Thứ năm 23/01/2025 22:21

Nhiều bệnh viện miền núi Thanh Hóa khó khăn trong việc tự chủ kinh phí hoạt động

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tự chủ tài chính nhằm góp phần nâng cao chất lượng, phong cách phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn triển khai, một số bệnh viện công ở khu vực miền núi Thanh Hóa đã bộc lộ nhiều hạn chế, có nơi thu không đủ chi, nợ tiền thuốc, vật tư,… nhà cung ứng; nợ chế độ của cán bộ, nhân viên.
Bệnh viện đa khoa huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Bệnh viện đa khoa huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Theo tìm hiểu, tại Quyết định số 2584/QĐ-UBND ngày 26/7/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá về phê duyệt giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh giai đoạn 2022-2025, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện Quan Hóa thuộc nhóm tự đảm bảo chi thường xuyên từ 30-70% và được cấp 2,8 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, BVĐK huyện Quan Hoá đang bị mất cân đối tài chính khi thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính.

Hạch toán sơ bộ năm 2022 của BVĐK huyện Quan Hoá cho thấy, nguồn thu từ viện phí, dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) sau khi trừ chi phí thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm... còn khoảng 2,7 tỷ đồng. Cộng với nguồn từ ngân sách cấp, tổng thu của bệnh viện khoảng 5,8 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn chi lương, phụ cấp cho 84 cán bộ, viên chức và 4 hợp đồng trong năm là 8,4 tỷ đồng (chưa tính chế độ làm thêm ngoài giờ, phẫu thuật, thủ thuật...).

Do không cân đối được thu - chi, BVĐK huyện Quan Hoá phải sử dụng hết quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và phúc lợi đã trích lập từ những năm trước để chi trả chế độ con người. Hiện tại bệnh viện còn thiếu bác sĩ các chuyên khoa mắt, tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt, da liễu, tâm thần... nhưng không dám tuyển thêm người.

Tương tự, tại BVĐK huyện Mường Lát, thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính nên ngân sách Nhà nước cấp cho bệnh viện giảm gây khó khăn trong cân đối nguồn kinh phí trả lương và các khoản phụ cấp cho cán bộ. Ngoài ra nguồn kinh phí KCB BHYT bị nợ đọng và bị thu hồi do vượt định mức nhiều làm cho việc cân đối nguồn càng thêm khó khăn.

Chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ đối với công chức, viên chức y tế chưa phù hợp. Giá dịch vụ y tế vẫn chưa được tính đúng và tính đủ theo lộ trình Chính phủ đã đề ra. Việc thực hiện áp dụng cơ chế tự chủ chưa thực sự phù hợp và còn nhiều bất cập, đặc biệt với bệnh viện nằm ở vùng đặc biệt khó khăn như bệnh viện Mường Lát. Ngân sách nhà nước cắt giảm làm khó khăn trong việc cân đối thu chi nhất là chi trả lương cho cán bộ theo nghị định 76/2019/NĐ-CP chính sách đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.

Mặt khác, các quy định về thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập; đặc biệt phần chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt dự toán đến nay vẫn chưa được cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cân bằng tài chính của đơn vị. Việc thanh toán các chế độ cho người lao động bị chậm trễ, chưa chi trả được thu nhập tăng thêm cho người lao động do nguồn kinh phí cân đối để chi trả khó khăn.

Về việc này, ông Đỗ Thái Hoà, Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, BVĐK các huyện như Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh là những đơn vị thuộc nhóm khó khăn nhất ở các bệnh viện công lập khu vực miền núi trong thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính. Nguyên nhân của thực trạng này có thể kể đến cơ chế thanh quyết toán dịch vụ KCB BHYT còn bất cập.

Liên tục từ 2020 đến đầu năm 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lưu lượng bệnh nhân đến bệnh viện giảm mạnh so với giai đoạn trước, ảnh hưởng đến nguồn thu. Trong khi đó, các bệnh viện vẫn phải đảm bảo chi hoạt động thường xuyên, như chế độ con người, văn phòng phẩm, điện, nước... và chi phát sinh cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 ở địa phương. Ngoài ra, tỷ lệ người dân tham gia BHYT ở khu vực miền núi giảm sâu (do không còn được Nhà nước hỗ trợ BHYT), gây khó khăn về nguồn thu KCB BHYT cho các bệnh viện...

Để giảm bớt những khó khăn trên, theo ông Hoà, các bệnh viện phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành để tăng thu, tiết kiệm chi thông qua nhiều giải pháp như lựa chọn những dịch vụ kỹ thuật mới phù hợp, chi phí hợp lý nhưng mang lại hiệu quả cao; nâng cao chất lượng hoạt động KCB BHYT để giảm thiểu việc từ chối và xuất toán trong thanh quyết toán BHYT; lựa chọn, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư, sinh phẩm an toàn, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm.

"Nóng" việc tự chủ bệnh viện và giá các dịch vụ khám, chữa bệnh
Các địa phương gặp khó khăn về quy trình thanh, quyết toán kinh phí
Nhiều bệnh viện và cơ sở y tế bị yêu cầu đóng góp gần 100 triệu đồng làm băng rôn
Hà Nội tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh karaoke
Huy Hoàng - Lê Mạnh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động