Thứ năm 23/01/2025 05:01

Những trường hợp nào đăng ký thường trú phải lấy ý kiến chủ nhà?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nghị định 154/2024/NĐ-CP về đăng ký cư trú đã hướng dẫn cụ thể về các trường hợp đăng ký cư trú phải lấy ý kiến của chủ sở hữu chỗ ở từ đầu năm 2025.
Ảnh minh họa: TVPL
Ảnh minh họa: TVPL

Về các trường hợp đăng ký cư trú phải xin ý kiến, Điều 8 Nghị định 154/2024 quy định, trường hợp công dân đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình mà chỗ ở hợp pháp đó có nhiều hơn một chủ sở hữu thì không cần có ý kiến đồng ý của những người đồng sở hữu.

Trường hợp vợ về ở với chồng, chồng về ở với vợ, con về ở với cha, mẹ, cha, mẹ về ở với con đăng ký thường trú mà chỗ ở hợp pháp có nhiều hơn một chủ sở hữu thì chỉ cần ý kiến đồng ý của ít nhất một chủ sở hữu.

Trường hợp đăng ký thường trú không thuộc trường hợp trên mà chỗ ở hợp pháp có nhiều hơn một chủ sở hữu thì khi đăng ký thường trú phải có ý kiến đồng ý của các chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật.

Trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp của chủ sở hữu là người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người dưới 18 tuổi, người bị tuyên bố mất tích, người đã chết thì chi cần lấy ý kiến đồng ý của một trong những người đại diện hợp pháp, người thừa kế của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.

Việc lấy ý kiến đồng ý của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp, người đại diện hợp pháp, người thừa kế theo quy định pháp luật, cha, mẹ, người giám hộ được thực hiện bằng một trong các hình thức: Ghi rõ nội dung đồng ý và ký, ghi rõ họ tên vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;

Xác nhận nội dung đồng ý thông qua Ứng dụng định danh quốc gia hoặc dịch vụ công trực tuyến hoặc cơ quan đăng ký cư trú trao đổi, lấy ý kiến trực tiếp thông qua việc kiểm tra, xác minh cư trú; Có ý kiến đồng ý bằng văn bản.

Như vậy, so với quy định hiện hành, việc xác nhận đồng ý qua Ứng dụng định danh quốc gia hoặc dịch vụ công trực tuyến tại Nghị định 154/2024 là quy định hoàn toàn mới.

Ngoài nội dung trên, Nghị định 154/2024 còn hướng dẫn mới về trường hợp hộ gia đình chuyển nơi cư trú. Theo đó, trường hợp hộ gia đình chuyển nơi cư trú mới thì chủ hộ chỉ thực hiện đăng ký cư trú đối với bản thân mình theo điều kiện, thủ tục của Luật Cư trú và kê khai, đăng ký cư trú kèm theo cho các thành viên khác của hộ gia đình trong Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.

Trường hợp một hoặc nhiều thành viên trong hộ gia đình chuyển nơi cư trú mới thì một trong các thành viên đó thực hiện đăng ký cư trú đối với bản thân mình theo điều kiện, thủ tục của Luật Cư trú.

Sau đó, người thực hiện thủ tục được kê khai, đăng ký cư trú kèm theo cho các thành viên khác của hộ gia đình trong Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, không phải nộp hồ sơ và thực hiện thêm các thủ tục đăng ký cư trú khác cho thành viên hộ gia đình.

Đặc biệt, Nghị định còn hướng dẫn việc xác nhận diện tích bình quân nhà ở để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ…

Theo Nghị định, công dân có nhu cầu nộp 1 hồ sơ đề nghị xác nhận bằng phương thức trực tuyến, trực tiếp, dịch vụ bưu chính công ích tới UBND cấp xã nơi cư trú. Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND cấp xã nơi cư trú xem xét xác nhận và trả kết quả cho công dân; trường hợp từ chối giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do…

Thông tin mới nhất về thủ tục xóa đăng ký thường trú, tạm trú
Quy định mới về đăng ký cư trú cho trẻ em
Quang Trung
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động