Thứ năm 23/01/2025 06:23
Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội:

Nâng cao nhận thức pháp luật của người dân tộc thiểu số ở xã vùng xa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Cùng với sự phát triển về kinh tế xã hội, sau 15 năm mở rộng địa giới, tại xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai (tỉnh Hà Tây cũ), Hà Nội, các vấn đề về phổ biến giáo dục pháp luật cho bà con cũng có những bước tiến mới. Theo đó, khi công tác tuyên truyền ngày càng có chất lượng và đi vào chiều sâu, thì ý thức và trình độ nhận thức pháp luật của người dân tộc thiểu số được nâng cao.
Nâng cao nhận thức pháp luật của người dân tộc thiểu số ở xã vùng xa
Người dân tộc Mường tại xã Phú Mãn lên UBND để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Ảnh: N.D

Nhận thức về pháp luật của bà con được nâng cao

Sau khi hướng dẫn 2 công dân người Mường điền vào mẫu, đồng thời tranh thủ “dặn dò” về những vấn đề liên quan đến hôn nhân, gia đình cũng như việc quan điểm về con trai con gái, anh Bùi Minh Cường – cán bộ Tư pháp xã Phú Mãn (Quốc Oai) vui vẻ đưa tờ chứng nhận đăng ký kết hôn cho họ.

Cũng không giấu giếm, anh cho biết: “Người dân tộc bây giờ khi lên xã làm những thủ tục về tư pháp hầu như không cần hướng dẫn. Việc thực hiện trên cổng dịch vụ công trực tuyến bà con cũng nắm rõ. Đồng thời các quy định cơ bản về Luật Hôn nhân gia đình hay Pháp lệnh Dân số họ cũng nắm được và tuân thủ một cách nghiêm túc.”

Xã Phú Mãn là xã miền núi, thuần nông nằm ở phía Tây huyện Quốc Oai. Với dân số 2.338 nhân khẩu/638 hộ, trong đó dân tộc Mường chiếm 87,6% còn lại là các dân tộc Kinh, Tày, Thái, Dao, Cao Lan. Xã Phú Mãn được chia thành 5 thôn và 1 cụm dân cư với diện tích 902,69ha trong đó đất đồi núi và núi cao chiếm 44%, còn lại là đất nông nghiệp và đất ở nông thôn. Bởi người dân tộc thiểu số chiếm đa số, nên theo anh Cường, công tác phổ biến giáo dục pháp luật cũng có những đặc thù.

Anh Cường cho biết, khác với những cán bộ tư pháp ở các xã, phường 100% là người Kinh, với những người dân tộc, việc phổ biến giáo dục pháp luật thường gặp những khó khăn hơn. Bởi lẽ, do tập quán, tập tục của người dân tộc thiểu số ngày xưa còn tồn tại, cũng như trước khi, do sự khó khăn về địa hình đồi núi cũng như trắc trở về giao thông, nên trình độ nhận thức của người dân có hạn.

“Tuy nhiên chục năm trở lại đây, nhất là sau khi Hà Nội mở rộng địa giới, huyện Quốc Oai là một huyện trực thuộc thành phố Hà Nội, thì xã đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền thành phố, ngoài đời sống kinh tế, văn hóa y tế, giáo dục được nâng cao, thì nhận thức pháp luật của người dân cũng nâng cao đáng kể.” – anh Cường nói.

Đã làm công tác tư pháp nhiều năm ở xã, hiểu tường tận ngọn nguồn những tập quán cũng như người dân ở đây, nhưng khi làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật, cũng không hẳn đã thuận lợi. “Khó nhất là khi tổ chức những hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, người dân thường có lý do để không có mặt. Những khi như thế, thường chúng tôi sẽ phải đến nhờ cậy các trưởng thôn, trưởng bản để họ động viên người dân đến.”- anh Cường chia sưe

Khó thì cũng có cái khó, nhưng dễ thì rất dễ: “người dân ở đây chất phác, nên khi họ đã tin tưởng cán bộ rồi, thì câu chuyện đối với họ lại rất dễ. Vậy nên ngoài những hội nghị, những câu chuyện phát trên đài phát thanh, những dịp hội họp, những dịp giỗ Tết, cưới xin… là thời điểm khá thuận lợi để tuyên truyền với người dân về pháp luật. Đặc biệt, nếu khéo lồng ghép, những buổi đó còn có những câu chuyện, tình huống cụ thể để nói với họ” – anh Cường vui vẻ nói.

Nhìn lại những điều đã làm được, người cán bộ tư pháp này cho biết, không chỉ ở dưới thị thành, phường quận ở Hà Nội, người dân trên xã Phú Mãn cũng nhận thức rất rõ về việc không uống rượu bia khi lái xe. “Đấy là một chuyển biến cực kỳ rõ nét trong vài năm trở lại đây, bên cạnh những điểm khác như xóa bỏ hoàn toàn tục tảo hôn, bạo hành gia đình hay bình đẳng giới” – theo anh Cường.

Nâng cao nhận thức pháp luật của người dân tộc thiểu số ở xã vùng xa
Hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Phú Mãn. Ảnh: N.D

Từ tháng 9 đến nay không phát sinh vụ việc tại các tổ hòa giải

Có mặt tại bộ phận một cửa ngày hôm ấy, anh Bùi Xuân Minh (SN 1994, thôn Trán Voi, xã Phú Mãn) cho biết, anh là người dân tộc Mường, lên xã để làm thủ tục đăng ký kết hôn.

“Cuối tuần này gia đình tổ chức đám cưới nên hôm nay lên lấy giấy đăng ký cho kịp.” – anh cho biết. Và lý giải việc nhất quyết phải có giấy đăng ký kết hôn trước khi tổ chức đám cưới, anh nói: “Nếu chưa đăng ký kết hôn, bạn bè bảo đó chưa chính thức là vợ chồng hợp pháp.”

Chia sẻ về tiệc cưới, anh Minh cho biết việc có rượu trong tiệc cưới là chuyện không thể không có. “Nó là nét văn hóa, cũng là tập tục không chỉ riêng của dân tộc Mường chúng tôi. Tuy nhiên khi đi tham dự, gia đình nào đi 2 người sẽ có một người không uống rượu để sau khi tan tiệc, người không uống sẽ đi xe chở người kia về. Còn nếu đi một mình, thường sẽ gọi xe đến để đưa về. Còn nếu không được nữa thì ở lại luôn nhà đám, khi nào hết rượu thì về.” – anh Minh nói.

Ngoài việc không uống rượu khi tham gia giao thông, anh còn cho biết, thế hệ các anh cũng đã hiểu rất rõ về bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình là hành vi vi phạm pháp luật, cũng như việc phân biệt con trai, con gái là điều không tốt.

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Công Nhật, Phó chủ tịch UBND xã Phú Mãn cho biết, trong các năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền về công tác tuyên truyền PBGDPL luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm thường xuyên. Hàng năm UBND xã đã ban hành các kế hoạch về công tác tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn xã.

Công tác tuyên truyền PBGDPL tại địa phương được các cấp ủy, chính quyền các ngành đoàn thể triển khai tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng nhiều hình thức phong phú, có hiệu quả như lồng ghép vào các Nghị quyết của Đảng ủy, HĐNH, chương trình công tác của UBND xã.

Với những nỗ lực đó, UBND xã đã có 100% cán bộ, công chức và người lao động tại cơ quan tham gia cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường và quy tắc ứng xử với việc bảo vệ môi trường, 100% cán bộ, công chức và người lao động tại cơ quan tham gia cuộc thi trực tuyến tìm hiểu 1010 năm Thăng Long – Hà Nội.

Năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, UBND xã linh hoạt chuyển sang tuyên truyền bằng các hình thức phát tờ rơi, treo băng rôn khẩu hiệu về phòng chống dịch bệnh tại các trụ sở công cộng, các nơi tập trung đông người. Đài truyền thanh phát sóng 155 lượt về công tác phòng chống dịch bệnh và tuyên truyền về Luật Đấ đai năm 2013, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012; Luật Bảo vệ môi trường 2014; Luật Phòng chống bạo lực gia đình… cùng các văn bản hướng dẫn, các Nghị định của chính phủ về việc xử phạt hành chính trên các lĩnh vực như trật tự xây dựng, an toàn giao thông…

Ông Nhật cũng cho biết, từ năm 2019 đến tháng 6/2023, UBND xã tổ chức được 2 hội nghị tuyên truyền PBGDPL, có hơn 200 người tham dự.

“Nhận thức và ý thức pháp luật của cán bộ, Nhân dân trên địa bàn xã đã nâng lên rõ rệt. Do vậy, trong thời gian qua, tình hình an ninh – chính trị, kinh tế - xã hội trên địa bàn xã cơ bản được ổn định và giữ vững.” – ông Nhật nói.

Nói thêm về công tác hòa giải, theo ông Nhật, từ năm 2019 - tháng 6/2023, trên toàn xã không phát sinh vụ việc tại các tổ hòa giải. “Đó cũng là minh chứng cho việc chuyển biến trong nhận thức pháp luật của người dân” – lời ông Nhật.

Đồng hành, nâng cao nhận thức pháp luật của phụ nữ Đồng hành, nâng cao nhận thức pháp luật của phụ nữ
Nâng cao nhận thức pháp luật cho đoàn viên, đội viên và thanh thiếu nhi Nâng cao nhận thức pháp luật cho đoàn viên, đội viên và thanh thiếu nhi
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động