hội bao giờ cũng là câu chuyện khó khăn.

"Có thể nói là rất khó để nhận được sự đồng thuận của 100% người dân được. Do đó, dù thực hiện dân chủ ở cơ sở thì cũng nên đề xuất 80% sự đồng thuận là có thể tiến hành phương án thu hồi. Mặc khác, rất cần chính quyền địa phương nơi có đất bị thu hồi vào cuộc quyết liệt, tuyên truyền để người dân nhận thức tốt, để việc giải phóng mặt bằng các dự án kinh tế-xã hội được thuận lợi hơn", TS. Trần Trọng Phương đề xuất.

Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Làm rõ đất thế nào được gọi là
Quang cảnh Hội nghị

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty GPF bày tỏ: Dự thảo luật xác định được ranh giới Luật là cán cân công lý cân bằng được lợi ích toàn dân. Để xác định được rất khó vì phải cân đối cả thu nhập. Luật mà làm cho tất cả người dân bằng lòng (nhất là người dân bị mất đất) thì không phát triển được. Tỷ lệ 80% đồng thuận đã khó, không bao giờ đạt được sự đồng thuận, vì vậy Chính phủ, Quốc hội, Ban soạn thảo cân nhắc tỷ lệ này.

"Tỷ lệ bao nhiêu Quốc hội cần cân nhắc, nhưng yếu tố chắc chắn là công tác giải phóng mặt bằng cần có quyết định đúng mức. Trong đền bù giải phóng mặt bằng cần phân loại, xác định từng loại đất nông nghiệp, đất ở, đất thương mại để có các mức giá khác nhau", ông Nguyễn Quốc Hiệp nêu.

Đề xuất bỏ việc lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện

Góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, chuyên gia pháp luật, Hội truyền thông số Việt Nam Phạm Đức Bảo cho rằng: Luật Đất đai năm 2013 đã có bước tiến mới khi cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất để đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê; được nhận chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ bộ dự án đầu tư có sử dụng đất để đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê... Tuy nhiên, Dự thảo Luật sửa đổi cần khắc phục những vướng mắc liên quan đến quyền của nhà đầu tư và người sở hữu nhà ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Làm rõ đất thế nào được gọi là
Chuyên gia pháp luật, Hội truyền thông số Việt Nam Phạm Đức Bảo góp ý tại Hội nghị

Trước hết trong tư cách nhà đầu tư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quy chế như tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất ở trong nước. Tuy nhiên, trong Luật Đất đai năm 2013 chưa cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để đầu tư kinh doanh là một thiếu sót lớn. Họ mới chỉ được thuê đất từ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để đầu tư xây dựng nhà ở, công trình để cho thuê, nhận chuyển nhượng, thuê đất trong phạm vi khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao và khu kinh tế để đầu tư kinh doanh.

"Dường như đối với các giao dịch nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất dành cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang bị “rào” lại một cách đáng tiếc. Đây chính là sự bất bình đẳng giữa nhà đầu tư là người Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhà đầu tư trong nước trong các giao dịch dân sự về đất đai", ông Phạm Đức Bảo nêu.

Ngoài ra, đối với quy trình thủ tục về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, vị chuyên gia này cũng cho rằng trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không chỉ đối với đất phi nông nghiệp mà cả đất nông nghiệp, đất trồng lúa để đầu tư kinh doanh.

Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Làm rõ đất thế nào được gọi là
Trưởng phòng TN&MT quận Hoàng Mai Nguyễn Đức Thọ góp ý tại Hội nghị.

Từ thực tế tại địa phương về việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Trưởng phòng TN&MT quận Hoàng Mai Nguyễn Đức Thọ đề xuất bỏ việc lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đối với các khu vực quận đã có quy hoạch chi tiết và quy hoạch phân khu đô thị chi tiết. Lý do bởi việc lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm hầu như không thực hiện được trước ngày 31-12 theo quy định và vừa làm xong năm nay thì lại làm tiếp năm sau.

Phát biểu tiếp thu các ý kiến, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho rằng: Các ý kiến đóng góp đã tập trung vào đúng những nhóm vấn đề lấy ý kiến-đặc biệt quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; phân cấp phân quyền, phân loại đất để thu hồi; các điểm mới của dự thảo luật lần này...

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP ghi nhận những nội dung vướng từ thực tiễn của một số quận huyện doanh nghiệp trong quá trình thực hiện và đề nghị đại biểu tiếp tục quan tâm đóng góp ý kiến sâu hơn về một số nhóm vấn đề như: Quan điểm thu hồi đất; điều kiện, tiêu chí để Nhà nước thu hồi đất có liên quan đến yếu tố doanh nghiệp kinh doanh... để gửi về Đoàn ĐB Quốc hội để tổng hợp, báo cáo gửi các cấp có thẩm quyền.

Bị cười chê vì lấy ý kiến của học sinh lớp 9 vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Hiệu trưởng và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nói gì?
Nhiều ý kiến giá trị đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn trong tiếp cận đất đai?
Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động