Kỳ 2: Giải pháp ưu việt hỗ trợ doanh nghiệp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Người dân đến làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công TP Hà Nội. Ảnh: Mộc Miên |
Bước đi quan trọng để Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế và công nghệ số hàng đầu cả nước
Việc Hà Nội áp dụng chế độ ưu tiên "làn xanh" nhằm đảm bảo các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và đổi mới sáng tạo được triển khai nhanh và đồng bộ, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng.
Về nguyên tắc phân luồng, phối hợp xử lý hồ sơ, Hà Nội yêu cầu phải tập trung, khẩn trương giải quyết ngay các hồ sơ công việc theo cơ chế ưu tiên "làn xanh" nhằm rút ngắn thời gian xử lý, đảm bảo không chậm trễ, không quá hạn. Đồng thời tăng cường phân cấp, ủy quyền triệt để cho các đơn vị liên quan, giảm thiểu các bước trung gian, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh theo định hướng của Trung ương và của TP. Các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ, chủ động rà soát, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện, báo cáo kịp thời về UBND TP khi phát sinh khó khăn vượt thẩm quyền.
Hồ sơ thủ tục công việc cần ưu tiên giải quyết gồm 5 nhóm. Thứ nhất, hồ sơ liên quan đến đầu tư và phát triển hạ tầng: các thủ tục quy hoạch, đầu tư, giải phóng mặt bằng, chấp thuận và điều chỉnh chủ trương đầu tư, cấp phép, phê duyệt, điều chỉnh, giải ngân dự án và hồ sơ đấu thầu, đấu giá đất, giao đất, cấp phép xây dựng đối với các dự án đầu tư quy mô lớn. Đặc biệt là các dự án đầu tư công, FDI, PPP, các công trình trọng điểm, dự án hạ tầng khu công nghiệp, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, cụm công nghiệp, dự án phát triển năng lượng, dự án thương mại và đô thị, nhà ở xã hội…
Thứ hai là hồ sơ liên quan đến xuất khẩu, logistics và thương mại quốc tế: hồ sơ, thủ tục thông quan, vận chuyển hàng hóa quốc tế; cơ chế, chính sách đặc thù về logistics, kho bãi phục vụ xuất khẩu quy mô lớn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
Thứ ba, hồ sơ liên quan đến hỗ trợ tài chính và kích cầu tiêu dùng như hỗ trợ tài chính: vay vốn ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp trong các ngành mũi nhọn (công nghệ cao, giá trị gia tăng cao…); các cơ chế, chính sách, chương trình kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thị trường nội địa.
Thứ tư, hồ sơ liên quan đến nguồn nhân lực chất lượng cao và đổi mới sáng tạo, bao gồm: cấp phép nhanh cho chuyên gia, lao động kỹ thuật cao làm việc tại Hà Nội; thủ tục chấp thuận, cấp phép, phê duyệt các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), start-up công nghệ; đăng ký sáng chế, bản quyền, phát triển thương hiệu quốc tế…
Thứ năm, hồ sơ liên quan đến chuyển đổi số và phát triển hạ tầng thông minh, bao gồm: thủ tục phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số, đô thị thông minh, chính phủ điện tử; cho phép doanh nghiệp đầu tư vào dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, viễn thông, giao thông thông minh, vận tải công nghệ cao…
Chế độ ưu tiên "làn xanh" sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mới thành lập, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ số, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và nâng cao chỉ số cải cách hành chính của Hà Nội. Đây là bước đi quan trọng để Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế và công nghệ số hàng đầu cả nước.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức đăng ký kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội thông qua việc hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn trực tiếp và trực tuyến, Trung tâm Hỗ trợ và chăm sóc khách hàng (trực thuộc Trung tâm phục vụ hành chính công TP Hà Nội) đã thành lập Mô hình tư vấn hỗ trợ thành lập doanh nghiệp miễn phí tại tại 2 điểm: Chi nhánh số 01 của Trung tâm Phục vụ hành chính công TP (Số 258 Võ Chí Công, quận Tây Hồ, Hà Nội); Tháp BIDV (Số 194 Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Mô hình này thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực hành chính công, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia theo Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời giảm thiểu gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp mới thành lập.
Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội cũng đã công bố danh sách đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân trong việc chậm trễ xử lý các hồ sơ “làn xanh”, đồng thời yêu cầu, các đơn quản lý, phụ trách đường dây nóng, trang thông tin điện tử, hòm thư điện tử, Facebook, Zalo trên có trách nhiệm tiếp nhận, phản hồi kiến nghị của tổ chức, cá nhân về việc chậm trễ xử lý các hồ sơ “làn xanh” trong vòng 48 giờ sau khi nhận được phản ánh, kiến nghị theo chức năng nhiệm vụ hoặc hướng dẫn, chuyển đến các cơ quan thẩm quyền giải quyết, trả lời theo quy định.
![]() |
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trong một buổi làm việc lại Chi nhánh số 01 của Trung tâm Phục vụ hành chính công TP (số 258 Võ Chí Công, quận Tây Hồ, Hà Nội) |
Cơ hội cho các doanh nghiệp mới
Chị Lê Hoa - chủ một doanh nghiệp ở quận Long Biên, Hà Nội cho biết, chị rất phấn khởi và ủng hộ trước việc Hà Nội áp dụng chế độ ưu tiên “làn xanh” cho các doanh nghiệp.
