Lý do Chủ tịch xã Thạch Khoán bị bắt?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Cơ quan Công an thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối với Văn Mạnh Thắng, Chủ tịch UBND xã Thạch Khoán. Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ |
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra lệnh bắt tạm giam, khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc đối với Văn Mạnh Thắng (SN 1972, trú tại khu Đình, xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ), Chủ tịch UBND xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định Văn Mạnh Thắng với cương vị là Chủ tịch UBND xã Thạch Khoán đã buông lỏng quản lý, làm ngơ, không có biện pháp ngăn chặn, dẫn đến tình trạng khai thác đất, san lấp trái phép tại khu Chiềng Nội, xã Thạch Khoán.
Liên quan đến vụ việc này, vào khoảng cuối tháng 4/2025, Hoàng Hải Long mua lại hơn 1ha đất rừng sản xuất của hộ anh Đinh Văn Trang (SN 1986). Sau khi mua được đất, Lê Hoàng Thắng và Hoàng Hải Long đã bàn bạc, thống nhất thuê phương tiện là máy xúc và ôtô để tổ chức khai thác đất trái phép tại khu đất nêu trên nhằm thu lợi bất chính.
Căn cứ các tài liệu chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra và nội dung phản ánh của cơ quan truyền thông, ngày 9/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra CA tỉnh Phú Thọ đã tạm giữ Lê Hoàng Thắng (SN 2003) và Hoàng Hải Long (SN 2002), đều có hộ khẩu ở khu Đồng Phú, xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn về hành vi vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đang tiếp tục điều tra, mở rộng làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Nguyên Legalsun, Đoàn Luật sư TP Hà Nội viện dẫn, tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 360, Bộ luật Hình sự 2015, thuộc nhóm tội phạm về chức vụ. Tội phạm này xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, gây mất uy tín, mất lòng tin của Nhân dân. Theo đó, tùy vào mức độ vi phạm khung hình phạt cho tội danh này là phạt tù từ 3 năm đến 12 năm.
Đối với hành vi vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, luật sư Đinh Thị Nguyên cũng cho biết, việc khai thác khoáng sản chỉ được tiến hành khi cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép (khoản 2 Điều 4, Luật Khoáng sản năm 2010). Do đó, khai thác khoáng sản trái phép được hiểu là một hành vi vi phạm pháp luật do cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động thu hồi khoáng sản mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp.
Khi đủ các yếu tố cấu thành tội phạm khai thác khoáng sản trái phép, cá nhân, tổ chức sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” được quy định tại Điều 227, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo đó, người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại