Thứ năm 23/01/2025 13:57

Đẩy mạnh công tác động viên quốc phòng trong tình hình mới

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo quan điểm của Thượng tướng, PGS, TS. Trần Việt Khoa - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Giám đốc Học viện Quốc phòng, động viên quốc phòng gồm tổng thể các hoạt động, biện pháp xây dựng và huy động mọi nguồn lực của đất nước hoặc một số địa phương cho nhiệm vụ quốc phòng, tạo sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.
Đẩy mạnh công tác động viên quốc phòng trong tình hình mới
Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tham quan gian hàng của Tổng công ty GAET tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022

Đây cũng là nội dung được xác định trong các nghị quyết, chỉ thị, chiến lược,... của Đảng cần được quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Động viên quốc phòng luôn được ông cha ta chú trọng

Khi xác định nội dung động viên quốc phòng trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ta chỉ rõ: “Sẵn sàng vũ trang toàn dân bảo vệ Tổ quốc”, “chuẩn bị chu đáo các phương án động viên nhân tài, vật lực cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khi cần thiết”. Trong Chiến lược quốc phòng, Đảng ta chủ trương: Xây dựng lực lượng quốc phòng toàn dân phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các loại hình tổ chức kinh tế - xã hội và từng vùng, miền. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc trên cả nước, mạnh ở trọng điểm. Chuẩn bị tốt, sẵn sàng chuyển đất nước sang thời chiến. Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra chủ trương: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.

Thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho thấy, động viên quốc phòng luôn được ông cha ta chú trọng, nhằm chuẩn bị cho đất nước về chính trị - tinh thần, nhân lực, vật lực, sẵn sàng đối phó và giành thắng lợi trong chiến tranh. Các triều đại phong kiến Việt Nam rất chú trọng chuẩn bị nguồn lực động viên ngay từ thời bình; kết hợp giữa sản xuất, phát triển kinh tế với xây dựng quân đội; chú trọng xây dựng lực lượng thường trực với xây dựng lực lượng dự bị và huy động toàn dân đánh giặc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác động viên quốc phòng được tiến hành bằng nhiều biện pháp phong phú nên đã huy động được tinh thần, nguồn lực toàn dân, toàn diện để đánh giặc. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng ra lời kêu gọi đồng bào trên khắp cả nước “Ủng hộ Việt Minh”, Chính phủ ra sắc lệnh “Đảm phụ quốc phòng” bằng lương thực hoặc tiền, mỗi người góp 5 đồng và thực hiện trưng mua gạo, hàng hóa, tạm vay tiền, vàng của Nhân dân, vận động gây quỹ quốc phòng, quỹ độc lập và tuần lễ vàng,... nên đã động viên Nhân dân cả nước với tinh thần, ý chí “quyết chiến, quyết thắng”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua nhà không tiếc”, v.v. Nhờ đó, hàng triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, hàng hóa,... đã được tổ chức khai thác và dự trữ trên các chiến trường, bảo đảm kịp thời cho toàn dân đánh giặc, giành thắng lợi vẻ vang trong công cuộc giải phóng dân tộc.

Ngày nay, trên cơ sở quán triệt và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, đề án,... của Đảng, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, nền an ninh Nhân dân và khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, “thế trận lòng dân” và các nguồn lực động viên quốc phòng được xây dựng ngày càng vững chắc. Hệ thống pháp luật, các chiến lược, đề án về quân sự, quốc phòng, an ninh, nhất là các cơ chế, chính sách động viên quốc phòng được ban hành và triển khai thực hiện tương đối đồng bộ. Việc phát triển kinh tế - xã hội từng bước được kết hợp chặt chẽ với tăng cường quốc phòng, an ninh. Công nghiệp quốc phòng, an ninh được tập trung đầu tư phát triển, sản xuất được nhiều loại phương tiện, thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Các cơ sở động viên công nghiệp được đầu tư, xây dựng, duy trì sản xuất, sửa chữa, vừa đáp ứng yêu cầu phục vụ dân sinh và nhu cầu quốc phòng, an ninh trong thời bình, vừa sẵn sàng động viên trong các tình huống quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, việc tổ chức quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về động viên quốc phòng còn có những hạn chế, bất cập. Đó là, một số lĩnh vực, địa bàn, việc kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh chưa chặt chẽ, hiệu quả, nên nguồn lực động viên quốc phòng của một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự vững chắc. Đầu tư xây dựng khu vực phòng thủ một số địa phương chưa tương xứng với tiềm năng, tốc độ phát triển kinh tế; khả năng dự trữ và huy động các nguồn lực cho quốc phòng có ngành, địa phương hạn chế. Tình trạng di dân tự phát, tội phạm, tệ nạn xã hội, an ninh, trật tự ở một số địa bàn có thời điểm chưa được kiểm soát, quản lý chặt chẽ, ảnh hưởng đến động viên quốc phòng, nhất là xây dựng “thế trận lòng dân” của khu vực phòng thủ, v.v.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước đối với công tác động viên quốc phòng

Thượng tướng, PGS, TS. Trần Việt Khoa nhấn mạnh, để chuẩn bị tiềm lực của đất nước, sẵn sàng đối phó hiệu quả với mọi tình huống quốc phòng, an ninh, đòi hỏi các cấp, ngành, lực lượng từ Trung ương đến địa phương, cả hệ thống chính trị và toàn dân phải tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, triệt để các nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, đề án,... của Đảng trong thực hiện động viên quốc phòng; trong đó, cần quán triệt và thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như:

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước đối với công tác động viên quốc phòng. Đây là giải pháp cơ bản, xuyên suốt, quan trọng hàng đầu, quyết định đến kết quả xây dựng và huy động nguồn lực động viên, phát huy sức mạnh tổng hợp của đát nước, các tổ chức, cá nhân tham gia công tác động viên quốc phòng. Cùng với đó là phát huy sức mạnh tổng hợp của các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và hệ thống chính trị, nhằm huy động cao nhất vai trò, trách nhiệm, khả năng của các tổ chức và Nhân dân trong thực hiện công tác động viên quốc phòng. Động viên cho quốc phòng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Kết hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành Trung ương, địa phương trong xây dựng và huy động nguồn lực động viên. Trong đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đóng vai trò trung tâm, nòng cốt.

Đẩy mạnh công tác động viên quốc phòng trong tình hình mới
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thăm gian hàng triển lãm của Tổng công ty GAET tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022

Đồng thời cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách động viên quốc phòng. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách là cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện nhiệm vụ động viên quốc phòng đúng pháp luật, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước về xây dựng và huy động các nguồn lực động viên cho quốc phòng. Hiện nay, hệ thống các văn bản pháp luật, cơ chế vận hành, các chính sách bảo đảm cho công tác động viên quốc phòng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và ban hành khá đầy đủ. Tuy nhiên, các yếu tố chi phối đến công tác động viên quốc phòng luôn vận động phát triển không ngừng, những quy định của pháp luật và chính sách đang vận dụng có những quy định không còn phù hợp trong thực tiễn. Vì vậy, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và các tổ chức có liên quan cần tiếp tục chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách động viên quốc phòng. Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh; đầu tư xây dựng các nguồn lực động viên, cơ chế hoạt động của các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp trong động viên quốc phòng. Quá trình thực hiện, cần chủ động rà soát, nghiên cứu các văn bản, chính sách hiện hành; tổ chức đánh giá cụ thể mức độ phù hợp của từng văn bản, chính sách và những hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với quy định pháp luật so với hoạt động thực tiễn đặt ra cho công tác động viên quốc phòng. Cơ quan chuyên môn phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ động viên quốc phòng trong tình hình mới.

Nâng cao hiệu quả kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với chuẩn bị nguồn lực động viên quốc phòng. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh là chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước ta. Trong đó, sự kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với chuẩn bị nguồn lực động viên quốc phòng là nội dung quan trọng trong chuẩn bị nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc. Trong tương lai, các yếu tố tác động đến công tác động viên quốc phòng sẽ có sự phát triển nhanh chóng cùng với sự phát triển của tình hình thế giới, khu vực, trong nước và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư. Để tiến hành động viên quốc phòng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, cần phải thường xuyên quán triệt, nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về động viên quốc phòng; đồng thời, chủ động nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ và các giải pháp công tác động viên quốc phòng phù hợp.

Đẩy mạnh xây dựng công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng
Chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Góp phần củng cố quan hệ với các đối tác có thế mạnh, giàu tiềm năng về khoa học, công nghệ
Cần thiết có quy hoạch, kế hoạch xây dựng cụ thể để CNQP trở thành mũi nhọn công nghiệp quốc gia
Nhiệm vụ của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Xuân Thanh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động