Triển khai hệ thống cấp cứu ngoại viện nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Xe cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội. Ảnh: Công Phương |
Vai trò của cấp cứu ngoại viện ngày càng quan trọng
Theo số liệu của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, trong năm 2024, cả nước xảy ra hơn 23.689 vụ tai nạn giao thông, làm chết 10.965 người, bị thương 17.567 người. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tai nạn tăng 713 vụ (+3,1%), số người chết giảm 918 người (-7,73%), số người bị thương tăng 1.440 người. Ngoài ra, hoạt động cấp cứu tại hiện trường còn bao gồm các trường hợp tai nạn lao động, sinh hoạt, thiên tai, thảm họa, cháy nổ, ngộ độc và cấp cứu do bệnh tật (như bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh hô hấp, sản khoa…).
Đối với cấp cứu trong bệnh viện, chỉ tính riêng số liệu của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong năm 2024, số ca cấp cứu tiếp nhận là hơn 33.000 ca, số ca tử vong là 84 ca/năm. Trong đó, nhóm bệnh lý tiêu hóa là nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu, chiếm hơn một phần ba tổng số bệnh nhân (34,7%). Nhóm bệnh lý truyền nhiễm chiếm tỷ lệ 12,76%, chấn thương chiếm 11,84%, bệnh lý thần kinh đột quỵ chiếm 10,52%, bệnh lý tim mạch chiếm 6,60% và bệnh lý hô hấp chiếm 4,91%.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, ngành Y tế và hệ thống khám chữa bệnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác cấp cứu ngoại viện, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về cơ sở pháp lý, chế độ chính sách, hệ thống tổ chức mạng lưới, cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn, số lượng nhân lực và trang thiết bị. Hiện nay, công tác cấp cứu ngoại viện chưa đáp ứng tốt nhu cầu thực tế của người dân.
"Trước thực trạng hoạt động cấp cứu ngoại viện của nước ta còn nhiều hạn chế, trong khi nhu cầu của người dân ngày càng lớn, vai trò của cấp cứu ngoại viện ngày càng quan trọng. Vì vậy, việc đầu tư phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện trên toàn quốc là rất cần thiết", Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Phát huy hiệu quả cấp cứu ngoại viện
Theo thống kê, trong năm 2024, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đáp ứng được 39.537 lượt yêu cầu cấp cứu ngoại viện. Tổng số người bệnh được phục vụ là 26.740 người, tỷ lệ xử trí cấp cứu ban đầu đạt 94,11%, đối với bệnh nhân thuộc diện cấp cứu nặng thì tỷ lệ được điều trị cấp cứu là 100%. Bên cạnh đó, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội còn đáp ứng cấp cứu 54 vụ cháy (tăng 20 vụ so với năm 2023) với 96 kíp cấp cứu (tăng 17 kíp), cấp cứu 66 bệnh nhân, chuyển viện 36 bệnh nhân, chuyển nhà tang lễ theo yêu cầu của cơ quan công an 28 tử thi.
Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội còn thực hiện được 279 lượt hướng dẫn sơ cấp cứu qua điện thoại, trong đó số lượt hướng dẫn cấp cứu ngừng tuần hoàn là 266 lượt, 8 ca hóc dị vật và 5 ca hướng dẫn y tế khác. Thực hiện cấp cứu thành công, tái lập tuần hoàn tự nhiên cho 33 ca ngừng tuần hoàn ngoại viện.
Theo lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, trong thời gian tới, trung tâm cần tập trung vào việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Việc xây dựng hệ thống điều hành thông minh, tích hợp định vị GPS trên xe cứu thương cùng nền tảng quản lý bệnh nhân trực tuyến sẽ giúp rút ngắn tối đa thời gian tiếp cận hiện trường. Đồng thời, Trung tâm sẽ đẩy mạnh kết nối dữ liệu với hồ sơ sức khỏe điện tử, qua đó, kíp cấp cứu có thể nắm bắt nhanh thông tin bệnh nền, lịch sử điều trị của người bệnh. Hệ thống này vừa hạn chế sai sót y khoa, vừa hỗ trợ quá trình can thiệp cấp cứu chính xác và kịp thời, đảm bảo việc cấp cứu diễn ra hiệu quả, chuyên nghiệp.
Bên cạnh việc cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực chuyên môn và chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt. Theo đó, Trung tâm cần liên tục cập nhật các phác đồ điều trị, quy trình cấp cứu tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng định kỳ cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên tổng đài và lái xe cứu thương. Mỗi thành viên phải được trang bị vững vàng cả về kỹ năng chuyên môn lẫn tác phong làm việc chuyên nghiệp, có khả năng thích ứng nhanh với những tình huống khẩn cấp đa dạng. Đây cũng là nền tảng để Trung tâm có thể phát triển các đội phản ứng nhanh chuyên sâu, như cấp cứu tim mạch, đột quỵ, xử trí chấn thương, hỗ trợ sơ sinh… nhằm đáp ứng kịp thời mọi nhu cầu chăm sóc cấp cứu của người dân.
"Sự chủ động và nhất quán trong tất cả các hoạt động sẽ là bước tiến quan trọng, giúp Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội vững vàng trên hành trình trở thành lực lượng chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn và hiệu quả, xứng đáng với niềm tin yêu của cộng đồng", đại diện Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội thông tin.
Dấu mốc quan trọng phát triển cấp cứu ngoại viện
Chia sẻ về cấp cứu ngoại viện, đại diện Sở Y tế cho biết, Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của cả nước, Hà Nội có diện tích 3.358,9km2, với dân số xấp xỉ 8,6 triệu người nên mật độ dân số của Hà Nội thuộc mức rất cao so với địa phương khác và các nước trong khu vực. Số liệu này chưa tính đến hàng triệu người trong và ngoài nước đến sinh sống, làm việc, học tập và du lịch.
Tại điểm b Khoản 3 Điều 26 Luật Thủ đô nêu rõ: "hệ thống cấp cứu ngoại viện trên địa bàn TP gồm Bệnh viện 115, Trung tâm điều phối cấp cứu, Trung tâm đào tạo cấp cứu và mạng lưới cấp cứu, trạm cấp cứu 115 và các tổ cấp cứu ngoại viện của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của TP”.
Đây là một mô hình hệ thống cấp cứu ngoại viện có nhiều ưu điểm có tính theo chốt tháo gỡ các nút thắt khó khăn vốn đang cản trở sự phát triển: trung tâm điều phối cấp cứu khi đi vào hoạt động sẽ được đầu tư hiện đại, sẽ là điểm kết nối giữa hệ thống cấp cứu ngoại viện với người dân và toàn bộ hệ thống y tế Hà Nội, tạo ra sự liên thông liên tục trong quá trình cấp cứu chăm sóc người bệnh. Trung tâm sẽ là nơi ứng dụng công nghệ thông tin mức độ cao tạo tiền để triển khai y tế thông minh, y tế từ xa trong cấp cứu.
Mạng lưới gồm 12 - 14 trạm cấp cứu 115 và 30 tổ cấp cứu ngoại viện của các bệnh viện trên địa bàn sẽ tạo ra mạng lưới cấp cứu rộng khắp bao phủ toàn bộ địa bàn TP, cung cấp dịch vụ cấp cứu ngoại viện cho người dân bất kể khu vực địa lý. Số lượng điểm cấp cứu trong mạng lưới tăng lên đồng nghĩa với việc khả năng tiếp cận dịch vụ cấp cứu ngoại viện cao hơn, công bằng hơn trong thời gian ngắn hơn, bảo đảm "giờ vàng” trong cấp cứu đồng thời xóa các điểm trắng về dịch vụ cấp cứu ngoại viện hiện nay.
Một trong những điểm đột phá tháo gỡ vướng mắc cơ chế tài chính của cấp cứu ngoại viện chính là quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26: "Hội đồng Nhân dân TP quy định việc sử dụng ngân sách TP để hỗ trợ thanh toán dịch vụ cấp cứu ngoại viện”. Đây chính là biểu hiện cụ thể của sự quan tâm chăm lo của hệ thống chính trị đối với một nhu cầu cấp thiết của người dân và đồng thời giúp tháo gỡ những rào cản đối với sự phát triển của hệ thống cấp cứu ngoại viện Thủ đô.
Thực hiện Luật Thủ đô 2024, Sở Y tế đã tham mưu Ủy ban Nhân dân TP xây dựng Nghị quyết "Ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán và cấp cứu ngoại viện của TP Hà Nội”. Nghị quyết đã được Ủy ban Nhân dân TP trình Hội đồng Nhân dân thành phố vào kỳ họp thứ 18 (ngày 4/10/2024) của Hội đồng Nhân dân TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Nghị quyết được ban hành là cơ sở xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực vực khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán và cấp cứu ngoại viện của TP Hà Nội, là căn cứ để các cơ quan quản lý lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và triển khai thực hiện việc sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ thanh toán một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán và dịch vụ cấp cứu ngoại viện trên địa bản thành phố theo quy định của Luật Thủ đô. |
![]() | Dấu mốc quan trọng phát triển y học gia đình và cấp cứu ngoại viện |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại