Mỗi sản phẩm OCOP của Hà Nội đều toát lên giá trị văn hóa của dân tộc
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMỗi sản phẩm OCOP của Thủ đô đều mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của vùng miền, dân tộc. |
Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, TP Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề và làng có nghề lớn nhất toàn quốc với 1.350 làng nghề, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước nên có nhiều lợi thế trong việc đánh giá, phân hạng sản phẩm cũng như giới thiệu, quảng bá, xúc tiến các sản phẩm OCOP.
Trong 6 nhóm sản phẩm của Chương trình OCOP (thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm - nội thất - trang trí, vải và may mặc, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch), TP Hà Nội có nhiều nông sản, thực phẩm có giá trị cao về kinh tế, văn hóa…
Cũng theo số liệu từ Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến cuối năm 2022, TP Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được hơn 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đã trình Bộ NN&PTNT xem xét, đánh giá, phân hạng); 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, từ sự hỗ trợ của chính quyền thông qua xây dựng sản phẩm OCOP, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã đã đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, cải tiến mẫu mã, bao bì... tăng sức cạnh tranh trên thị trường và phát huy giá trị các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của từng vùng. “Những kết quả đạt được, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy Chương trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao của TP Hà Nội sớm về đích”, ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.
Những năm qua, TP Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP nhằm tạo dựng hình ảnh và quảng bá sản phẩm của Thủ đô Hà Nội đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. TP Hà Nội cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Đặc biệt, những sản phẩm OCOP của Hà Nội đều mang những nét đặc trưng riêng song ở mỗi sản phẩm đều toát lên giá trị văn hóa của dân tộc.
Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đó là nhờ sự cố gắng và nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, sự năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, dám nghĩ, dám làm, tư duy nhạy bén của các doanh nghiệp và người dân.
Theo ông Chu Phú Mỹ, để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, TP Hà Nội xác định cần tập trung giải quyết một số vấn đề căn bản như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm như Quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu; Phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; Hỗ trợ về vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác, phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế…
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội, cho biết, sản phẩm OCOP mang tính cộng đồng, địa phương nên hầu hết các sản phẩm đều bắt nguồn, chứa đựng những nét truyền thống của cộng đồng dân cư. Trong câu chuyện sản phẩm khi tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể đã thể hiện được truyền thống lịch sử và những giá trị văn hóa của sản phẩm trong suốt chiều dài thời gian. Do đó, những tác động của sản phẩm đến cộng đồng, không chỉ dừng lại ở tạo việc làm, nâng cao thu nhập... mà còn là sự chuyển tải, quảng bá văn hóa vùng miền tới cộng đồng người tiêu dùng trên thị trường.
Mỗi sản phẩm OCOP, là sứ giả văn hóa của một vùng quê, bởi nó mang đầy đủ hồn cốt, nét truyền thống văn hóa và tập quán sinh hoạt của người dân vùng đó. Để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa trong sản phẩm OCOP, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đã thực hiện hỗ trợ các chủ thể sản xuất có những sản phẩm đặc hữu, đặc trưng, thế mạnh đầu tư sản xuất để gia tăng số lượng, chất lượng, sức lan tỏa của sản phẩm đến với người tiêu dùng. Đồng thời, tuyên truyền về giá trị văn hóa của sản phẩm để các chủ thể chú trọng lưu giữ, phát huy và người tiêu dùng biết đến, lựa chọn.
“Chúng tôi sẽ hỗ trợ để các chủ thể, các địa phương tham gia hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng, từ đó nâng tầm sản phẩm OCOP cấp TP”, ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, năm 2022 và các năm tiếp theo, TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của Hà Nội và các địa phương bạn vào hệ thống siêu thị, cửa hàng, điểm bán sản phẩm OCOP.
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí, TP Hà Nội có trách nhiệm lan tỏa và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của cả nước. Đây cũng là việc làm thiết thực của TP giúp sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô. Với tinh thần “vì cả nước”, Hà Nội đã, đang và sẽ thể hiện rõ vai trò “đầu tàu” trong việc hỗ trợ các tỉnh, TP giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trên thị trường Thủ đô, tạo động lực để chương trình này phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại