Thứ năm 23/01/2025 11:08
Uỷ ban TVQH cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Người tiêu dùng dân tộc thiểu số có quyền giao kết hợp đồng bằng chữ viết, tiếng nói của mình

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 15/2, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Người tiêu dùng dân tộc thiểu số có quyền giao kết hợp đồng bằng chữ viết, tiếng nói của mình
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp sáng 15/2

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ công

Đề cập về các các vấn đề đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, để làm rõ hơn việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ công, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại khoản 10 Điều 4 theo hướng khi sử dụng dịch vụ công người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Đồng thời, để ngăn chặn việc cung cấp các dịch vụ không bảo đảm chất lượng, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 35 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ công) không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết.

Về trách nhiệm của người tiêu dùng (Điều 5), nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một khoản quy định về nghĩa vụ theo hướng người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật. Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, việc bổ sung quy định này sẽ là cơ sở để phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và giúp người tiêu dùng thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với hoạt động mua, bán và sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ.

Liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương (Điều 8), nhiều ý kiến đề nghị bổ sung nhóm người nghèo vào dự thảo Luật. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã bổ sung điểm g bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là người nghèo (“thành viên của hộ nghèo”) tại khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật.

Về các vấn đề cần xin ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, về khái niệm người tiêu dùng (khoản 1 Điều 3), Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề xuất 02 phương án tiếp thu như trong dự thảo Luật để xin ý kiến UBTVQH:

Phương án 1: Giữ như Luật hiện hành, đồng thời bổ sung nội dung “và không vì mục đích thương mại”, cụ thể như sau: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại.”

Phương án 2: Giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội, cụ thể như sau: “Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại”.

Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thống nhất theo Phương án 1.

Cần cân nhắc thêm vấn đề thu thập thông tin người tiêu dùng

Liên quan tới vấn đề thu thập thông tin người tiêu dùng quy định tại khoản 1 Điều 16, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng vấn đề này phải cần nhắc và xem xét thêm. Bởi hiện nay, nếu quy định như trong dự thảo luật sẽ không phù hợp với các giao dịch điện tử trực tuyến. Khi thực hiện giao dịch thương mại trên nền tảng trực tuyến, thông tin người tiêu dùng là một trong những nội dung bắt buộc để có thể thực hiện giao dịch và thường là các thông tin về họ tên, địa chỉ, số điện thoại, thẻ ngân hàng hoặc tài khoản cho phép thanh toán.

Người tiêu dùng dân tộc thiểu số có quyền giao kết hợp đồng bằng chữ viết, tiếng nói của mình
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Ngoài ra, trong quy định của dự thảo Luật có ghi bằng hình thức phù hợp thì cũng mang tính định tính, khó đảm bảo được tính khả thi, quy phạm do khó xác định được thế nào là phù hợp.

Do đó, Tổng thư ký Quốc hội cho rằng vấn đề này cần xem xét để chỉnh lý cho phù hợp với cái thực tiễn và chặt chẽ. Bởi khi mà tiến hành giao dịch thì những thông tin cần thiết rõ ràng phải được điền vào các thông số để thực hiện giao dịch.

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga góp ý về quy định liên quan đến khái niệm người tiêu dùng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga tán thành với loại ý kiến quy định khái niệm người tiêu dùng là có cả tổ chức. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, phương án này sẽ tạo được cơ chế bảo vệ nhanh chóng, hiệu quả khi xảy ra các trường hợp số đông người tiêu dùng bị thiệt hại do vi phạm từ phía nhà sản xuất kinh doanh, nhất là các trường hợp như nhà trẻ, trường học, doanh nghiệp mua hàng tiêu dùng như trẻ em, học sinh cho công nhân…

Cần thiết bổ sung quy định người dân tộc thiểu số có quyền được dùng tiếng nói, chữ viết của mình để giao kết hợp đồng

Về ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng (khoản 2 Điều 22), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị Ban soạn thảo có nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định trong trường hợp các bên thỏa thuận thì được thực hiện hợp đồng giao kết thêm bằng tiếng dân tộc thiểu số để đảm bảo thực hiện đúng các quy định và các dân tộc có quyền được dùng tiếng nói, chữ viết của mình (nêu tại khoản 3 Điều 5 của Hiến pháp năm 2013).

Người tiêu dùng dân tộc thiểu số có quyền giao kết hợp đồng bằng chữ viết, tiếng nói của mình
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê phát biểu ý kiến tại phiên họp

Bên cạnh đó, việc sử dụng chữ viết, tiếng dân tộc thiểu số nhằm phát huy, gìn giữ chữ viết của người dân tộc thiểu số. Đặc biệt việc bán hàng hóa, nhất là bán hàng đa cấp, vào vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số khá nhiều. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, việc sử dụng như vậy nhằm đảm bảo quyền lợi và bảo vệ tốt hơn cho người tiêu dùng. Hiện nay trong một số luật cũng đã quy định về nội dung này như tại Điều 50, Điều 105 của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022… Đây cũng là những quy định nhằm bảo vệ những người yếu thế.

Đồng thời Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị xem xét sự phù hợp trong quy định, trong trường hợp có sự khác biệt giữa bản tiếng Việt và tiếng nước ngoài, bản nào có lợi hơn cho người tiêu dùng thì được ưu tiên áp dụng.

Về hòa giải, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định khi xảy ra tranh chấp mà người tiêu dùng là người dân tộc thiểu số thì thành viên tham gia tổ hòa giải, tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân phải có người dân tộc thiểu số tham gia. Quy định này nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy định của một số luật hiện hành như khoản 1 Điểu 12 của Luật Hòa giải cơ sở năm 2013 về tổ hòa giải, khoản 8 Điều 3 của Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án năm 2020 về quyền dùng tiếng nói, chữ viết trong hòa giải đối thoại tại Tòa án.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng không được làm phương hại đến quyền nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác có liên quan

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường được chuẩn bị khá công phu; đồng thời đánh giá cao ý kiến phát biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, cần làm rõ căn cứ để lựa chọn, thực tiễn thi hành pháp luật theo đặc thù của Việt Nam, tính hiệu quả và khả thi, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy phát triển một cách lành mạnh kinh tế - xã hội của đất nước.

Về vấn đề giải quyết tranh chấp tại tòa án, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tán thành với phương án 1, đồng thời lưu ý để đảm bảo tính thống nhất của Bộ luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Bộ luật tố tụng dân sự cần tiếp tục rà soát kỹ các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 69 của dự thảo Luật này để đảm bảo thống nhất với các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn tại Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành. Chủ tịch Quốc hội cho rằng có thể quy định cụ thể thêm hoặc giao cho Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn.

Về một số vấn đề khác, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh khi tập trung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì nghĩa vụ, trách nhiệm gắn theo được quy định như thế nào để bảo đảm ngang bằng trong quyền và nghĩa vụ bảo vệ, các chủ thể người tiêu dùng, người sản xuất hay phân phối cũng đều ngang bằng, bình đẳng với nhau trước pháp luật. Do đó không được làm phương hại đến quyền nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác có liên quan và nhất là vấn đề chi phí tuân thủ pháp luật.

Liên quan đến Điều 5 dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây cũng là vấn đề cần xin ý kiến; đồng thời cần rà soát lại một số quy định có vẻ như đã đưa thêm những điều kiện ràng buộc vượt ra ngoài khuôn khổ cần thiết, thậm chí là vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật tạo thêm gánh nặng tuân thủ pháp luật cho người sản xuất và nhà phân phối. Đây là nhóm quy định cần rà soát để báo cáo sâu với Quốc hội để xem xét và quyết định.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, tại Điều 39 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng dường như dự án luật này đang giao quá nhiều nghĩa vụ vượt ra ngoài phạm vi của các tổ chức này, có những quy định trùng lặp với nghĩa vụ của các tổ chức và cá nhân bán hàng về chi phí tuân thủ pháp luật, tạo thêm gánh nặng không cần thiết và chưa chắc đã khả thi. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà lại khoản 2 Điều 39 và toàn bộ Chương II về trách nhiệm tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng.

Bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp trước nạn hàng giả, hàng nhái
Thị trường tiêu dùng nội địa cứu cánh xuất khẩu
Đăng Khôi
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động