“Trước đây, tôi rất ngại làm các thủ tục đăng ký kinh doanh, bởi không nắm được các thông tin, quy trình, thủ tục trước và sau thành lập doanh nghiệp, hay lo lắng về tình trạng mất phí khi làm các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, thủ tục gồm nhiều khâu khiến thời gian chờ đợi lâu cũng khiến tôi chần chừ. Một rào cản nữa với tôi là thiếu kỹ năng về công nghệ. Tuy nhiên, giờ đây tôi hoàn toàn yên tâm vì chế độ ưu tiên “làn xanh” có thể giải quyết được những khó khăn, lo lắng trước đây của tôi. Đây cũng là động lực để tôi mở rộng kinh doanh trong thời gian tới”, chị Lê Hoa chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Xuân Hương - hội viên Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội đánh giá cao những chính sách của Hà Nội trong phát triển kinh tế - xã hội, một trong số đó là chế độ ưu tiên “làn xanh” cho các doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Xuân Hương cho rằng, việc hỗ trợ đăng ký kinh doanh đơn giản và nhanh chóng, đa kênh cho các doanh nghiệp là vô cùng cần thiết. Đây chính là yếu tố then chốt để thúc đẩy kinh tế số, hoàn thành mục tiêu của Hà Nội đến năm 2025 phát triển 10.000 doanh nghiệp công nghệ số, thành lập mới 150.000 doanh nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 30.000 doanh nghiệp mỗi năm, hướng mục tiêu tăng trưởng GRDP của TP đạt 8% trở lên trong năm 2025,…
“Nhiều thủ tục, đợi chờ lâu vẫn luôn là rào cản đối với những người làm kinh doanh như chúng tôi khi thực hiện đăng ký kinh doanh. Thực tế, khi đi làm thủ tục, nhiều người vẫn còn mơ hồ, không biết bắt đầu từ đâu, không hiểu hồ sơ của mình đã đầy đủ, đạt tiêu chuẩn hay chưa; không nắm được các quy trình, đến các đơn vị có thẩm quyền, họ bảo sao làm vậy, thậm chí có hiện tượng “đẩy qua đẩy lại” khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn.
Hơn nữa, với nhiều người không biết hoặc biết sơ sài về các kỹ năng công nghệ số thì càng lúng túng khi thực hiện các thủ tục đăng ký. Vì vậy, những cải thiện về quy trình trong cải cách hành chính, đặc biệt là chế độ ưu tiên “làn xanh” cho các doanh nghiệp sẽ góp phần tạo sự minh bạch, thuận tiện và niềm tin cho các cá nhân, tổ chức trong việc thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh… Từ đó có những đóng góp quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Hà Nội”, bà Nguyễn Thị Xuân Hương cho biết.
Bà Nguyễn Thị Xuân Hương cũng đánh giá cao việc Hà Nội triển khai Mô hình tư vấn hỗ trợ thành lập doanh nghiệp miễn phí với nhiều nội dung như tư vấn pháp lý miễn phí, hỗ trợ tài chính nguồn vốn, hỗ trợ về thuế và kế toán,…
“Đây là mô hình rất hay và ý nghĩa với các doanh nghiệp mới, giúp các doanh nghiệp có thể tiết kiệm thời gian, chi phí tư vấn đắt đỏ, tiếp cận nguồn tài chính như thông qua việc kết nối với các quỹ đầu tư, các chương trình vay vốn hỗ trợ hoặc các quỹ khởi nghiệp của chính phủ…”, bà Nguyễn Thị Xuân Hương nhấn mạnh.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Xuân Hương - hội viên Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội đánh giá cao việc Hà Nội áp dụng chế độ ưu tiên "làn xanh" tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. |
Với mong muốn mở công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch từ lâu nhưng anh Hoàng Văn Tuấn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) không biết bắt đầu từ đâu vì theo anh các thủ tục đăng ký khá rườm rà. Nghe những người bạn từng thành lập công ty “than” quy trình phức tạp, mất nhiều thời gian, cộng với bản thân không nắm chắc các quy định về thành lập công ty nên anh cũng "nản".
“Bước chân vào kinh doanh, không chỉ cần nguồn vốn, các kỹ năng kinh doanh, sự sáng tạo, tầm nhìn,… mà còn phải hiểu rõ các quy định của pháp luật về việc thành lập công ty, về thuế, sổ sách kế toán,… để tránh những sai sót, đồng thời tuân thủ các quy định về báo cáo tài chính. Thế nhưng, không phải ai cũng nắm rõ những điều đó.
Việc Trung tâm Phục vụ hành chính công TP thành lập Mô hình tư vấn hỗ trợ thành lập doanh nghiệp miễn phí theo tôi là giải pháp đúng đắn. Chúng tôi được tư vấn lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế, mong muốn của bản thân; hỗ trợ nộp hồ sơ trực tuyến; được hướng dẫn hỗ trợ dịch vụ pháp lý trước và sau khi doanh nghiệp được hình thành; được hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; hỗ trợ tư vấn chuyên sâu,… Bên cạnh đó, chúng tôi được tư vấn để hiểu rõ các quy định về thuế, lập kế hoạch tài chính, quản lý chi phí, sổ sách kế toán… Có thể nói, các khâu từ A đến Z đều được tư vấn rõ ràng, chi tiết. Sự đồng hành, tạo điều kiện đó sẽ trở thành động lực để chúng tôi phát triển kinh doanh”, anh Hoàng Văn Tuấn cho biết.
Mọi thông tin, phản hồi các kiến nghị của người dân trong việc chậm trễ xử lý các hồ sơ “làn xanh” có thể gửi về:
|
(Còn nữa...)
Kỳ 1: Tạo đột phá quy trình minh bạch thủ tục hành chính |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại