Thứ hai 14/07/2025 13:29

Xử lý vi phạm về thực phẩm bẩn: cần liều thuốc mạnh hơn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Để bóc tách “khối u” thực phẩm bẩn, cần thiết phải sử dụng liều thuốc “đắng hơn”, mạnh hơn. Cùng với đó, theo ý kiến một số luật sư, trách nhiệm của những cơ quan, tổ chức trong từng sự việc liên quan đến thực phẩm bẩn đến đâu cũng cần được các cơ quan chức năng làm rõ.
Xử lý vi phạm về thực phẩm bẩn: cần liều thuốc mạnh hơn
Các đối tượng bị cơ quan điều tra khởi tố liên quan đến việc buôn bán, tiêu thụ lợn chết, lợn bệnh ra chợ, quán ăn trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: CACC

Ẩn họa khôn lường từ buôn bán thực phẩm bẩn

Ngày 9/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố 3 vụ án liên quan đến việc buôn bán, tiêu thụ lợn chết, lợn bệnh ra chợ, quán ăn trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, qua công tác nắm tình hình địa bàn và tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, Phòng Cảnh sát Kinh tế CATP Hà Nội phát hiện tại một số địa điểm trên địa bàn xuất hiện tình trạng giết mổ, tiêu thụ thịt lợn chết, lợn nhiễm bệnh.

Ngay sau đó, Phòng Cảnh sát kinh tế đã báo cáo lãnh đạo CATP Hà Nội và khẩn trương xác minh, làm rõ. Ngày 30/6, tổ công tác của Phòng Cảnh sát Kinh tế phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17 - Chi cục Quản lý thị trường và Chi cục chăn nuôi, thủy sản và thú y - Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội kiểm tra cơ sở giết mổ lợn tại xã Khánh Hà, huyện Thường Tín (cũ) của Lê Văn Tươi (SN 1994; trú tại thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín - nay là xã Thường Tín, Hà Nội) và phát hiện cơ sở này có nhiều con lợn có biểu hiện nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Lực lượng chức năng đã thu giữ 45 con lợn sống, 1.050kg thịt lợn nguyên con đã giết mổ, 450kg nội tạng lợn.

Bước đầu, anh Lê Văn Tươi khai nhận, đã mua thu gom lợn dịch bệnh về để giết, mổ bán làm thực phẩm cho một số cá nhân kinh doanh thịt lợn tại một chợ đầu mối trên địa bàn TP. Hàng ngày, Tươi tổ chức mổ khoảng 40 - 50 con lợn từ khoảng 0 giờ 30 phút đến 3 giờ 00 phút với giá nhập là từ 35.000 đồng - 40.000 đồng/kg hơi, sau khi giết mổ bán ra với giá 55.000 đồng - 60.000 đồng/kg thịt. Mở rộng điều tra, cơ quan công an cũng làm rõ Đặng Văn Huy (SN 1987, trú tại phường Tùng Thiện, Hà Nội) là đối tượng thu gom lợn bệnh bán lại cho cơ sở giết mổ của Tươi.

Tiếp đó, ngày 1/7, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tại chợ Phùng Khoang, phường Đại Mỗ, TP Hà Nội. Quá trình kiểm tra kiot của Dư Đình Hợi (SN 1983, trú tại xã Hòa Xá, Hà Nội), phát hiện 367kg thịt lợn có hiện tượng biến đổi màu sắc và bốc mùi. Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định, từ đầu năm 2025 đến nay, Dư Đình Hợi mua lợn chết với giá khoảng 20.000 đồng/kg rồi mang về tập kết tại nhà riêng.

Tại đây, Hợi mổ phanh lợn rồi dùng xe tải vận chuyển ra khu vực chợ Phùng Khoang để tiêu thụ. Tại kiot của mình, Hợi cùng vợ sơ chế thịt rồi trực tiếp bán cho khách hàng. Để tránh cơ quan chức năng và người tiêu dùng phát hiện, Dư Đình Hợi sử dụng tiết lợn để tẩm lên các miếng thịt với mục đích làm tươi và để lẫn với thịt lợn tươi sống khác trên bàn thịt. Kiểm tra kiot tại chợ Phùng Khoang của Nguyễn Viết Chiếm (SN 1987, trú tại xã Hòa Xá, Hà Nội), lực lượng chức năng cũng thu giữ 426kg thịt lợn có dấu hiệu mất vệ sinh ATTP và nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Với thủ đoạn che giấu tương tự như Hợi, Nguyễn Việt Chiếm cũng thu mua lợn chết với giá khoảng 20.000 đồng/kg rồi mang về tập kết tại nhà riêng rồi vận chuyển lợn ra kiot để sơ chế rồi bán lại cho khách hàng; trong đó có khách hàng bán lại cho các cửa hàng, nhà ăn để kiếm lời. Trung bình 1 ngày Chiếm bán từ 5 đến 7 con với khối lượng khoảng 1 tấn.

Căn cứ vào tài liệu thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố 3 vụ án vi phạm quy định về ATTP; đồng thời, tạm giữ hình sự đối với Lê Văn Tươi, Đặng Văn Huy, Dư Đình Hợi, Nguyễn Viết Chiếm để xử lý theo quy định. Hiện, Phòng Cảnh sát kinh tế CATP Hà Nội đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định.

Chế tài đã có, nhưng…

Luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Nguyên Legalsun, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hà Nội khởi tố 3 vụ án vi phạm quy định về ATTP, được quy định tại Điều 317, Bộ luật Hình sự năm 2015, đồng thời tạm giữ hình sự đối với các đối tượng trong vụ việc là hoàn toàn có căn cứ, phù hợp với quy định pháp luật.

Theo đó, trường hợp bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”, các đối tượng có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất có thể tới 20 năm tù. Ngoài ra, nhóm đối tượng có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, mức cao nhất là bị phạt tù 12 - 20 năm nếu gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Về trách nhiệm dân sự, theo luật sư Đinh Thị Nguyên, những đối tượng này có thể bị yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu người tiêu dùng chứng minh được sức khỏe hoặc tài sản của mình bị tổn hại do sử dụng thịt lợn không đạt chuẩn. Nhìn nhận vai trò của cơ quan chức năng, luật sư Đinh Thị Nguyên cho rằng, cần tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất thực phẩm; xây dựng cơ chế xử lý mạnh tay để răn đe các đối tượng có hành vi tương tự.

Liên quan đến chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm ATTP, luật sư Đinh Thị Nguyên kỳ vọng, việc tăng mức xử phạt gấp hai lần đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực ATTP được quy định tại Luật Thủ đô 2024 không chỉ thể hiện sự quyết liệt, vào cuộc đồng bộ của cơ quan chức năng trong thực hiện công tác bảo đảm ATTP, mà còn là chế tài mạnh với các đối tượng kinh doanh, buôn bán thực phẩm bẩn. Khi đó, người tiêu dùng sẽ bớt đi nỗi lo về thực phẩm không an toàn.

Đơn cử như việc xử lý trách nhiệm của những người đứng đầu địa phương, đơn vị quản lý, nếu như để phát hiện, tồn tại những cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm bẩn… Thậm chí, tăng mức xử lý vi phạm, xử lý hình sự đối với các trường hợp vi phạm, có như vậy thực phẩm bẩn mới không còn đất sống, luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết.

Vừa qua, CATP Hà Nội khởi tố 11 vụ án với 21 bị can về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm"; chuyển 8 vụ việc đến cơ quan công an để xác minh, điều tra, xử lý. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh có thương hiệu vi phạm ATTP khi vi phạm đã bị tạm đình chỉ để khắc phục; chỉ được hoạt động trở lại khi đoàn kiểm tra tái kiểm tra, ghi nhận bảo đảm điều kiện ATTP...
Không khoan nhượng với thực phẩm bẩn Không khoan nhượng với thực phẩm bẩn

Mặc dù chế tài xử lý đối với vấn nạn kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm bẩn đã có, ...

Phát hiện hơn 1,4 tấn chân gà không rõ nguồn gốc đang đi tiêu thụ Phát hiện hơn 1,4 tấn chân gà không rõ nguồn gốc đang đi tiêu thụ

Lực lượng chức năng Công an TP Hà Nội vừa phát hiện và thu giữ hơn 1,4 tấn chân gà không có hóa đơn, chứng ...

Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động