Lý do đề xuất bỏ hình phạt tử hình ở một số tội danh?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường Trần Hùng bị Toà án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử về tội ''Nhận hối lộ''. Ảnh: N.N |
Bỏ hình phạt tử hình, thay bằng hình phạt tù chung thân
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Theo Đề án “Rà soát, đánh giá những bất cập trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự liên quan đến áp dụng hình phạt tử hình và thi hành án tử hình; nghiên cứu giảm bớt tội danh bị áp dụng hình phạt tử hình”, tại tờ trình dự án Luật này, Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) 5 tội danh, bao gồm: tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Nhân dân” (Điều 109), “Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 114), “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh” (Điều 194), “Vận chuyển trái phép chất ma túy” (Điều 250), “Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược” (Điều 421).
Bên cạnh đó, bỏ hình phạt tử hình và thay thế hình phạt tử hình bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án ở một số tội danh khác như sau: “Gián điệp”, (Điều 110), “Tham ô tài sản” (Điều 353); “Nhận hối lộ” (Điều 354).
Như vậy, theo đề xuất của cơ quan soạn thảo, dự kiến bỏ hình phạt tử hình tại 8/18 tội danh (44,44%) có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành.
Dự thảo còn sửa đổi một số quy định khác liên quan đến hình phạt tử hình, bổ sung quy định về việc Tòa án có thể tuyên hoãn thi hành án tử hình 2 năm đối với người bị kết án tại thời điểm tuyên bản án tử hình. Quy định này vừa bảo đảm tính nhân đạo, vừa phù hợp với thực tiễn và giải quyết một số vướng mắc, bất cập về thời hạn nêu trên.
Theo Bộ Công an, thực tiễn cho thấy, trường hợp thi hành án tử hình nhanh nhất cũng mất 16 tháng với bị án không xin ân giảm và 30 tháng với bị án xin ân giảm, nên việc tạm hoãn 2 năm là phù hợp. Trong 2 năm đó, các đối tượng nêu tại khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự có thời gian để thực hiện khắc phục hậu quả (nộp 3/4 tài sản tham nhũng để chuyển thành tù chung thân).
Mặt khác, việc quy định thời hạn áp dụng khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự là 2 năm vừa bảo đảm công bằng, tránh việc lợi dụng. Thời hạn 2 năm để xét đơn ân giảm cũng giúp giảm áp lực cho Chủ tịch nước và các cơ quan giải quyết đơn xin ân giảm.
Ngoài ra, dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) còn bổ sung quy định tại Điều 60 về trường hợp hết thời hiệu thi hành bản án tử hình. Theo đó, sau khi hết thời hiệu thi hành bản án tử hình, người bị kết án tử hình được chuyển xuống hình phạt tù chung thân hoặc chung thân không xét giảm án; bổ sung quy định về thủ tục tố tụng khi người bị kết án được chuyển sang hình phạt tù chung thân hoặc chung thân không xét giảm án.
Yếu tố kinh tế phải được đặt lên đầu tiên
Nguyên Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ Phạm Trọng Đạt bày tỏ đồng tình với đề xuất của Bộ Công an về bỏ án tử hình với 8 tội danh, trong đó có nhóm tội tham nhũng. Ông Phạm Trọng Đạt chỉ rõ các tội “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ” đều có liên quan đến vấn đề về kinh tế nên yếu tố kinh tế phải được đặt lên đầu tiên.
Một trong những mục tiêu cao nhất của đấu tranh với tội phạm tham nhũng là thu hồi tài sản cho Nhà nước, nên nếu chỉ tập trung "phạt cho thật nặng" không phải giải pháp tốt nhằm thực hiện mục tiêu này. Xu thế chung của thế giới hiện nay cũng theo hướng giảm hoặc bỏ hình phạt tử hình, nhất là tội phạm về kinh tế. Vì vậy, đề xuất trên là phù hợp với xu thế chung.
Ông Phạm Trọng Đạt lý giải, đề xuất trên sẽ khích lệ những người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, lập công chuộc tội. Khi "chừa lại đường sống" cũng giúp người phạm tội bằng mọi giá, tích cực động viên gia đình, huy động, vay mượn từ người thân, bạn bè... cùng phối hợp nộp lại các tài sản tham ô, tham nhũng, từ đó nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản.
“Thực tế, có một số người phạm tội có tâm lý "hy sinh đời bố củng cố đời con" hoặc đằng nào cũng chết thì chẳng khai báo, hợp tác, huy động người thân, người thương nộp lại tài sản làm gì nữa" - nguyên Cục trưởng Cục Chống tham nhũng cho hay.
Để tránh tình trạng này, theo ông Phạm Trọng Đạt, nếu không áp dụng hình phạt tử hình, người phạm tội sẽ có động lực để sửa chữa những sai lầm của mình, khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, cần có tổng kết, đánh giá để tuyên truyền cho người dân thấy rõ không phải không tử hình là không xử lý nghiêm. Sự nghiêm minh của pháp luật thể hiện ở chỗ mọi hành vi vi phạm pháp luật phải bị phát hiện, xử lý kịp thời, đúng người, đúng tội, chứ không phải tử hình hoặc bỏ tù cho thật nhiều.
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nêu, việc giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng các hình phạt thay thế như phạt tiền hay cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm là nguyên tắc xuyên suốt trong tư duy lập pháp hiện đại.
Điều này đã được thể hiện rõ trong nhiều văn bản quan trọng của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, nghị quyết của T.Ư về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và nhiều chỉ thị khác của Đảng, Nhà nước.
Đối với 3 tội danh mà Bộ Công an đề xuất bổ sung vào danh sách bỏ hình phạt tử hình (“Gián điệp”, “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ”), Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng. Theo đó, tội “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ” có liên quan trực tiếp đến công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hiện nay của Đảng và Nhà nước. Những quy định nghiêm khắc hiện nay, trong đó có tử hình, đã góp phần tạo ra hiệu quả rõ rệt trong việc thu hồi tài sản tham nhũng.
Nếu xem xét bỏ án tử hình với các tội danh đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu cơ quan soạn thảo cần có kế hoạch truyền thông, phổ biến chính sách thật kỹ lưỡng, tránh gây ra phản ứng trái chiều trong xã hội.
Dự kiến, dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV. |
![]() | Đề xuất bỏ án tử hình với tội “Tham ô tài sản” và "Nhận hối lộ” |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại