Luật Thủ đô 2024: phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Chăm sóc rau tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì). Ảnh: Nguyễn Quang |
Phát triển nông nghiệp theo không gian
Chia sẻ về phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh của Thủ đô đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, GS.TS.NGND Trần Đức Viên cho biết, trong Luật Thủ đô 2024, phát triển nông nghiệp, nông thôn được quy định tại Điều 32, Điều 42; khoản 2, điểm e khoản 1, khoản 5 Điều 43.
Thời gian tới, mục tiêu phát triển nông nghiệp Hà Nội theo hướng tạo ra không gian kinh tế nông nghiệp nông thôn với các đặc trưng riêng trong một bức tranh tổng thể phát triển của Thủ đô "Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành một không gian du lịch hấp dẫn trong và ngoài nước.
Nông nghiệp ven đô Hà Nội không những có vai trò vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của TP mà còn là hình mẫu cho phát triển nông nghiệp ven đô trong cả nước. Vì vậy đầu tư phát triển nông nghiệp ven đô theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái trong giai đoạn tới là một trong những trọng tâm, chiến lược phát triển nông nghiệp của TP, góp phần xây dựng vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội của TP Hà Nội.
Theo đó, cần thiết lập vành đai xanh dọc theo sông Nhuệ kết nối các không gian mở và hệ thống công viên đô thị tạo vùng đệm và là không gian cách biệt giữa đô thị lõi lịch sử với phần mở rộng mới của đô thị hạt nhân trên tuyến vành đai 4, tránh việc phát triển theo vết dầu loang. Vành đai xanh dọc sông Nhuệ sẽ giảm tối đa mật độ xây dựng, tiến tới không phát triển dân cư đô thị chỉ có các công trình công cộng sinh thái cây xanh và mặt nước.
Bên cạnh đó, cần hình thành hành lang xanh dọc sông Đáy, sông Tích, sông Cà Lồ nhằm phân tách kiểm soát ngưỡng phát triển của đô thị hạt nhân và các đô thị vệ tinh. Hành lang xanh chiếm 68% tổng diện tích đất tự nhiên, có chức năng bảo vệ những khu vực tự nhiên quan trọng như: hệ thống sông hồ, vùng núi Ba Vì, Hương Tích, Sóc Sơn; bảo vệ vùng nông thôn, nông nghiệp năng suất cao, các làng xóm, làng nghề truyền thống, các di tích văn hoá và kiểm soát lũ lụt.
Cùng với thiết lập hành lang xanh thì cũng cần hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao: phát triển sản xuất nông nghiệp Hà Nội theo hướng sản xuất hàng hoá và công nghệ cao; ưu tiên trồng lúa chất lượng cao, trồng hoa và cây cảnh, cây ăn quả, trồng rau sạch, chăn nuôi đại gia súc, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển các làng nghề mới liên kết với các khu công nghiệp, sử dụng công nghệ không gây ô nhiễm và nâng cao tính cạnh tranh của các làng nghề. Hình thành các trung tâm tiểu vùng trong huyện là các thị trấn hoặc thị tứ về sản xuất nông nghiệp như: xã sản xuất lúa tại Thanh Oai, chăn nuôi bò sữa tại Ba Vì, nuôi trồng thủy sản tại Mỹ Đức, trồng rau an toàn tại Đông Anh, Sóc Sơn, trồng cây ăn quả tại Đan Phượng, trồng hoa tại Mê Linh, điểm dân cư tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tại các huyện: Thường Tín, Chương Mỹ,...
Cũng cần hình thành các mô hình phát triển theo địa bàn về nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, chuyên canh đặc thù gắn theo chuỗi giá trị với các cây, con đặc sản của Hà Nội. Từ đó, triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản nông nghiệp Hà Nội, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm không chỉ tại Hà Nội mà có thể đến các tỉnh và địa phương lân cận.
Liên kết phát triển nông nghiệp với các tỉnh lân cận
Theo GS.TS.NGND Trần Đức Viên, trong mối quan hệ khu vực và quốc tế, Thủ đô Hà Nội có nhiều lợi thế về vị trí địa - chính trị, lịch sử phát triển lâu đời và là đô thị trung tâm quan trọng của Việt Nam, có sức hút và tác động rộng lớn đối với Quốc gia trong khu vực và quốc tế. Để tạo nguồn cung cấp thực phẩm đa dạng, ổn định cho thị trường Hà Nội, ngoài định hướng phát triển nông nghiệp ven đô, Hà Nội cần tạo dựng vùng nguyên liệu sản xuất và cung cấp sản phẩm nông nghiệp lâu dài với các tỉnh lân cận.
Đồng thời, hình thành các liên kết chuỗi với các sản phẩm nông nghiệp đặc thù cho từng vùng, từng tỉnh lân cận. Hà Nội xác định là thị trường mục tiêu tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, với các sản phẩm truyền thống của các tỉnh lân cận như: nhãn lồng Hưng Yên; cam Cao Phong, Hòa Bình; chè Thái Nguyên,... đồng thời là nơi chuyển giao các kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến cho các vùng lân cận.
Ở cả 3 khu vực phát triển nông nghiệp theo không gian, Hà Nội tập trung theo hướng nông nghiệp hàng hóa, gắn với thế mạnh thương mại, dịch vụ du lịch và giữ gìn bản sắc lịch sử, các vùng chuyên canh ngoại ô và khu vực lân cận là nguồn cung cấp sản phẩm nông nghiệp cho nông nghiệp thương mại và trung tâm chuyển giao phát triển công nghệ nông nghiệp.
Hình thành chuỗi giá trị nông sản hàng hóa
Để phát triển nông nghiệp, nông thôn Thủ đô giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, GS.TS.NGND Trần Đức Viên cho rằng, Hà Nội cần thực hiện đổi mới về cơ chế, thể chế, đầu tư công để đẩy mạnh việc phát triển các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thực chất và các doanh nghiệp chế biến nông sản. Theo đó, cần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp bằng các hình thức hợp tác, tổ chức liên kết, có sự tham gia sâu rộng của các doanh nghiệp. Đồng thời, cần hình thành chuỗi giá trị nông sản hàng hóa, trong đó HTX là một tác nhân trong chuỗi, giữ vai trò quy tụ nhiều nông dân nhỏ để “làm bạn" với doanh nghiệp lớn, giúp nông sản hàng hóa của họ có thể vươn ra thị trường toàn quốc, vươn tới thị trường toàn cầu.
Nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp cho biết thêm, TP cần đảm bảo HTX bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong việc tiếp cận nguồn lực và trách nhiệm xã hội, không nên coi HTX "thấp hơn doanh nghiệp, hay kéo dài tình trạng doanh nghiệp “núp bóng” HTX". Xây dựng hệ thống chính sách tín dụng đặc thù cho HTX; tạo thuận lợi cho thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản hình thành trên đất hoặc từ vốn vay; khuyến khích tích lũy, sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản thuộc sở hữu tập thể trong HTX,...
GS.TS.NGND Trần Đức Viên tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Hà Nội đã có sự thay đổi đáng kể, được cả nước ghi nhận. Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, bước vào giai đoạn phát triển mới, TP cần có các giải pháp về cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy việc ứng dụng khoa học và kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đáp ứng mục tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025", sớm hiện thực hóa Luật Thủ đô 2024 trên mỗi cánh đồng, trong từng nhà xưởng, trong mỗi gia đình, ở mỗi làng quê...
"Hà Nội sẽ có một nền nông nghiệp đô thị xanh - an toàn - thân thiện và bền vững; một nông thôn hiện đại và thịnh vượng của văn hóa Tràng An và văn hóa xứ Đoài, với một tầng lớp nông dân mới, những “thanh nông tri điền" văn minh, nông dân của thời chuyển đổi số"- GS.TS.NGND Trần Đức Viên nhấn mạnh.
TS. Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, phát triển nông nghiệp đô thị sẽ giúp Hà Nội khai thác hiệu quả các không gian trống trong TP và tận dụng nguồn lực tại chỗ. Đây là cách để vừa đáp ứng nhu cầu lương thực, vừa tạo ra môi trường sống bền vững hơn. Hà Nội cần ban hành các quyết sách thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, định hướng phát triển nông nghiệp đô thị và gắn kết quá trình đô thị hóa với xây dựng nông thôn mới. |
![]() | Hà Nội: nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và Luật Thủ đô |
![]() | Huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông thành phố |
![]() | Phân cấp phân quyền nhằm thực hiện chính quyền đô thị hiệu quả |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại