Thứ năm 23/01/2025 11:14

Những điểm sáng trong 10 năm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo Trung tướng, PGS, TS. Trần Thái Bình, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân là một trong những nội dung cơ bản được xác định trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, cùng với những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế, cần rút ra những vấn đề cơ bản, cốt lõi để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.
Đại tướng Phan Văn Giang tham quan Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022. Ảnh: Ngô Trung/báo QĐND
Đại tướng Phan Văn Giang tham quan Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022. Ảnh: Ngô Trung/báo QĐND

Những kết quả đạt được

Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân là tổng thể các hoạt động về tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và tiềm lực quốc phòng của đất nước, theo kế hoạch thống nhất, phù hợp với Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ xung đột và chiến tranh từ sớm, từ xa, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Đây là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các cấp, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị tiến hành một cách đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhưng chủ yếu tập trung biểu hiện ở một số nội dung: xây dựng thế trận chính trị, thế trận kinh tế, thế trận quân sự và thế trận đối ngoại.

Về xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, “thế trận lòng dân” vững chắc: Đây là nội dung có ý nghĩa quyết định, vấn đề nội bộ, nguyên nhân bên trong là quyết định. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) nêu rõ: “Nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.

Với chủ trương đó, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, tăng cường đoàn kết trong Đảng, đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Tích cực phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ trong nội bộ. Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Xây dựng các đoàn thể chính trị - xã hội có chất lượng tốt, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh. Coi trọng xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, đây là khâu yếu của xây dựng hệ thống chính trị hiện nay, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn chiến lược, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Theo đó, cấp ủy các cấp đã có nhiều biện pháp trong lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cấp ủy, người đứng đầu cấp xã, phường, thị trấn và cán bộ thôn, bản, buôn, làng, đủ sức cụ thể hóa và đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Nâng cao năng lực lãnh đạo công tác quốc phòng, quân sự, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân ở địa phương, cơ sở, nhất là ở các địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Trong 05 năm (2012 - 2017), riêng Quân đội đã tham gia xây dựng cơ sở chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở 3.656 xã, phường, thị trấn; 11.598 tổ chức chính trị - xã hội; xóa 449 thôn, bản “trắng” đảng viên; củng cố 3.164 chi bộ; có 1.848 cán bộ1 Quân đội tăng cường xây dựng cơ sở.

Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là nội dung cơ bản, nền tảng của thế trận quốc phòng toàn dân. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) chỉ rõ: “Coi trọng xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, thế trận lòng dân”. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, củng cố lòng tin sự đồng thuận của nhân dân, ban hành nhiều chủ trương, chính sách hợp lòng dân, có cơ chế hợp lý để nhân dân phát huy trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân với đất nước.

Khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chỉ tính trong 10 năm (2008 - 2018), cả nước đã bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho trên 05 triệu lượt cán bộ các đối tượng; hơn 41 triệu học sinh, sinh viên; 422.928 chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo2, góp phần nâng cao đáng kể nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Về xây dựng thế trận kinh tế, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) nêu rõ: “Phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội”. Kinh tế là nền tảng vật chất của quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã nỗ lực phấn đấu xây dựng, phát triển kinh tế và thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, bảo đảm cơ sở vật chất ngày càng tốt hơn cho quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, nhất là bảo đảm hiện đại hóa Quân đội.

Việc thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về kết hợp phát triển kinh tế gắn với tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và tiềm lực quốc phòng, an ninh được tiến hành thường xuyên và thu được những kết quả nhất định. Triển khai kết hợp phát triển kinh tế gắn với tổ chức, bố trí lực lượng, tiềm lực quốc phòng, an ninh trong từng địa phương, vùng miền, địa bàn chiến lược, phân công lại lao động, bố trí lại dân cư, bảo đảm các địa bàn khó khăn đều có lực lượng quốc phòng. Xây dựng các cơ sở kinh tế, gắn với xây dựng các thành phần thế trận quốc phòng, an ninh, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần, kỹ thuật...

Xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng ở các địa bàn chiến lược, dọc biên giới đất liền, địa bàn rừng núi, vùng biển, đảo trọng điểm gắn với ổn định các cụm dân cư, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững. Xây dựng các cơ sở công nghiệp quốc gia gắn với phát triển công nghiệp quốc phòng, bảo đảm trang bị ngày càng tốt hơn vũ khí, trang bị hiện đại cho Quân đội. Phát triển các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế kết hợp với tổ chức, bố trí lực lượng và tiềm lực quốc phòng, trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông, lâm, ngư nghiệp, bưu chính viễn thông, giao thông vận tải, y tế; gắn với bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, cơ động lực lượng, thông tin liên lạc, các công trình quân sự, quốc phòng, an ninh và lực lượng dân quân tự vệ.

Về xây dựng thế trận quân sự, đã cơ bản hoàn thành việc triển khai, bố trí lực lượng Quân đội trên các hướng chiến lược, địa bàn chiến lược, nhất là kết hợp bố trí lực lượng cơ động chiến lược và lực lượng tại chỗ. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) viết: “Tiếp tục điều chỉnh thế bố trí chiến lược lực lượng Quân đội đáp ứng yêu cầu phòng thủ đất nước”. Xây dựng thế trận phòng thủ quân khu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn từng quân khu, coi trọng các kế hoạch, công trình, bố trí lực lượng chú trọng hướng biển, biên giới và dự kiến nhiều phương án để sẵn sàng xử trí thắng lợi mọi tình huống.

Đầu tư xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố đạt được những kết quả nhất định, nâng cao khả năng tự xử trí các tình huống quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Xây dựng và phát triển toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, coi trọng xây dựng các thành phần thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ, khu vực phòng thủ then chốt, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần kỹ thuật, khu sơ tán, sở chỉ huy các cấp, các điểm tựa, cụm điểm tựa, khu vực bố trí các lực lượng.

Tăng cường tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ bảo đảm sát với các tình huống quốc phòng, an ninh ở địa phương. Xây dựng các công trình quân sự, quốc phòng gắn với thế trận phòng thủ quân khu và tổ chức thiết bị chiến trường trên bộ, trên biển, đảo, xây dựng các công trình ngầm, đường hầm, chốt chiến dịch, chiến lược, sân bay, bến cảng, kho tàng...

Coi trọng xây dựng công trình phòng thủ biên giới, biển, đảo xa bờ, các công trình phòng thủ lớn, đường băng dã chiến, sân bay trên các đảo lớn theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI): “Ưu tiên xây dựng các công trình phòng thủ biển, đảo, thềm lục địa, phòng thủ biên giới, đường tuần tra và đê, kè sông, suối biên giới, địa bàn chiến lược”.

Về xây dựng thế trận đối ngoại. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) khẳng định: “Triển khai đồng bộ, toàn diện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã mở rộng hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, nhất là hợp tác quốc tế về kinh tế, kết hợp xây dựng thế trận quốc phòng bên ngoài lãnh thổ trên tinh thần giữ vững độc lập, tự chủ, không bị lệ thuộc, đối đầu, cô lập. Coi trọng tăng cường mối quan hệ với các nước láng giềng, các nước ASEAN, các nước lớn, bạn bè truyền thống. Tăng cường các hoạt động giao lưu biên giới với các nước láng giềng, các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tạo vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước đối với cộng đồng quốc tế, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Một số vấn đề còn hạn chế

Theo Trung tướng, PGS, TS. Trần Thái Bình, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, bên cạnh kết quả đạt được, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn và đẩy lùi.

Hệ thống chính trị cơ sở tuy đã được chăm lo xây dựng, nhưng vẫn là khâu yếu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn chiến lược, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và có đông đồng bào tôn giáo. Lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa tuy được củng cố, nhưng chưa thực sự vững chắc, nhiều vấn đề của chủ nghĩa xã hội cần tiếp tục được làm sáng tỏ. Kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh tuy được thực hiện, nhưng hiệu quả chưa cao trong thực tế, còn biểu hiện coi trọng lợi ích kinh tế, coi nhẹ lợi ích quốc phòng, an ninh, thậm chí bất chấp lợi ích quốc phòng, an ninh.

Đầu tư xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiều thành phần của thế trận quân sự khu vực phòng thủ chưa được quan tâm xây dựng. Sức mạnh quốc phòng, sức mạnh quân sự có mặt còn hạn chế, nhất là khả năng tác chiến ở vùng biển, đảo xa bờ, tác chiến sử dụng vũ khí công nghệ cao, chưa tạo được sức mạnh răn đe mạnh từ thời bình. Hoạt động đối ngoại liên quan đến vấn đề biên giới, biển đảo còn có những khó khăn nhất định, 16% đường biên giới Việt Nam - Campuchia chưa được phân giới cắm mốc, các nguy cơ có thể gây mất ổn định vẫn tồn tại, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ vẫn đứng trước các thách thức không thể xem thường, v.v.

Trung tướng, PGS, TS. Trần Thái Bình cũng đưa ra 6 gợi ý có tính chất định hướng về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trong thời gian tới.

Một là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”; tích cực đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Kiên quyết ngăn chặn tiêu cực trong công tác cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ trong nội bộ. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. Tăng cường xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, nhất là lựa chọn, bồi dưỡng người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã, phường, thị trấn, tập trung ở các địa bàn trọng điểm.

Hai là, đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, làm sáng tỏ những vấn đề mới về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh thế giới và khu vực hiện nay, làm cho tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội trở thành hiện thực trong thực tiễn, khắc phục các tiêu cực trong xã hội (phân hóa giàu, nghèo; công bằng xã hội; đời sống một bộ phận lực lượng nòng cốt gặp nhiều khó khăn…), củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Ba là, tập trung nghiên cứu làm rõ những vấn đề cơ bản về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Hoàn thiện cơ chế kết hợp trong đó coi trọng vai trò của Quân đội, Công an trong thẩm định, xét duyệt các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án,… kinh tế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế.

Bốn là, tiếp tục thực hiện nghị quyết của Trung ương về xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới. Coi trọng đầu tư xây dựng các thành phần thế trận, nhất là thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng thủ dân sự của khu vực phòng thủ.

Năm là, nghiên cứu điều chỉnh thế bố trí chiến lược, lực lượng Quân đội, phù hợp phương hướng xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại. Coi trọng bố trí lực lượng bảo vệ theo địa bàn, tác chiến theo khu vực, có lực lượng tại chỗ đủ sức chiến đấu bảo vệ địa bàn và lực lượng cơ động chiến lược mạnh ở các trọng điểm. Đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa Quân đội, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo đảm cho Quân đội luôn sẵn sàng chiến đấu cao, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Sáu là, kiên trì chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, thêm bạn bớt thù, vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Tăng cường hợp tác quốc tế trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, tạo thế đan xen lợi ích chiến lược nhất là với các nước lớn, các đối tác chiến lược, các nước láng giềng, các nước trong khu vực. Giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; tránh xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, phụ thuộc.

Nhiệm vụ của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Đẩy mạnh công tác động viên quốc phòng trong tình hình mới
Thực hiện chính sách, pháp luật về Công nghiệp quốc phòng
HP
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động