Chủ nhật 11/05/2025 09:13

Luật Thủ đô 2024: khoán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hà Nội đang lấy ý kiến Nhân dân cho dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về quy định hình thức khoán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước của TP Hà Nội.
Luật Thủ đô 2024: khoán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
Sinh viên Đại học Đà Nẵng nghiên cứu khoa học. Ảnh: N.M

Quy định cụ thể

Theo đó, quy định hình thức khoán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp TP, nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP Hà Nội sử dụng ngân sách Nhà nước của TP Hà Nội. Các nội dung chi, mức chi không quy định tại Nghị quyết này thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND TP Hà Nội quy định định mức lập dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước của TP Hà Nội.

Đối tượng áp dụng là cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp TP, nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP Hà Nội; cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp TP, nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP Hà Nội có sử dụng ngân sách của TP; các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách của TP và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Cụ thể, với nội dung, mức chi thực hiện theo hình thức khoán đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp TP, Nghị quyết tính thù lao tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ cũng như đối với các nhiệm vụ có độ mới (chưa có tiền lệ, không có kết quả nghiên cứu trước đó để kế thừa), các nhiệm vụ có độ khó (cần chuyên gia) và các nhiệm vụ trọng điểm được điều chỉnh với hệ số k = 1,5. Cùng với đó, Nghị quyết cũng nêu mức chi mua nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, mẫu vật, dụng cụ, phụ tùng, vật liệu rẻ tiền mau hỏng… phục vụ trực tiếp nhiệm vụ: mức khoán được xác định theo thuyết minh nhiệm vụ và báo giá theo quy định; chi hội nghị, hội thảo khoa học, diễn đàn, tọa đàm khoa học (bao gồm: họp tự đánh giá kết quả thực hiện; hỗ trợ công tác phí cho một số chuyên gia, nhà khoa học được mời tham gia hội nghị, hội thảo); chi điều tra, khảo sát thu thập số liệu; kinh phí quản lý...

Nghị quyết cũng nêu nội dung, mức chi thực hiện theo hình thức khoán đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP Hà Nội như thù lao tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ; chi hội nghị, hội thảo khoa học, diễn đàn, tọa đàm khoa học, tập huấn (bao gồm họp tự đánh giá kết quả thực hiện); kinh phí quản lý...

DN được hỗ trợ sử dụng ngân sách Nhà nước còn khá khiêm tốn

Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nghiên cứu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ; quan tâm kết nối các DN, cá nhân với các nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức khoa học và công nghệ; hỗ trợ DN hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm mới làm cơ sở thành lập DN khoa học và công nghệ... Tính đến cuối năm 2024, Hà Nội đang đứng đầu toàn quốc về số lượng DN khoa học và công nghệ trên địa bàn với 168/800 DN khoa học và công nghệ của cả nước (chiếm 21%).

Các DN khoa học và công nghệ của Hà Nội đa phần là các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Số DN có doanh thu trên 100 tỷ đồng còn khiêm tốn. Nhiều DN khoa học và công nghệ liên tục nghiên cứu, phát triển công nghệ, bổ sung danh mục sản phẩm hàng hóa, nhưng cũng nhiều DN sau chứng nhận lần đầu không bổ sung được danh mục sản phẩm hàng hóa, không phát triển được sản phẩm mới. Điều đó cho thấy sự phát triển không đồng đều của các DN khoa học và công nghệ trên địa bàn.

Trong các kết quả khoa học và công nghệ hình thành nên DN khoa học và công nghệ, thì chỉ có khoảng 1/4 DN khoa học và công nghệ có sản phẩm từ bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp. Số tài sản trí tuệ được thương mại hóa này chưa tương xứng với tiềm năng các tài sản trí tuệ của Hà Nội trong cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ. Đến nay, Hà Nội vẫn chưa có DN khoa học và công nghệ nào được hình thành các cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo DN hoặc vườn ươm của các trường đại học, cao đẳng.

Cũng theo báo cáo, số DN được hỗ trợ thông qua nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước còn khá khiêm tốn so với tổng số DN có hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn và so với tổng số nhiệm vụ khoa học và công nghệ được phê duyệt hàng năm (năm 2023, có 4/41 nhiệm vụ do DN chủ trì, chiếm tỷ lệ 9,7%).

Nguồn kinh phí ươm tạo công nghệ của các DN khoa học và công nghệ chủ yếu (trên 90%) là kinh phí của DN, chỉ có 7,2% kết quả khoa học và công nghệ của DN là có sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước. Cơ chế, chính sách thu hút DN hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thương mại hóa nghiên cứu còn thiếu và chưa đồng bộ. Thời gian để thực hiện các thủ tục để tuyển chọn, phê duyệt triển khai cũng như giao quyền sở hữu, sử dụng cho DN chiếm thời gian lớn trong vòng đời của sản phẩm. Trong khi đó, các DN cũng rất khó tiếp cận với các chính sách vay vốn tín dụng tại các quỹ đầu tư. Cơ chế cho vay của một số quỹ cũng chưa thu hút được DN.

Chính sách ưu đãi

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô 2024, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị là những văn bản đặc biệt quan trọng thể hiện sự quan tâm và định hướng rõ ràng cho việc phát triển khởi nghiệp sáng tạo (KNST), đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội.

Trong đó, Luật Thủ đô 2024 đã mở ra những chính sách ưu đãi cho những DN KNST trong những lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN) trọng điểm của Hà Nội. Cụ thể, DN KNST trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô hoạt động trên địa bàn TP được hỗ trợ chi phí ươm tạo, bao gồm chi phí tổ chức hoạt động tuyển chọn dự án, chi phí thuê chuyên gia, nhân công lao động trực tiếp, dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chi phí sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung. (Khoản 5 Điều 23 Luật Thủ đô). TP Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư vốn vào các DN công nghệ cao, DN khoa học và công nghệ, DN KNST trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ. (Khoản 1 Điều 36 Luật Thủ đô).

Quỹ đầu tư mạo hiểm được bố trí vốn điều lệ từ ngân sách TP, được nhận tài trợ, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn của Quỹ đầu tư mạo hiểm được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, chấp nhận khả năng rủi ro, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí vốn. (Khoản 1 Điều 36 Luật Thủ đô). Dự kiến cuối 2025, Quỹ đầu tư mạo hiểm của TP Hà Nội sẽ được thành lập, đây sẽ là Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tiên ở Việt Nam. Điều này thể hiện sự tập trung vào việc biến Hà Nội thành một trung tâm KNST hàng đầu của cả nước.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp cho mỗi giai đoạn hình thành và phát triển của DN KNST, bao gồm: tuyển chọn dự án, giai đoạn tiền ươm tạo, giai đoạn ươm tạo, giai đoạn tăng tốc; tạo cơ chế thông thoáng về thủ tục và tài chính đối với các hoạt động KNST. Áp dụng tối đa tinh thần khoán chi trong Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Luật Thủ đô 2024; cần có những chính sách toàn diện để phát triển đồng bộ các thành phần của hệ sinh thái KNST, bao gồm: quỹ đầu tư, tổ chức tài chính, nhà đầu tư thiên thần; tổ chức trung gian hỗ trợ KNST, cơ sở ươm tạo, tổ chức tăng tốc, không gian làm việc chung; dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý; mạng lưới chuyên gia, cố vấn…

Luật Thủ đô 2024 đã đưa ra những giải pháp đặc thù nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và KHCN. Luật Thủ đô 2024 không chỉ hướng tới việc phát triển KHCN mà còn truyền cảm hứng cho KNST. Các DN khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KHCN sẽ được hỗ trợ chi phí ươm tạo, tuyển chọn dự án, và thuê chuyên gia. Điều này không chỉ khuyến khích DN trong nước mà còn thu hút các nhà đầu tư quốc tế đến với Hà Nội.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ

Triển khai hệ thống cấp cứu ngoại viện nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Triển khai hệ thống cấp cứu ngoại viện nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân
Những quy định đột phá giúp Hà Nội hiện thực hóa chủ trương cải tạo chung cư cũ Những quy định đột phá giúp Hà Nội hiện thực hóa chủ trương cải tạo chung cư cũ
Nhật Minh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động